Hiện tượng môi giới làm giá BĐS: Chỉ như "con sâu làm rầu nồi canh"?

(Kinhdoanhnet) - Tạo khan hàng, sốt ảo để đẩy giá bất động sản… là những chiêu trò “câu” khách của một bộ phận môi giới nhà đất hiện nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện tượng này chỉ xuất hiện ở một số ít đơn vị môi giới thiếu chuyên nghiệp, hoạt động nhỏ lẻ.

Hiện tượng môi giới làm giá BĐS: Chỉ như "con sâu làm rầu nồi canh"? - Ảnh 1
Môi giới BĐS làm giá: Chỉ như "con sâu làm rầu" nồi canh?

 

Theo một báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, trong 4 tháng đầu năm nay đã có khoảng 5.850 giao dịch thành công, cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 4 đã có khoảng 1.600 giao dịch thành công, tăng khoảng 10% so với tháng trước đó.

Tuy vậy, lãnh đạo một sàn BĐS tại Hà Nội đánh giá, việc một số dự án công bố "sốt" đến mức giá leo thang từng ngày hoặc tiền chênh lên tới vài trăm triệu đồng có phần hơi quá so với nhu cầu thực. Đôi khi thị trường xuất hiện những mức giá, hoặc số lượng giao dịch cực kỳ khả quan. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là một chiêu thức mà dân môi giới hay dùng để tạo hiệu ứng 'sốt giả' trên thị trường. Có khi khách hàng hỏi cả chục căn thì đều được trả lời là hết hàng nên rất dễ gây cảm giác thị trường đang mua bán nườm nượp...

Cũng theo vị lãnh đạo này, một số sàn có thể sẽ để cho chính nhân viên môi giới của mình ôm các căn hộ đẹp, nhưng đến khi có khách hỏi thì lại thông báo là hết, và muốn được nhượng lại thì phải chịu tiền chênh cả trăm triệu. Vị này cũng nhận định, số liệu mở bán các căn hộ tại một số dự án hiện nay cũng không hẳn đã đúng. "Có những dự án mở bán nhưng không có mấy khách đến tham quan, tuy nhiên chủ đầu tư vẫn thống kê con số bán hàng lên tới vài chục căn mỗi ngày".

Trong một báo cáo công bố đầu quý II vừa rồi, Hiệp hội BĐS Việt Nam(VNREA) cũng nhận định, hiện tượng tăng giá đột biến tại một số dự án trong những tháng đầu năm được cho là do môi giới "làm giá". VNREA cũng nhận định, đây là một trong những hoạt động kinh donah chưa chuyên nghiệp của thị trường địa ốc hiện nay.

Theo vị TGĐ một công ty BĐS có trụ sở tại quận 7, Tp.HCM, nguyên nhân của tình trạng trên là do nguồn cung ngày càng tăng mạnh, áp lực cạnh tranh quá lớn, trong khi bản thân các chủ đầu tư cũng không can thiệp sâu vào hoạt động bán hàng của môi giới. "Điều này dẫn đến tình trạng khan hàng ảo trên thị trường trong thời gian qua", ông đánh giá.

Cũng theo vị chuyên gia này, mặc dù mức độ tăng giá trên thị trường BĐS hiện vẫn ở ngưỡng chấp nhận được (10% trở xuống) nhưng các thương vụ mua bán kèm theo tiền chênh lệch có thể lớn hơn tốc độ tăng giá, thường không được thống kê chính xác vì không ghi cụ thể trong hợp đồng. Điều này có thể khiến cho thị trường đứng trước thách thức lớn trong việc nỗ lực phát triển bền vững và duy trì niềm tin lâu dài của người mua nhà cũng như nhà đầu tư.

Nhận định về thị trường, VNRea cũng cho rằng trong quý 1, hiện tượng tăng giá đột biến tại một số dự án được cho là do một số sàn giao dịch, một số cá nhân môi giới “làm giá” được đánh giá là một trong các hoạt động chưa chuyên nghiệp của thị trường bất động sản hiện nay. Điều này cần được các nhà quản lý Nhà nước, các Hiệp hội nghề nghiệp và các chủ đầu tư có các hành động phù hợp để đảm bảo sự phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững của thị trường. Cộng đồng các doanh nghiệp bất động sản cần có sự tiết chế hợp lý để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường vì lợi ích chung.

Còn theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu thị trường và tư vấn phát triển CBRE thì cho rằng, tố chất quan trọng nhất của môi giới là phải trung thực khi đưa ra thông tin. Bà Dung dẫn chứng: Ở Singapore có một quy định để làm nghề môi giới thì phải có bằng, chỉ cần có một lỗi không đúng là bị tước bằng môi giới, khi đó không có quyền làm việc nữa. Điều này khiến hoạt động môi giới bất động sản ở nước này rất phát triển và trung thực.

Còn ở nước ta, vẫn còn một bộ phận môi giới mà người ta hay gọi là “cò đất” là do xuất phát từ chính những người môi giới làm việc từ trước đây chưa có đủ tâm, nhưng nay bức tranh môi giới đã có nhiều thay đổi, môi giới không còn chỗ đưa thông tin sai vì người mua đã đủ khôn ngoan, thông minh bật lại những thông tin không đúng. Chính vì thế, nếu môi giới làm việc không chuyên nghiệp, chỉ làm kiểu “chộp giật” thì sẽ khó tồn tại, phát triển với nghề.

Ông Vũ Cương Quyết, TGĐ Đất xanh Miền Bắc cũng từng thừa nhận, thời gian qua đúng là có hiện tượng môi giới thổi giá ở một số dự án. Tuy nhiên, theo ông Quyết, các chiêu trò này chủ yếu chỉ xuất hiện tại các đơn vị môi giới thiếu chuyên nghiệp, hoạt động nhỏ lẻ.

"Những doanh nghiệp làm ăn minh bạch, ký thẳng hợp đồng với chủ đầu tư để được phân phối dự án thì hầu như không xảy ra tình trạng nói trên vì họ còn phải giữ uy tín với khách hàng. Hiện giờ khách hàng cũng có nhiều lựa chọn hơn, họ cũng kinh qua những bài học kinh nghiệm đắt giá thời thị trường khủng hoảng nên không dễ gì qua mặt họ được", ông Quyết nói.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Vnexpress, Infonet) 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục