Hiện tượng bất ngờ của kiều hối toàn cầu trong đại dịch COVID-19

Ngân hàng Thế giới từng ước tính rằng lượng kiều hối sẽ giảm 20% vào năm 2020 do đại dịch COVID-19, song thực tế diễn ra trái với dự báo của họ.

Vài năm qua, Aiza Bolo, một bà nội trợ 36 tuổi ở Philippines, sống dựa vào số tiền 550 USD mà người anh kế Justine gửi về mỗi tháng từ Dubai. Từ khi đại dịch COVID-19 ập đến, thu nhập của sạp hoa quả gia đình cô tại chợ giảm, Justine bắt đầu gửi đến 950 USD một tháng. Số tiền của anh trai giúp cô tiếp tục mua thuốc cho cha mẹ, laptop để cậu con trai 13 tuổi có thể kết nối Internet và học trực tuyến.

"Justine không chỉ gửi tiền. Anh ấy là cứu tinh của gia đình. Chúng tôi không có bất kỳ thu nhập nào trong thời gian xảy ra đại dịch, vì vậy tất cả chúng tôi đều dựa vào Justine".

Dòng kiều hối là nguồn hỗ trợ quan trọng đối với hàng triệu người tại các nước đang phát triển, giúp họ chi trả cho các nhu cầu bao gồm học tập, nơi ở và chăm sóc sức khỏe cho người thân ở quê nhà.

Hiện tượng bất ngờ của kiều hối toàn cầu trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 1

Một bộ phận khá lớn trong số những lao động nhập cư vẫn tiếp tục gửi tiền về, dù chính họ cũng khó khăn về kinh tế. Và nỗ lực của họ đã cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính cho những quốc gia nơi số ca nhiễm COVID-19 vẫn còn cao, vắc xin đến chậm và nền kinh tế đang lao đao.

Vào năm 2020, lượng kiều hối toàn cầu đạt 702 tỷ USD, chỉ giảm 2,4%, tức chưa bằng một nửa mức giảm do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, theo Ngân hàng Thế giới. Kiều hối đến các nước có thu nhập thấp và trung bình chỉ giảm 1,6%.

Đây là một con số gây bất ngờ. Bởi vào thời kỳ đầu của đại dịch COVID-19, Ngân hàng Thế giới từng ước tính rằng lượng kiều hối sẽ giảm 20% vào năm 2020. Đến mùa thu 2020, họ hạ xuống mức giảm còn 14%.

Theo các chuyên gia, kiều hối năm ngoái không giảm nhiều do được thống kê đầy đủ hơn. Bởi lẽ, những người nhập cư đã buộc phải sử dụng các kênh chuyển tiền chính thức thay vì dựa vào các kênh phi chính thức như việc về thăm quê.

Cùng với đó, động lực khác nằm sau phong độ mạnh mẽ của dòng kiều hối là các chương trình hỗ trợ lớn của chính phủ các nước giàu, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, cho phép người lao động nhập cư duy trì ổn định tài chính. Trong khi, cuộc khủng hoảng kinh tế năm ngoái - vẫn chưa giảm bớt ở nhiều nước nghèo - đã thúc đẩy một số người di cư tăng mức tiền gửi về cho thân nhân đang khó khăn ở quê hương.

Trong cuộc khảo sát gần đây của MoneyGram International, một công ty chuyển tiền và thanh toán xuyên biên giới, 70% số người được hỏi thổ lộ rằng đại dịch COVID-19 đã khiến họ gửi nhiều tiền hơn về nước. "Hơn bao giờ hết, họ tin rằng những người ở quê hương có cần tiền nhiều hơn trong năm ngoái và năm nay", ông Alex Holmes, Tổng giám đốc MoneyGram, nói.

Năm 2020, lượng kiều hối đến Mỹ Latinh và Caribe tăng 6,5% so với năm trước, được thúc đẩy bởi sự phục hồi kinh tế nhanh chóng ở Mỹ và hai cơn bão ở Trung Mỹ khiến người lao động ở nước ngoài hỗ trợ tài chính nhiều hơn bình thường, theo Ngân hàng Thế giới.

Oscar Andara Guerra, 43 tuổi, một người bán rau ở San Pedro Sula (Honduras), kể rằng 300 USD mỗi tháng mà anh nhận từ mẹ là khoản tiền cần thiết. Mẹ anh, người đã làm việc ở Mỹ hơn ba thập kỷ, cũng gửi tiền cho anh chị em của anh.

"Bà ấy làm công việc dọn dẹp và không bao giờ ngừng gửi tiền cho chúng tôi kể cả trong đại dịch. Bà ấy thậm chí còn giúp tôi mua một giường", Guerra nói.

Ở một số nơi trên thế giới, các hộ gia đình đã thay đổi cách họ tiêu tiền kiều hối khi đại dịch buộc phải ưu tiên cho các nhu cầu cơ bản. Thống kê của chính phủ Philippines cho thấy tỷ lệ hộ gia đình dựa vào kiều hối để trang trải chi phí giáo dục đã giảm từ 65% trong quý III/2019 xuống còn 60% trong cùng kỳ năm 2020.

Trong thời gian đó, ít hộ gia đình ở Philippines sử dụng tiền gửi về để mua ôtô hoặc gửi tiết kiệm, trong khi nhiều hộ sử dụng chúng để trang trải chi phí y tế. Số hộ sử dụng tiền kiều hối để mua lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm hầu như không thay đổi.

Khoản hỗ trợ tài chính hàng tháng mà cô Bolo nhận được từ người anh kế của mình đã giúp bù đắp khoản thu nhập bị mất từ việc bán trái cây và cho thuê một căn hộ cũng được mua bằng tiền gửi về. "Ngay cả sau khi lệnh cấm nghiêm ngặt được dỡ bỏ, hoạt động kinh doanh vẫn không như cũ. Đại dịch đã khiến các căn hộ cho thuê thường xuyên bị bỏ trống, trong khi những người thuê nhà đôi khi không trả tiền thuê đúng hạn", cô nói.

Tất nhiên, không phải tất cả hộ gia đình nhận kiều hối đều có phao cứu sinh trước tác động kinh tế của đại dịch. Tại bang Kerala của Ấn Độ, nơi 1/5 hộ gia đình nhận kiều hối, nhiều hộ đã bị mất dòng tiền khi điều kiện kinh tế xấu đi ở Trung Đông, buộc người lao động nhập cư phải về nước. Theo S. Irudaya Rajan, Chủ tịch Viện Di cư và Phát triển Quốc tế ở Kerala thì cứ 6 người lao động nước ngoài thì đã có một người trở về kể từ khi dịch nổ ra.

Biju Matthew, 48 tuổi, trở về nhà từ Kuwait vào tháng 2/2021 sau khi công ty của anh ngừng trả lương cho anh và 20 công nhân khác. "Khi chúng tôi đến khiếu nại, họ yêu cầu chúng tôi tự thôi việc, đề nghị trả lại hộ chiếu và trả tiền vé máy bay về nước. Chúng tôi từ chối rời đi", Matthew nói.

Sau đó công ty đã yêu cầu các công nhân rời khỏi ký túc xá. Khi công nhân từ chối một lần nữa, công ty đã cắt điện và từ chối trả tiền làm thêm giờ của họ. Matthew đã ngừng gửi tiền về nhà trong khoảng nửa năm trước khi hồi hương.

Giờ đây, Matthew làm giám sát tại một trung tâm mua sắm ở Thiruvananthapuram, thủ phủ của Kerala, với thu nhập hơn 200 USD một tháng, chưa bằng một phần ba số tiền kiếm được ở Kuwait. "Có cảm giác như cuộc đời tôi đã đi lùi 20 năm", anh nói, "Tất cả những gì tôi có thể nghĩ là sống sót qua ngày".

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục