Hệ thống báo chí sẽ được sắp xếp như thế nào?

Đến hết năm 2020, các tổ chức ở trung ương cơ bản hoàn thành việc sắp xếp báo chí theo đúng quy hoạch...

Hệ thống báo chí sẽ được sắp xếp như thế nào? - Ảnh 1
Đối với Bộ, cơ quan ngang bộ sẽ có 01 cơ quan báo in và 01 cơ quan tạp chí in.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Theo đó, đến hết năm 2020, các tổ chức ở trung ương cơ bản hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch, đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Một trong những muc tiêu quy hoạch nhằm sắp xếp hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải đầu tư, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ mục đích; gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là của người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí.

8 nhóm báo, tạp chí in

Đối với báo và tạp chí in, việc sắp xếp hệ thống các cơ quan báo in gắn với các giải pháp đổi mới mô hình tổ chức, quản lý theo hướng giảm số lượng cơ quan báo in, mỗi cơ quan có thể có nhiều ấn phẩm, trong đó có 1 ấn phẩm chính và có thể có một số ấn phẩm khác.

Các cơ quan báo in sau khi được sắp xếp đều có cơ quan chủ quản trực tiếp là tỉnh, thành phố, cơ quan cấp Bộ, ngành, cấp Trung ương (trừ các quân khu, quân chủng) tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác chỉ đạo, quản lý. Các cơ quan báo chí in được giao quyền tự chủ tài chính. Nhà nước tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo in chủ lực, thực hiện cơ chế đặt hàng đối với một số báo và tạp chí phục vụ các nhiệm vụ chính trị được xác định.

Về phương án sắp xếp và lộ trình thực hiện, Ban Chấp hành Trung ương có Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản. Báo Nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện. Đến năm 2020, mỗi ban Đảng Trung ương có không quá 01 tạp chí in; khuyến khích các tạp chí có phiên bản điện tử và chuyển dần từ hình thức tạp chí in sang tạp chí điện tử.

Sau năm 2020, trên cơ sở và lấy Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ( thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương) làm nòng cốt, hợp nhất tạp chí các ban đảng Trung ương để xây dựng một cơ quan báo chí tập trung, đa phương tiện.

Văn phòng Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước mỗi cơ quan có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in.

Đối với Bộ, cơ quan ngang bộ sẽ có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in. Các bộ, cơ quan ngang bộ nếu tiếp nhận cơ quan báo thuộc các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương, các doanh nghiệp, đến hết năm 2020 được có tối đa 2 cơ quan báo; đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Báo Quân đội Nhân dân và Báo Công an Nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Cơ quan thuộc Chính phủ (trừ Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam) có một cơ quan tạp chí in. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Đến hết năm 2020, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Các bộ, cơ quan ngang bộ nếu tiếp nhận cơ quan báo thuộc các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương, các doanh nghiệp, đến hết năm 2020 được có tối đa 2 cơ quan báo; đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Với Học viện, viện nghiên cứu, các trường đại học, bệnh viện đủ điều kiện theo quy định được có cơ quan tạp chí in khoa học chuyên ngành. Đến năm 2020, hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 1 cơ quan báo in thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 1 cơ quan tạp chí in thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh. Theo quy hoạch, đến hết năm 2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đến hết năm 2020, tối đa được có 5 cơ quan báo in (không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo); đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Đối với mỗi tổ chức chính trị - xã hội trung ương có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có 1 cơ quan báo in trực thuộc Liên hiệp và một số tạp chí của các hội thành viên.

Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in. Mỗi tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương có 1 cơ quan tạp chí in.

Đến hết năm 2019, các tổ chức ở trung ương cơ bản hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Đến hết năm 2020, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tối đa được có 3 cơ quan báo in; đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Đến hết năm 2020, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước hiện đang có báo phải chuyển thành tạp chí hoặc ngừng hoạt động; nếu giữ báo thì phải thay đổi cơ quan chủ quản theo quy định.

Cơ quan trung ương của các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam có 1 cơ quan tạp chí in. Đến năm 2025, các tổ chức tôn giáo hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Riêng Hà Nội, Tp.HCM có 2 kênh phát thanh, 2 kênh truyền hình

Đối với phát thanh, truyền hình gồm Đài Truyền hình Quốc gia: Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Phát thanh Quốc gia: Đài Tiếng nói Việt Nam (bao gồm Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC).

Các đơn vị hoạt động truyền hình của bộ, ngành gồm: Trung tâm Truyền hình Thông tấn; Cục Truyền thông Công an nhân dân (thuộc Bộ Công an); Trung tâm Phát thanh, truyền hình Quân đội; Báo Nhân dân; Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 1 đài phát thanh và truyền hình; riêng Tp.HCM có 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình. Mỗi đài chỉ có 1 kênh phát thanh, 1 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.

Hà Nội và Tp.HCM có cơ chế đặc thù về mô hình tổ chức và phạm vi thông tin, mỗi đài có tối đa 2 kênh phát thanh, 2 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.

Về lộ trình thực hiện thì đến hết năm 2020, các đài phát thanh, truyền hình trên cả nước hoàn thành việc sắp xếp theo phương án này.

Tránh sử dụng giấy phép tạp chí điện tử để xuất bản báo điện tử

Đối với báo điện tử và tạp chí điện tử sẽ thực hiện sắp xếp tương tự như báo, tạp chí in. Cơ quan, tổ chức được có cơ quan báo, tạp chí in thì được xuất bản báo, tạp chí điện tử.

Các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp chỉ có tạp chí điện tử, không có báo điện tử. Tạp chí điện tử chỉ được thể hiện đúng tính chất tạp chí, tránh tình trạng sử dụng giấy phép xuất bản tạp chí điện tử để xuất bản báo điện tử.

Các báo điện tử hiện có thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thì sắp xếp lại theo hướng thay đổi cơ quan chủ quản, chuyển thành tạp chí cho phù hợp với quy hoạch hoặc ngừng hoạt động.

Về cơ bản các báo điện tử tự cân đối tài chính. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ phát triển một số báo điện tử chủ lực có kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tính tương tác cao, phong phú về nội dung, có khả năng thu hút công chúng, định hướng dư luận xã hội, nhất là trước các sự kiện, vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm để phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền và thông tin đối ngoại (bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài).

Việc sắp xếp thực hiện theo lộ trình như đối với báo in, tạp chí in.

Cũng tại quy hoạch, một trong những nhóm giải pháp thực hiện, Chính phủ chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm của cơ quan, ấn phẩm báo chí. Kiên quyết xử lý kỷ luật người có trách nhiệm và xử phạt, đình bản, rút giấy phép hoạt động đối với các cơ quan báo chí, ấn phẩm báo chí có sai phạm nghiêm trọng nhiều lần.

Rà soát, chấn chỉnh các hoạt động liên kết, xuất bản ấn phẩm của các cơ quan báo chí. Tăng cường công tác quản lý các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội nhằm phát huy tác dụng của loại hình thông tin này trong công tác tuyên truyền, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực.

 

 

Thủy Diệu - VnEconomy.

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục