Hệ sinh thái giáo dục
Ngoài Chủ tịch Hội đồng Trường quốc tế Mỹ (AISVN), bà Nguyễn Thị Út Em (SN 1963, quê Vĩnh Long) còn sở hữu/đại diện hàng loạt các doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái giáo dục: Công ty Cổ phần Đầu tư Giáo dục quốc tế Mỹ, Công ty Cổ phần Đầu tư Đại học quốc tế Mỹ, Công ty Cổ phần Tập đoàn giáo dục Quốc Tế, Công ty Cổ phần Tập đoàn quốc tế Mỹ, Chi nhánh Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Mỹ (AIS), Trường Tiểu học - Trung học cơ sở và Trung học phổ thông quốc tế Mỹ…
Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn quốc tế Mỹ, có địa chỉ trụ sở tại 209/21B Tôn Thất Thuyết, phường 3, quận 4 Tp.HCM, có giấy phép đăng kinh kinh doanh từ 11/1/2018, chủ sở hữu người đại diện pháp luật bà Nguyễn Thị Út Em (địa chỉ tại 76 Trần Quốc Thảo, phường Võ Thị Sáu, quận 3, Tp.HCM). Công ty này có ngành nghề chính là giáo dục nhà trẻ.
Cũng tại địa chỉ 209/21B Tôn Thất Thuyết còn có trụ sở của Công ty Cổ phần Đầu tư Đại học Quốc tế Mỹ, được thành lập vào ngày 7/3/2017, cũng có người chủ sở hữu/đại nhân pháp luật là bà Nguyễn Thị Út Em. Theo cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì Công ty này có ngành nghề hết sức lạ: “Cho thuê máy móc thiết bị và đồ dùng hữu hình khác không kèm người điều khiển”.
Ngoài ra, hàng loạt công ty khác đều có địa chỉ trụ sở tại 209/21B Tôn Thất Thuyết. Riêng Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Mỹ (sở hữu Trường Quốc tế Mỹ - AISVN) có trụ sở tại 220 Nguyễn Văn Tạo, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, Tp.HCM thành lập vào ngày 15/10/2018, có ngành nghề chính là giáo dục tiểu học.
Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ (AIS) khi mới thành lập có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Thị Út Em nắm 90% vốn, ông Hồ Quang Trung nắm 9,9% và ông Hồ Quang Tri nắm 0,1%. Bất ngờ, ít ngày sau đó (ngày 25/10/2018), Công ty này đã nâng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, gấp 20 lần số vốn ban đầu.
Như vậy, có thể thấy hệ sinh thái của bà Em mới bắt đầu từ 2017 – 2018 trở lại nay, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục. Trước đó, ít ai biết bà Em là ai.
Nợ nần chồng chất
Theo thông tin PV có được, tình hình kinh doanh của Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ (AIS) ghi nhận doanh thu thuần hơn 482 tỷ đồng năm 2020, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 100 tỷ đồng. Đến năm 2021, doanh thu thuần Công ty tăng nhẹ gần 3%, đạt gần 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, do gánh nặng chi phí tài chính cao, kết quả Công ty báo lỗ hơn 300 tỷ đồng.
Trong năm 2022, mặc dù doanh thu của AIS giảm mạnh, tới 46% đạt gần 268 tỷ đồng, song lại thu hẹp được khoản lỗ, khi ghi nhận ở mức âm 176 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong năm 2022, Công ty ghi nhận thêm khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn 1.923 tỷ đồng, nợ vay tài chính ngắn hạn gần 252 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong danh sách các đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 3 tháng, tính đến hết tháng 1/2024, Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ (AIS) đã nợ 9 tháng BHXH, với tổng số tiền chậm đóng là hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, Chi nhánh Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ (AIS) - Trường TH, THCS và THPT Quốc tế nợ 26 tháng BHXH, với số tiền chậm đóng là 11,5 tỷ đồng. Chưa hết, AISVN còn nợ lương, các khoản phúc lợi khác của giáo viên, người lao động nhiều tháng qua, khiến họ đồng loạt đình công, dẫn tới khoảng 1.400 học sinh phải nghỉ học gây xôn xao dư luận mấy ngày nay.
Quan trọng hơn, như đã thông tin trong bài "Hơn 4.000 tỷ đồng huy động tại Trường Quốc tế Mỹ - AISVN đã đi đâu? ", hiện Trường Quốc Tế Mỹ (AISVN) vẫn chưa có phương án cụ thể về tài chính để có thể quay trở lại hoạt động bình thường. Trong khi phụ huynh cho rằng, ẩn dưới các vỏ bọc "Hợp đồng cho vay", hoặc "Hợp đồng góp vốn đầu tư"... tổng số tiền mà Trường đã huy động và đang nợ của họ lên đến hơn 3.200 tỷ đồng, trong số phụ huynh đã đóng lên đến hơn 4.000 tỷ đồng.
Chưa hết, theo tìm hiểu của PV, Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ (sở hữu Trường AISVN) còn 1 lô trái phiếu (AIECH2224002) phát hành ngày 8/9/2022, kỳ hạn 2 năm, lãi suất cố định 10,5%/năm. Tổng giá trị theo mệnh giá đang lưu hành gần 318 tỷ đồng và Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) là đại lý lưu ký thanh toán cho lô trái phiếu này. Liên quan đến lô trái phiếu này, ngày 20/9/2023, PSI cho biết Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS đã không thanh toán đầy đủ đúng hạn tiền lãi vào ngày đến hạn thanh toán và không thể khắc phục được trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày đến hạn.
Để giải quyết các khoản nợ và các vấn đề về tài chính, bà Em đang đàm phán các cuộc thương thảo để bán cổ phần tại Trường AISVN nhưng đến nay vẫn chưa có lối thoát, chưa rõ khi nào Trường này mới ổn định trở lại?.