Hạt dẻ còn gọi là sơn hạch đào là hạt của cây dẻ có tên khoa học là Castanea Mollissima, thuộc họ sồi dẻ (Fagaceae). Thành phần chủ yếu của hạt dẻ gồm có tinh bột, protein, lipit, các vitamin B1, B2, C và các khoáng chất. Đặc biệt, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong tất cả các loại hạt, chỉ duy nhất hạt dẻ có chứa vitamin C và với thành phần giàu tinh bột nên loại hạt này có khả năng cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể.
Hạt dẻ chứa nhiều vitamin, khoáng chất hữu ích cho cơ thể
Nhờ thành phần dinh dưỡng cao mà hạt dẻ đem lại rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Các nghiên cứu đã chứng minh, hạt dẻ có tác dụng trong việc bảo vệ tim mạch. Loại axit béo thuộc họ Omega-3 trong hạt dẻ có tác dụng giúp kháng viêm và bảo vệ tim. Ngoài ra, chất phytosterol được coi là chất giúp giảm sự hấp thu cholesterol vào trong máu.
Hạt dẻ còn có thể được coi là một loại “vũ khí” giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Những chế phẩm từ hạt dẻ không những an toàn mà còn tốt cho người huyết áp cao, bệnh nhân đã được thay van tim nhân tạo và những người mắc bệnh tiểu đường.
Ngoài các loại vitamin, hạt dẻ còn chứa nhiều loại khoáng chất hữu ích trong đó có mangan. Mangan là một trong các chất chống oxy hóa và làm giảm nguy cơ ung thư, ngăn ngừa bệnh tim. Theo Trung tâm Y tế Maryland (Mỹ), mangan cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình lão hóa. Một khẩu phần ăn gần 100g hạt dẻ chỉ chứa hơn 1 microgram mangan nhưng chiếm tới 50% lượng mangan được khuyến cáo cho cơ thể mỗi ngày. Mangan cũng giúp sản xuất liên kết mô và đông máu.
Còn theo Đông y, hạt dẻ có vị ngọt, tính ấm đi vào 3 kinh tỳ, vị và thận. Có công năng bổ thận ích tinh, làm mạnh gân cốt, tăng cường chức năng tiêu hóa, nuôi dưỡng dạ dày, cầm máu, chữa trị tiêu chảy do tỳ, vị hư hàn hay lưng gối do thận hư…. Ngoài tác dụng bổ dương, cải thiện chức năng sinh dục ở nam giới, hạt dẻ còn là thức ăn có lợi cho tim mạch, tiểu đường, huyết áp….
Lưu ý
Dù hạt dẻ ngon và bổ dưỡng nhưng người tiêu dùng cần lưu ý bởi ăn hạt dẻ thường xuyên có thể gây đầy bụng, khó tiêu, táo bón. Người tiêu hoá kém cũng không nên ăn hạt dẻ nhiều vì dễ làm tổn thương tỳ vị.
Khi ăn hạt dẻ cũng cần chú ý không ăn các loại hạt đã có dấu hiệu mốc hỏng. Khi bóc hạt dẻ nếu thấy màu sắc bên trong thay đổi thì cần phải bỏ ngay.
Trước khi rang hay chế biến món ăn từ hạt dẻ nên lưu ý cần rửa sạch hạt dẻ hoặc bóc vỏ. Không nên rang hạt dẻ đến mức cháy khét vì sẽ làm giảm đi hàm lượng dưỡng chất trong hạt dẻ. Để bảo quản hạt dẻ được tốt nên để chỗ thoáng mát, sạch sẽ, phòng mối mọt.
Dương Yến (Theo Gia đình và xã hội, Zing)