Hành trình về tay nước ngoài của Imexpharm

Từ một đơn vị nhỏ tại Đồng Tháp, trở thành doanh nghiệp dược phẩm tư nhân có vốn lớn nhất thị trường, Imexpharm đã dần dần về tay khối ngoại kể từ năm 2020. Gần đây rộ lên thông tin rằng SK Group sẽ thoái toàn bộ 65% vốn tại Imexpharm.

Từ cổ đông chiến lược thành công ty mẹ

Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP), tiền thân là công ty của Xí Nghiệp Liên hiệp Dược Đồng Tháp, trực thuộc Sở Y tế Đồng Tháp, được thành lập từ rất sớm (năm 1983). Sau nhiều lần đổi tên, thương hiệu Imexpharm được ấn định vào năm 2001, công bố vốn điều lệ 22 tỷ đồng.

Từ mức vốn này, Imexpharm đã trải qua gần 20 lần tăng vốn sau đó, đưa quy mô vốn điều lệ lên mức trên 1.500 tỷ đồng, “vượt mặt” Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) để trở thành doanh nghiệp dược phẩm tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Trên hành trình này của Imexpharm, không thể không đề cập tới dấu ấn của khối ngoại, nhân tố quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp dược phẩm này gia nhập vào chuỗi cung ứng dược toàn cầu.

Hành trình về tay nước ngoài của Imexpharm - Ảnh 1

Năm 2020, Imexpharm chính thức chào đón cổ đông chiến lược SK Group đến từ Hàn Quốc, sau khi tập đoàn này nhận chuyển nhượng 25% vốn của Imexpharm (tương đương hơn 12,3 triệu cổ phiếu IMP) chủ yếu từ nhóm quỹ Dragon Capital. Tạm tính theo thị giá của IMP ở thời điểm đó, số tiền mà SK Group có thể đã bỏ ra để bước 1 chân vào Imexpharm là khoảng 666 tỷ đồng.

Không chỉ dừng lại ở cổ đông chiến lược, tham vọng của SK Group tại Imexpharm lớn hơn thế. Cuối năm 2021, Imexpharm nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa lên 75%. Quyết định này đã mở đường cho SK Group gia tăng sở hữu tại doanh nghiệp dược phẩm này, khi liên tục chào mua công khai, nhận chuyển nhượng cổ phiếu IMP sau đó.

Hiện nay, SK đang nắm giữ hơn 73,4 triệu cổ phiếu IMP, tương đương tỷ lệ sở hữu 47,67%. Hai tổ chức có liên quan tới SK Group là Công ty Cổ phần Đầu tư Bình Minh Kim và Công ty Cổ phần Đầu tư KBA nắm giữ lần lượt 15 triệu và 11,35 triệu cổ phiếu IMP, tương đương 9,75% và 7,37%.

Tổng tỷ lệ sở hữu của nhóm SK Group tại Imexpharm là 65%, nắm quyền chi phối tại doanh nghiệp dược phẩm này vì không có cổ đông có quyền phủ quyết (sở hữu trên 35% vốn). Cổ đông lớn thứ hai tại Imexpharm là Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm), sở hữu 22% vốn.

Thời điểm SK Group tham gia vào Imexpharm cũng là giai đoạn doanh nghiệp này đang thực hiện nâng cấp dây chuyền sản xuất lên tiêu chuẩn EU-GMP (2016-2022). Cùng với sự hiện diện của SK, đến năm 2023, Imexpharm đã trở thành doanh nghiệp dược phẩm sở hữu nhiều dây chuyển EU-GMP nhất cả nước, bao gồm 3 cụm nhà máy EU-GMP và 11 dây chuyền EU-GMP.

Với những nhà máy, dây chuyền đạt chuẩn quốc tế, việc Imexpharm bước ra biển lớn, gia vào chuỗi cung ứng dược toàn cầu là điều tất yếu. Một trong những động thái đầu tiên là việc hợp tác với công ty SK Plasma và Genuone Sciences để sản xuất những danh mục thuốc mới (ngoài danh mục thuốc kháng sinh) như thuốc tim mạch và tiểu đường.

Cả hai đối tác này đều đến từ Hàn Quốc, trong đó SK Plasma là một trong những công ty trong hệ sinh thái SK Group. Điều này cho thấy sự hậu thuẫn của tập đoàn này trong những bước đi ra biển lớn của Imexpharm.

IMP nhảy vọt trên thị trường chứng khoán

Nếu như Imexpharm đang từng bước vươn mình ra toàn cầu, thì cổ phiếu IMP trên thị trường chứng khoán cũng không kém phần tích cực. Kể từ đầu năm đến nay, IMP ghi nhận tăng đến 94%, từ mức 25.590 đồng/cổ phiếu (giá điều chỉnh phiên 2/1/2024) lên mức 49.500 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa phiên 12/12).

Ở thời điểm ngày 18/9, IMP thiết lập mức đỉnh khi thị giá tăng lên mức 53.200 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng gấp 2,2 lần so với thời điểm đầu năm. Diễn biến này diễn ra ngay sau khi Imexpharm hoàn tất phân phối cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 1:1, tăng vốn điều lệ gấp đôi lên mức trên 1.500 tỷ đồng như hiện nay.

Diễn biến cổ phiếu IMP từ đầu năm đến nay
Diễn biến cổ phiếu IMP từ đầu năm đến nay

Thị giá của IMP trên thị trường chứng khoán đã vượt mức dự báo của nhiều công ty chứng khoán, sau bước nhảy vọt mạnh mẽ so với thời điểm đầu năm.

Trong bối cảnh cổ phiếu IMP tăng mạnh trong năm 2024, nguồn tin từ báo chí nước ngoài mới đây đã cho biết về khả năng bán 65% vốn Imexpharm của SK Group. Theo đó, cổ đông Hàn Quốc này đang làm việc với một cố vấn tài chính, liên hệ với các công ty dược phẩm và quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân để dò hỏi sự quan tâm.

Tuy nhiên, các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra, trong đó vẫn có khả năng SK Group sẽ giữ lại phần vốn tại Imexpharm.

Dược phẩm được giới phân tích đánh giá là ngành đang thu hút được nhiều nhà đầu tư nhờ vào những yếu tố đặc trưng của ngành như tỷ lệ sử dụng đòn bẩy thấp, giảm áp lực rủi ro về lãi suất. Bên cạnh đó, cổ phiếu ngành dược có hai đặc trưng rõ ràng là tính thanh khoản thấp, tính phòng thủ vè beta âm, do đó ít chịu ảnh hưởng của biến động thị trường.

Hiện nay, mức độ tăng trưởng của các doanh nghiệp dược phẩm Việt đang phát triển tốt và ổn định nhờ vào việc nắm bắt xu hướng công nghệ, đầu tư sâu vào R&D và theo đuổi các tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, Imexpharm là một điển hình tiên phong, tạo lực đẩy lớn thông qua chiến lược phát triển dược phẩm công nghệ cao, với trọng tâm là R&D.

Với sức hút không nhỏ của ngành dược phẩm, nhiều nhà đầu tư ngoại đã để mắt tới miếng bánh này, thương vụ mới nhất là ASKA Pharmaceutical (Nhật Bản) dự chi gần 200 tỷ đồng để gom thêm cổ phiếu DHT của Công ty Cổ phần Dược phẩm Hà Tây (HNX: DHT).

Cổ đông Nhật Bản này trước đó đã gia tăng tỷ lệ sở hữu vượt mức 35%, nắm quyền phủ quyết tại Dược phẩm Hà Tây. Không dừng lại ở đó, ASKA Pharmaceutical tiếp tục gia tăng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp dược phẩm này, không ngại chi tới cả trăm tỷ đồng.

Hải Đường

Vietnamfinance
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục