Cũng nhân ngày kỷ niệm trọng đại này BBT Báo Kinhdoanh và Pháp luật xin trân trọng nói lời tri ân đối với những người mẹ, những những người vợ đã cắn răng nén chặt nổi đau trong lòng mình để hiến dâng những người thân yêu của mình cho non sông đất nước.
Liệt sĩ Huỳnh Minh Sũng tức nhà báo Hai Miền, hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ. Hơn 40 năm trôi qua, gia đình và đồng đội đã cố gắng tìm kiếm hài cốt của đồng chí Hai Miền, nhưng giống như nhiều trường hợp mất tích khác, giữa lúc chiến sự ác liệt của chiến tranh, thông tin về người chết quá ít ỏi...rồi thời gian cứ tưởng có thể khép tất cả vào dĩ vãng, thế nhưng giống như một huyền thoại, gia đình và những đồng đội thân thiết năm xưa đã tìm được hài cốt liệt sĩ Huỳnh Minh Sũng tại một cánh đồng thuộc địa phận khóm 5, phườngTân Thành – Thành phố Cà Mau.
Tấm ảnh hiếm hoi còn lại của nhà báo, liệt sĩ Huỳnh Minh Sũng chụp cùng vợ con trước lúc lên đường đi chiến dịch
Tấm sơ đồ hướng dẫn đường đi tìm hài cốt ba tôi được xem là những thông tin đầu tiên mà gia đình chúng tôi nhận được từ một người đàn ông tên Nhã ở TP. Hồ Chí Minh. Trước đó, chúng tôi được biết ông Nhã cũng đã tìm được nhiều hài cốt các liệt sĩ hy sinh bị thất lạc trong chiến tranh. Thú thật trong cuộc kiếm tìm này, tôi đi nhằm mục đích để làm vui lòng mẹ hơn là mang trong lòng niềm hy vọng sẽ tìm được hài cốt ba tôi, bởi lẽ suốt hơn 40 năm qua kể từ ngày Ban Tuyên huấn Khu Tây nam bộ gửi thư báo tử cho gia đình, đã biết bao lần mẹ tôi cất công tìm kiếm: Bà tìm trong vô vọng, vì thông tin duy nhất của cô Sáu Trong - người gặp mặt ba tôi lần cuối cùng chỉ vỏn vẹn có mấy dòng ngắn ngủi: “Sau khi được lệnh sang sông ở đoạn Nhà Thờ phường 6, Cà Mau, tôi bị thương và chỉ kịp nhìn thấy Hai Miền chạy lên một con hẻm ăn thông ra lộ mà ngoài đầu hẻm lúc bấy giờ đã loáng thoáng bóng bọn lính rằn ri”. Rồi chiến sự nổ ra ác liệt, bọn địch sau những tổn thất nặng nề trong tổng công kích đợt một, lần này chúng tập trung phản công dữ dội, nhiều cán bộ chiến sĩ ta hy sinh tương tự như trường hợp ba tôi cho mãi đến hôm nay gia đình, đơn vị vẫn không sao tìm được mộ phần.

Bà Vương Thị Tuyết vợ nhà báo liệt sĩ Huỳnh Minh Sũng bên mộ chồng giải thưởng báo chí Nguyễn Mai
5 giờ sáng ngày 23/06, mẹ tôi từ thành phố Hồ Chí Minh về tới Cà Mau với tấm sơ đồ do ông Nhã cung cấp, vẽ đường đi đến nơi ba tôi nằm xuống, bà điện thoại ngay báo tin cho bác Út Nghệ - một người đồng đội thân thiết của ba tôi và sau hai tiếng đồng hồ chúng tôi lên đường bắt đầu cuộc kiếm tìm theo sơ đồ do ông Nhã hướng dẫn. Tham gia đoàn tìm mộ này, ngoài gia đình chúng tôi còn có luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, các nhà báo Đỗ Văn Nghiệp (Hội Nhà Báo VN), Nguyễn Hiệp (Báo Cựu Chiến Binh VN), Trung Thực (Đài Phát thanh Truyển hình Cà Mau, Hồng Điệp (Báo Thanh Niên) và một vài đồng chí thân thiết như cô Ba Oanh, cô Thuận Phát, vốn là những người từng gắn bó với cha tôi trong những năm đánh Mỹ. Lấy bến xe khách Cà Mau làm tiêu điểm xuất phát, chúng tôi vượt qua các địa điểm được ghi chú trong sơ đồ, tìm đến đúng nhà chú Ba Cao thuộc địa phận ấp 5 xã Tân Thành, thành phố Cà Mau. Tại đây chúng tôi được biết ông nguyên là bí thư Đảng ủy Sở Xây Dựng Minh Hải đã nghĩ hưu. Vẫn còn nguyên vẹn tác phong của một người cán bộ cách mạng, sau khi nghe mẹ tôi trình bày mục đích chuyến viếng thăm bất đắc dĩ này, ông nhiệt tình hướng dẫn, nhưng ông cũng cho biết rằng suốt những năm ác liệt nhất ông đã từng làm bí thư Đảng ủy xã này nên mọi chuyện về chiến tranh ở đây gần như ông đều tường tận. Năm Mậu Thân sư đoàn 21 Ngụy có đưa một tiểu đoàn về đóng trên phần đất của ông, kết hợp với đồn nghĩa quân ấp 5 Tân Thành để án ngữ cửa ngõ này. Một số cán bộ chiến sĩ của ta trên đường rút về căn cứ, lọt vào ổ phục kích bị chúng giết chết nhưng hầu hết các thi hài liệt sĩ này bà con đã đấu tranh với kẻ thù để đưa về vùng giải phóng an táng. Ông khẳng định: không có một trường hợp nào còn chôn lại trên đất ông. Ông an ủi chúng tôi: -Nghĩa tử là nghĩa tận, gia đình cố gắng tìm kiếm xem sao, biết đâu đây là trường hợp cá biệt, ráng lên, may ra…
Các thành viên trong đoàn làm một cuộc “bố ráp” khu vườn nhà ông đến 9 giờ hơn, nghĩa là sau hơn một giờ đồng hồ “quần thảo” vẫn không tìm được “cái cây trụi lá và những dây leo dại có hoa vàng hoa trắng” như trong bảng hướng dẫn. Tôi đã đọc được trong ánh mắt mẹ tôi một khát vọng , một niềm tin quyết liệt vào chuyến đi này và có lẽ cũng từ ánh mắt và cái nỗi niềm đau đáu ấy đã truyền cho tôi thêm ý chí, giúp tôi vượt qua mọi nghi ngờ, gieo thêm vào lòng tôi niềm hy vọng: “Ba mình chỉ nằm quanh quẩn đâu đây.” Chúng tôi lại lấy sơ đồ ra, dùng la bàn để xác định vị trí, đối chiếu giữa bản vẽ và thực tại…đang lúc bối rối đó thì một thông tin mới lại lóe lên: Chú Ba Cao cho hay ông còn một phần đất nữa cách đây một cây số. Chúng tôi lại lập tức lên đường. Lúc này mặt trời đã lên cao, ánh nắng trở nên gay gắt, máy điện thoại trên tay luật sư Trịnh Vĩnh Phúc réo liên tục. Bác Út Nghệ, anh Kiên Hùng, nhà báo Võ Đắc Danh và các đồng nghiệp của tôi, những bạn hữu của ba tôi liên tục gọi về để hỏi thăm, động viên đoàn cố gắng đứng nản chí. Mọi người quan tâm đến cuộc tìm kiếm này không chỉ đây là một cuộc tìm kiếm khá lạ lùng từ trước đến nay ở Cà Mau (Người vẽ sơ đồ cung cấp thông tin ở mãi tận Sài Gòn và chưa một lần đặt chân đến Cà Mau) mà hơn hết vẫn là tình cảm thắm thiết của những người đống chí, đồng đội của ba tôi, muốn chia sẽ với mẹ con tôi cái nỗi niềm, cái khát vọng suốt 40 năm trời đăng đẵng.

Xét những công lao đóng góp của nhà báo liệt sĩ Huỳnh Minh Sũng.Vừa qua Hội Nhà Báo VN đã truy tặng huy chương Vì sự nghiệp báo chí VN và giải thưởng báo chí Nguyễn Mai
10 giờ 30 phút, chúng tôi đến phần đất thứ hai của ông Ba Cao, lúc bấy giờ tin đồn về một đoàn người lạ đến địa phương truy tìm hài cốt liệt sĩ đã lan tỏa khắp xóm, bà con xung quanh bắt đầu kéo đến khá đông, mỗi người cung cấp một chút những điều mà họ còn lờ mờ trong kí ức về những ngày dữ dội của chiến dịch tổng tiến công mùa Xuân 1968. Chấp nối những thông tin rời rạc đó, tôi được biết rằng nơi lối mòn mà chúng tôi đang đứng ngày xưa là một con đường nhỏ do đồn nghĩa quân ấp 5 bắt dân đào đắp để tạo một lối đi từ trung tâm bót xuyên qua ruộng vào xóm nhà dân ở ven sông Tân Thành. Đây là con đường mà bọn lính tiểu đoàn Trâu Điên của sư đoàn 21 Ngụy đã án ngữ trong chiến dịch Mậu Thân. Sau gần 30 phút tìm kiếm, đo đạc, đối chiếu… Chúng tôi đã xác định được gần đến 90% những điều đã có trong sơ đồ chỉ dẫn, niềm hy vọng tưởng như lịm tắt giờ bùng lên dữ dội, duy có điều chưa tìm ra được “khúc cây dài 6 tấc” mà theo ghi chú trong sơ đồ thì phía dưới lòng đất khúc cây nằm là nơi có hài cốt của ba tôi… Cuộc kiếm tìm vẫn diễn ra trong lặng lẽ nhưng vô cùng quyết liệt, thú thật sau này khi xem cuộn băng video do nhà báo Trung Thực ghi lại tôi mới hiểu hết sự vất vả và quyết tâm của những thành viên trong đoàn. Với tôi, lúc bấy giờ chỉ có một nỗi niềm duy nhất là phải tìm cho ra được cái khúc cây định mệnh kia – bia mộ của ba tôi. Nếu như cái nút cuối cùng này không có (hoặc không tìm được) thì điều này cũng có nghĩa là tất cả những gì thể hiện trên sơ đồ mà chúng tôi đã đi qua là không có thật, hoặc không đúng sự thật và dĩ nhiên hy vọng tìm kiếm hài cốt của ba tôi là điều không tưởng.Tôi bỗng thấy thương mẹ tôi hơn bao giờ hết. Tình yêu của bà đối với ba tôi to lớn quá, cao cả quá! Niềm khắc khoải tìm được hài cốt ba tôi đã trở thành nỗi khát vọng âm ỉ, triền miên trong lòng bà suốt bốn mươi năm qua nếu như vì bất cứ lí do gì không tìm ra được cái khúc cây định mệnh kia thì… trời ơi! Nỗi thất vọng, sự đau đớn của bà sẽ biết đến dường nào? Đã có lúc trong đầu tôi nảy ra ý nghĩ: Giá như cứ để mẹ tôi sống trong niềm hy vọng như suốt gần bốn mươi năm qua bà đã sống còn hơn phải chứng kiến cuộc kiếm tìm khắc nghiệt này…
Gần 30 con người quần thảo suốt một giờ đồng hồ trên đoạn đường dài chưa đầy 200m trong tâm trạng từ tin tưởng sang âu lo nhưng trên hết vẫn là lòng quyết tâm cao nhất của những người đang có mặt tại phần đất mà chùng tôi xác định đã đi đúng theo sự chỉ dẫn của sơ đồ. 11 giờ trưa, trong sự im lặng căng thẳng, bổng bác Út (vợ nhà báo Nguyễn Hải Tùng- người đã thông báo cho bạn bè của ba tôi việc đi tìm hài cốt lần này và có mặt ngay từ phút đầu tiên) la lên: - Có rồi!
Tất cả đều sững sờ quay lại. Bác lấy từ trong bụi lức ra một khúc cây dài đã mục, kiến lửa bám đầy, nhà báo Đỗ Văn Nghiệp kéo thước dây đo: dài đúng 6 tấc.
Đến lúc này thì dường như đã đến 99% khẳng định, suốt 40 năm qua, phần đất cặp con lung ngập nước này chính là nơi ba tôi đã yên nghĩ. Không hiểu sao tôi bỗng dưng nghe như có ai đó dò xé trái tim mình, tình cảm cha con ư? Đó là lẽ tất nhiên rồi, nhưng bên cạnh đó còn một thứ tình cảm khác, kỳ lạ hơn. Tôi xúc động trước những giọt nước mắt của cô Ba Oanh, của bác Út Nghệ, của cô Thuận Phát… những đồng đội thân thiết của ba tôi thời đánh Mỹ, tôi ngậm ngùi khi hình ảnh thím Tám Thậm tay rung rung cắm nén nhang lên phần đất ba tôi nằm, miệng thì thầm khấn nguyện:
- Hai Miền ơi, nếu đúng thật hài cốt của anh nằm dưới kia thì hãy phù hộ cho vợ con, đồng đội của anh sớm tìm thấy đưa về… Ngoài kia, chú Nguyễn Hiệp đang đứng lặng yên bên gốc cây tràm trụi lá. Trong đôi mắt của người chiến binh già hai giọt nước lặng lẽ trào ra… Qua sóng điện thoại, ông Nhã cho luật sư Phúc hay rằng đào thêm hai thước nữa sẽ gặp.Những cục đất được hai người chú tôi (em ruột của ba tôi) thận trọng tiếp tục đưa lên. Minh Thủy, đứa em gái út của tôi sinh ra chưa từng biết mặt cha ngồi lặng im, mắt đăm đăm nhìn vào miệng hố. Trong không khí trang nghiêm đó bỗng bàn tay của chú Tám tôi chạm phải những vật cứng trộn lẫn trong đất bùn, ông thận trọng lấy ra từng miếng xương tàn – hài cốt của ba tôi. Mọi người vây quanh lại. Tôi sững sờ chết lặng, đến khi luật sư Trịnh Vĩnh Phúc thảng thốt nói trong điện thoại: Tìm được chú Hai rối ba ơi! Thì bao nhiêu dồn nén bấy lâu nay trong tôi bật thành nức nở. Tôi khóc cho suốt bốn mươi năm trời ba tôi nằm nơi hoang lạnh, khóc cho Minh Thủy em tôi đang vật vã kêu gào, khóc cho thân phận côi cút của anh em chúng tôi và có lẽ hình ảnh mẹ tôi quỳ lạy bụi lức già nơi ba tôi yên nghĩ sẽ mãi mãi là hình ảnh thiêng liêng in đậm trong tâm trí tôi đến hết cả cuộc đời.
Trong ngôi nhà của em gái tôi, lễ truy điệu nhà báo liệt sĩ Huỳnh Minh Sũng được Thành ủy Cà Mau tổ chức với những nghi thức trang trọng nhất. Nhà báo Nguyễn Hải Tùng một người đồng đội thân thiết, cùng chia ngọt sẻ bùi với ba tôi trong suốt những tháng năm đánh Mỹ cứ sụt sùi với bài điếu văn khóc bạn của mình. Các chú, các bác, những đồng chí thân yêu của ba tôi ở Ban Tuyên huấn Khu Tây Nam bộ, Ban Tuyên huấn tỉnh Cà Mau, Báo Sài gòn Giải phóng, TTX Việt Nam… về dự đông đủ và không ai cầm được nước mắt, thế mới biết cái tình đồng chí trong chiến tranh nó cao đẹp biết dường nào. Ngoại tôi, một ông già 93 tuổi từ Cần Thờ lặn lội về Cà Mau tìm con rể, bước vô nhà ông sững sờ trước hài cốt ba tôi nằm lặng im phủ cờ Tổ quốc. Rung rung cấm nén nhang, ông thủ thỉ như nói với đứa con trai của mình:
- Sũng ơi! Thế là cuối cùng rồi con cũng về được với vợ con của con, về với những bạn bè đồng chí của con, ba vô cùng mãn nguyện và rất tự hào về con, về những gì con đã đóng góp cho đất nước này! Rồi ông khóc trong lặng lẽ. Người ta nói người già ít khi rơi nước mắt, khi đau đớn đến tột cùng họ chỉ nuốt ngược vào tim, không biết có đúng không? Với riêng tôi, trong tâm trạng “đoàn viên” này nhìn “tre khóc măng’, nhìn nghĩa cử ân tình của những người đồng đội cũ của cha mình tôi càng thấm thía hơn cái tài sản vô giá mà ba tôi đã để lại cho anh em chúng tôi đó là một nhân cách sống làm người, dám xả thân hy sinh vì đất nước, sống có thủy có chung với anh em đống chí bạn bè. 10 giờ sáng, đoàn xe lặng lẽ đưa ba tôi về nghĩa trang liệt sĩ, trong ánh nắng hiếm hoi của những ngày mưa tầm tã này, tôi có cảm giác như bầu trời Cà Mau cao rộng hơn, nghĩa trang liệt sĩ vui hơn (mà không! Nó chỉ bớt buồn thôi chứ chẳng có nghĩa trang nào vui cả) khi sau gần 40 năm trời phiêu bạt, ba tôi – nhà báo liệt sĩ Huỳnh Minh Sũng đã trở về trong vòng tay thương yêu của bạn bè, đống chí – trở về với mẹ con tôi.
Trấn Biên