Hành động ngạo mạn của Mark Zuckerberg với nước Úc phải trả giá đắt: Đối mặt làn sóng tẩy chay toàn cầu, hashtag #DeleteFacebook xuất hiện khắp mọi nơi

Facebook thổi bùng tức giận khi dám đe dọa cả một quốc gia.

Facebook thổi bùng tức giận khi dám đe dọa cả một quốc gia.

Hành động ngạo mạn của Mark Zuckerberg với nước Úc phải trả giá đắt: Đối mặt làn sóng tẩy chay toàn cầu, hashtag #DeleteFacebook xuất hiện khắp mọi nơi - Ảnh 1

Sau hành động có phần bất chấp, gây hấn của Facebook khi cắt quyền truy cập thông tin của cả nước Úc trong đêm 17/2, hiện tại mạng xã hội này đang đối mặt với một chiến dịch tẩy chay quy mô lớn.

Theo đó, kể từ đầu ngày hôm qua những dòng hashtag như "#DeleteFacebook" (Xoá Facebook), "#BoycottZuckerberg" (Tẩy chay Zuckerberg) và "#FacebookWeNeedToTalk" (Facebook, chúng ta cần nói chuyện) xuất hiện trên khắp các mạng xã hội khi làn sóng những người tức giận, phản đối động thái của Facebook mở rộng trên toàn cầu.

Chính trị gia người Mỹ David Cicilline đăng trên Twitter rằng: "Đe dọa khiến cả một quốc gia phải đồng ý với các điều khoản của Facebook là sự thừa nhận cuối cùng của quyền lực độc quyền".

Động thái cứng rắn của Facebook diễn ra hôm thứ Tư nhằm đáp lại luật Thương lượng Truyền thông mới được đề xuất của Úc, luật này yêu cầu các gã khổng lồ công nghệ chia sẻ doanh thu quảng cáo từ các tin bài với các đơn vị sản xuất tin. Lệnh cấm tin tức đột ngột của Facebook đã khiến những người trong ngành ngạc nhiên, vì nó diễn ra chỉ vài giờ sau khi Google công bố thỏa thuận chia sẻ doanh thu với News Corp.

Hành động ngạo mạn của Mark Zuckerberg với nước Úc phải trả giá đắt: Đối mặt làn sóng tẩy chay toàn cầu, hashtag #DeleteFacebook xuất hiện khắp mọi nơi - Ảnh 2

Một thành viên Quốc hội Anh là Julian Knight cho biết Facebook dường như đang sử dụng Úc như một "trường hợp thử nghiệm" về cách các chính phủ sẽ phản ứng khi có tin tức bị cấm. Ông kêu gọi các nhà lập pháp trên khắp thế giới phải hành động để đưa Facebook vào khuôn khổ luật pháp.

Thậm chí, cựu giám đốc điều hành Facebook Australia là Stephen Scheeler cũng đã công khai kêu gọi người dùng xóa Facebook. Ông này chỉ trích CEO Mark Zuckerberg và cho rằng động thái của họ tại Úc là "đáng báo động".

"Tôi là một cựu Facebooker đáng tự hào, nhưng trong những năm qua, tôi ngày càng giận dữ hơn. Đối với Facebook và Mark, họ quan tâm quá nhiều tới tiền bạc và quyền lực hơn là lợi ích. Tất cả người dân Úc nên cảm thấy đáng báo động về điều này".

Về phần mình, Facebook đổ lỗi cho chính phủ Úc đã định nghĩa "mông lung và mơ hồ" về "tin tức" trong luật mới của mình. "Dự luật đã hiểu sai mối quan hệ giữa nền tảng của chúng tôi và các đơn vị xuất bản. Trái với suy nghĩ của vài người, Facebook không trộm tin tức, chính hãng tin mới là đơn vị muốn chia sẻ thông tin trên mạng xã hội này", Campbell Brown, Phó chủ tịch mảng quan hệ tin tức quốc tế Facebook bày tỏ.

Ngoài việc chặn quyền xem và chia sẻ thông tin của người dùng, Facebook còn thẳng tay xóa bỏ một số tài khoản mà chính phủ Úc hậu thuẫn.

Trang Facebook của 4 cơ quan y tế khu vực của Úc chịu trách nhiệm phân phối thông tin về đại dịch COVID-19 cũng đã bị Facebook loại bỏ. Động thái mà các nhà phê bình cho rằng sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Tổ chức Tiêm chủng của Úc, tổ chức giúp trẻ sơ sinh được chủng ngừa các bệnh có khả năng gây chết người, cũng là nạn nhân của hành động vội vàng, có phần ngạo mạn của Facebook ngay trong đêm.

"Facebook luôn tuyên bố mình là một nền tảng nhưng dường như bây giờ họ còn đang đưa ra cả các bài xã luận và thậm chí là các quyết định chính trị khá quan trọng", Knight, một người kêu gọi tiến hành những "hành động lập pháp nghiêm khắc" chống lại gã khổng lồ công nghệ cho biết. "Hành động của Facebook quá kiêu ngạo, nhất là giữa thời kỳ dịch bệnh như thế này. Về cơ bản, họ đã chặn đứng truy cập với tất cả tin tức. Facebook không phải là một công dân toàn cầu tốt".

Thủ tướng Australia Scott Morrison thì viết: "Hành động hủy kết bạn với nước Úc ngày hôm nay của Facebook bao gồm việc cắt đứt các dịch vụ thông tin thiết yếu về y tế và dịch vụ khẩn cấp cho thấy họ vừa ngạo mạn vừa đáng thất vọng. Tôi thường xuyên liên lạc với các nhà lãnh đạo của các quốc gia khác về những vấn đề này. Những hành động như vậy sẽ chỉ cho thấy rõ những lo ngại mà ngày càng nhiều quốc gia bày tỏ về hành vi của các công ty BigTech, những người cho rằng họ quyền lực hơn cả các chính phủ và rằng các quy định không nên áp dụng cho họ.

Những công ty như vậy có thể đang thay đổi thế giới, nhưng điều đó không có nghĩa là họ điều hành thế giới. Chúng tôi sẽ không bị đe dọa bởi BigTech và vẫn sẽ trình Quốc hội bỏ phiếu cho Bộ luật News Media Bargaining quan trọng của chúng tôi".

Hành động ngạo mạn của Mark Zuckerberg với nước Úc phải trả giá đắt: Đối mặt làn sóng tẩy chay toàn cầu, hashtag #DeleteFacebook xuất hiện khắp mọi nơi - Ảnh 3

Hiện tại, trên mạng xã hội Twitter, hashtag #DeleteFacebook đang là trending được quan tâm bậc nhất. “Tôi đã không đăng nhập vào Facebook trong nhiều năm và tôi rất vui vì mình đã làm như vậy. Kiểu kiểm duyệt tin tức này không chỉ là phi dân chủ mà còn hoàn toàn mang tính đàn áp. Facebook đang đặt ra một tiền lệ nguy hiểm thúc đẩy sức ảnh hưởng khổng lồ của các công ty công nghệ. Đã đến lúc #DeleteFacebook", một người dùng tweet.

Nguồn: NYPost

Vân Đàm

Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục