Thống kê từ Hiệp hội cảng biển Việt Nam cho biết nửa đầu năm 2021, cảng Cái Mép – Thị Vải (Vũng Tàu) tiếp tục nằm trong nhóm cảng biển có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, với mức tăng khoảng 22%/năm.
Được thành lập năm 1928, Maersk là công ty con lớn nhất của tập đoàn kinh doanh Maersk Group Đan Mạch. Đây là công ty vận tải container lớn nhất thế giới cả về quy mô đội tàu và năng lực vận chuyển hàng hóa với 374 văn phòng tại 116 quốc gia. Hãng vận tải này có khoảng 31.600 nhân viên, trong đó 7.000 là tủy thủ đoàn và 24.600 nhân viên vận hành.
Gần đây, Maersk thông báo sẽ mở thêm hai tuyến đường biển quốc tế mới đi qua khu vực Thái Bình Dương vào tháng 8 với tần suất liên tục hàng tuần. Hai tuyến hàng hải này gồm TPX và TP20 sẽ nối châu Á đến lần lượt bờ biển phía tây, phía đông nước Mỹ.
Cụ thể, tuyến TPX từ châu Á tới Tây Mỹ và chủ yếu triển khai các tàu 3.500 teu. Tuyến hàng hải này sẽ ghé Thâm Quyến và Ninh Ba ở Trung Quốc, rẽ tại APMT Pier 400, Los Angeles (Mỹ).
Trong khi đó, tuyến TP20 sẽ ghé qua Vũng Tàu (Việt Nam), Ninh Ba và Thượng Hải (Trung Quốc), qua kênh đào Panama tới Norfolk và Baltimore trên bờ biển phía đông nước Mỹ. Các tàu panamax với trọng tải 4.500 teu sẽ chủ yếu được di chuyển trên tuyến đường thủy này.
Maersk cho biết việc bổ sung các tuyến TPX và TP20 dựa trên các yêu cầu tuân thủ quy định và sẽ không ảnh hưởng đến sự thay đổi đối với mạng lưới đường biển hiện có của công ty.
Bên cạnh đó, các hãng hàng hải vạn tải khác như HMM (Hàn Quốc), Zim (Israel) cũng đã bổ sung thêm các tuyến đường thủy xuyên Thái Bình Dương do nhu cầu của người tiêu dùng trở nên nhiều hơn, đặc biệt trong việc sử dụng thương mại điện tử.
Cơ hội mới để nâng cao vị thế ngành hàng hải Việt Nam
Thống kê từ Hiệp hội cảng biển Việt Nam cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, hàng container thông qua khu vực Cái Mép – Thị Vải (CM-TV) ở Vũng Tàu đạt khoảng 2,3 triệu teu, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu như trước đây hàng hóa của khu vực phía nam chủ yếu qua cảng Cát Lái thì hiện tỷ lệ qua cảng này chỉ còn 60%, 40% còn lại qua CM-TV. Với thành tích này, CM-TV tiếp tục nằm trong nhóm cảng biển có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, với mức tăng khoảng 22%/năm.
Theo đó, cảng biển Vũng Tàu đã dần hình thành hành lang kết nối các trung tâm kinh tế quan trọng nhất của cả nước (Hà Nội, TP. HCM) và kết nối quốc tế với hàng chục hãng tàu biển lớn nhất trên thế giới.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) đã tiếp nhận thêm 3 tuyến dịch vụ mới: AA3, AA7 (kết nối Việt Nam-Mỹ) và CI8 (kết nối Việt Nam-Tây Ấn Độ) của hãng tàu Wan Hai, nâng tổng số tuyến dịch vụ quốc tế tại TCIT lên 11 tuyến, trong đó có 7 tuyến kết nối với Bắc Mỹ, 1 tuyến kết nối với Mỹ - Canada, 1 tuyến châu Âu và 2 tuyến Nội Á.
Ngoài ra, dư địa phát triển tại các cảng này còn nhiều nên sản lượng hàng container thông qua đạt mức tăng trưởng cao từ 40-50%. Nếu tuyến đường thủy mới chính thức được đưa vào vận hành thì điều này sẽ giúp ngành hàng hải Việt Nam nói chung cũng như ở Vũng Tàu nói riêng đến gần hơn với mục tiêu đã đề ra.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, ngành hàng hải Vũng Tàu đặt mục tiêu tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng đạt khoảng 375 triệu tấn, bình quân khoảng 75 triệu tấn/năm; tổng doanh thu dịch vụ cảng đạt khoảng 20.000 tỷ đồng. Dự kiến, các hoạt động liên quan đến cảng biển đóng góp cho ngân sách Nhà nước giai đoạn này đạt khoảng 100.000 tỷ đồng; tổng doanh thu dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải, dịch vụ hậu cần cảng đạt khoảng 35.000 tỷ đồng.
Tham khảo: The Loadstar
Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết