Nhiều ngân hàng đã gửi thông báo đến các hộ kinh doanh, văn phòng luật sư... yêu cầu đóng tài khoản ngân hàng hoặc chuyển tài khoản sang tên cá nhân (Ảnh minh họa)
Đổi hoặc đóng tài khoản
Thông tư 32/2016 có hiệu lực từ ngày 1/3/2017 do Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh ký. Thông tư 32/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23/2014 ngày 19/8/2015 của NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Tại điều 4 của Thông tư này quy định: Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán rà soát hồ sơ, hợp đồng mở và sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng tổ chức là pháp nhân được mở trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành và thực hiện thay đổi tên chủ tài khoản.
Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài rà soát hồ sơ, hợp đồng mở và sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng là hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được mở trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành và thực hiện: Trong vòng 3 tháng (tức đến hết tháng 5-2017) phải thông báo cho khách hàng biết về việc chuyển đổi sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán chung, thời hạn hoàn tất việc chuyển đổi tài khoản...
Trong vòng 12 tháng (tháng 3/2018), phối hợp với khách hàng hoàn thành việc thực hiện ký lại hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán để chuyển đổi sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán chung hoặc đóng tài khoản (nếu khách hàng có yêu cầu). Sau tháng 3/2018, ngân hàng thực hiện đóng tài khoản đối với những tài khoản thanh toán của khách hàng là hộ gia đình tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân chưa hoàn thành việc chuyển đổi hình thức tài khoản theo quy định.
Đối với tài khoản thanh toán được mở trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm thông báo tới chủ tài khoản các nội dung về hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán theo quy định.
Với thông tư 32/2016, số tài khoản mở tại ngân hàng phải do pháp nhân hoặc cá nhân đứng tên. Các đối tượng không phải là pháp nhân (ví dụ như hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, văn phòng luật sư, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể để đứng tên tài khoản ngân hàng.
Áp dụng thông tư này, nhiều ngân hàng đã gửi thông báo đến các hộ kinh doanh, văn phòng luật sư... yêu cầu đóng tài khoản ngân hàng hoặc chuyển tài khoản sang tên cá nhân.
Có nhiều phản ứng trái chiều liên quan đến Thông tư 32/2016. Nhiều hộ kinh doanh, văn phòng luật sư khi nắm bắt được thông tin này đã chủ động chuyển đổi mô hình kinh doanh bằng cách "lên" doanh nghiệp và thay đổi chủ tài khoản.
TS Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chuyển đổi theo như quy định tại Thông tư 32/2016/TT-NHNN là cần thiết và phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015. Bộ luật Dân sự 2015 quy định chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân và cá nhân. "Việc chuyển đổi này sẽ không quá phức tạp, nhưng cần có hướng dẫn cho các tổ chức không có tư cách pháp nhân để họ hiểu để mà áp dụng theo đúng quy định của NHNN, có thể thông qua một thông tư hướng dẫn giữa NHNN, Bộ Kế hoạch & Đầu tư... kể cả phải có sự phối hợp của các cơ quan thuế, bảo hiểm... Tôi nghĩ việc phối hợp này là không hề nhanh và đơn giản", TS Bùi Quang Tín nói.
TS Bùi Quang Tín cho rằng, kế hoạch triển khai thực hiện Thông tư 32/2016 cần thiết phải rõ ràng và đồng bộ giữa các cơ quan có liên quan. Đồng thời, nên có thêm thời gian để thực hiện thay vì phải ngắn như trong thông tư trên.
Gây khó cho kinh doanh?
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng Thông tư 32/2016 có nhiều bất cập, gây khó cho hộ gia đình, tổ hợp tác. Nhiều văn phòng luật sư, doanh nghiệp tư nhân… lo lắng khi phải xác định tư cách cá nhân hoặc pháp nhân mới được giao dịch ngân hàng, mở tài khoản.
Một số văn phòng luật sư tại TPHCM cho biết khá bất ngờ khi nhận được thông báo của ngân hàng. Phía ngân hàng cho rằng văn phòng luật sư không có pháp nhân. Do đó, một là chuyển văn phòng luật sư lên thành công ty TNHH để có tư cách pháp nhân thì mới mở được tài khoản đứng tên công ty, hoặc là phải chuyển tài khoản sang tên cá nhân nếu vẫn muốn giữ hình thức văn phòng luật sư.
"Tài khoản chuyển sang tên cá nhân thì xuất hóa đơn thế nào, hóa đơn đứng tên ai? Giao dịch với văn phòng luật sư mà lại yêu cầu thanh toán vào một tài khoản mang tên cá nhân thì họ sẽ cảm giác nghi ngại ngay", một luật sư nói.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc hãng luật Giải Phóng, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, đó là một quy định vô lý. Doanh nghiệp tư nhân hay văn phòng luật sư tuy không phải là một pháp nhân nhưng nó là một tổ chức. Một tổ chức không thể sử dụng một tài khoản mang tên cá nhân, điều đó ảnh hưởng lớn đến uy tín giao dịch của tổ chức đó.
Việc buộc các tổ chức không có tư cách pháp nhân phải chuyển đổi sang tài khoản cá nhân là hết sức máy móc. Điều này gây xáo trộn mọi hoạt động của các tổ chức đó, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thuế, bảo hiểm xã hội và lao động. Việc ngân hàng tự đóng tài khoản của các tổ chức này khi đến hạn, sẽ gây những thiệt hại lớn.
"Quy định này không có ý nghĩa về quản lý cũng như lợi ích kinh tế. Tôi nghĩ Bộ Tư pháp cần kiểm tra tính pháp lý của Thông tư này và yêu cầu Ngân hàng nhà nước có những điều chỉnh phù hợp", luật sư Kiều Hưng nói./.
Theo Quế Sơn/ Dân Trí