Hàng loạt ngân hàng đua nhau báo lãi 'khủng', lộ tham vọng lợi nhuận chục nghìn tỷ

Một số ngân hàng như BIDV, Vietcombank, OCB,... đã công bố các con số lợi nhuận ấn tượng đạt được trong năm vừa qua.

Ngân hàng đua nhau báo lãi khủng

Hiện tại, chưa ngân hàng nào công bố báo cáo tài chính năm 2019, nhưng những ngày đầu tiên của năm 2020, một số ngân hàng đã công bố các con số cực ấn tượng đạt được trong năm vừa qua.

Hàng loạt ngân hàng đua nhau báo lãi 'khủng', lộ tham vọng lợi nhuận chục nghìn tỷ - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Cuối tháng 12/2019, tại lễ kỷ niệm thành lập ngân hàng, Sacombank cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2019 khoảng 3.180 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch đã cam kết với đại hội đồng cổ đông. Tổng tài sản đạt khoảng 457.000 tỷ đồng, huy động đạt 413.000 tỷ đồng, cho vay đạt hơn 296.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu hiện đã giảm xuống dưới 2%.

Ngân hàng TPBank cũng thông tin cho biết lợi nhuận trước thuế năm vừa qua đạt trên 3.868 tỷ đồng, tăng 1.610 tỷ đồng tương đương 71,3% so với năm trước và vượt hơn 21% so với kế hoạch đề ra. Đây là con số lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay ở nhà băng này.

Vietcombank là ngân hàng có lãi nhiều nhất năm 2019. Theo đó, lãi trước thuế hơn 23.155 tỷ đồng (tương đương khoảng 1 tỷ USD), tăng 26% và vượt 12% kế hoạch. Dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt 735.446 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước (riêng tín dụng bán lẻ tăng 32%). Nợ xấu của ngân hàng là 0,77% (năm trước là 0,97%), với nợ xấu nội bảng gần 5.700 tỷ đồng.

Ở HDBank, tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập ngân hàng hôm 4/1, lãnh đạo nhà băng này cho biết năm 2019 lãi trước thuế hơn 5.018 tỷ đồng, tăng 25,3% so với năm 2018 và là mức cao kỷ lục của ngân hàng từ trước tới nay. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ ở mức 0,9%.

Mới đây, MBBank cho biết lợi nhuận của ngân hàng đạt trên 10.000 tỷ đồng trong năm 2019, tăng khoảng 30% so với năm 2018 và vượt 5% kế hoạch cả năm được ĐHCĐ thông qua.

Ngân hàng OCB cũng đã thông tin sớm về kết quả kinh doanh năm 2019. Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.200 tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi so với năm 2018. Tỷ suất sinh lời tiếp tục cải thiện mạnh với hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) và hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) lần lượt trên 2,4% và 28%.

Agribank cũng vừa tổ chức lễ tổng kết năm 2019. Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết ngân hàng hoàn thành vượt mức kế hoạch về chỉ tiêu lợi nhuận (11.000 tỷ đồng). Trước đó, 11 tháng đầu năm, Agribank cũng đã báo lãi lên tới 11.700 tỷ.

Tại VietinBank, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của ngân hàng đạt gần 11.500 tỷ đồng, tăng 83% so với năm 2019 và vượt 26% so với kế hoạch.

Ngân hàng BIDV cũng đạt mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay là 10.768 tỷ đồng. Đến cuối năm 2019, ngân hàng duy trì vị thế là ngân hàng cổ phần có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam khi tổng tài sản đạt 1,45 triệu tỷ, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt xấp xỉ 1,3 triệu tỷ.

Kế hoạch lợi nhuận chục nghìn tỷ

Sau năm 2019 thắng lợi như “chẻ tre”, các ngân hàng đều đặt mục tiêu tham vọng cho năm tài chính 2020 với khoản lợi nhuận thu về tăng hàng nghìn tỷ đồng.

Hàng loạt ngân hàng đua nhau báo lãi 'khủng', lộ tham vọng lợi nhuận chục nghìn tỷ - Ảnh 2
Ảnh minh họa.

Vietcombank vẫn là 'ông lớn' luôn đặt mục tiêu kinh doanh “khủng” trong hệ thống các ngân hàng. Năm 2020, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế mà nhà băng này đặt ra là 26.600 tỷ đồng, tăng khoảng 3.445 tỷ đồng so với năm 2019 (đạt 23.155 tỷ đồng - tương đương khoảng 1 tỷ USD).

Ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản và huy động vốn khoảng 12%, tín dụng khoảng 14% và nợ xấu dưới 0,8%.

Vietinbank cũng là ngân hàng gây chú ý khi đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2020 ít nhất phải đạt 12.600 tỷ đồng. Tổng tài sản năn 2020 dự kiến tăng 6-8%, tín dụng tăng khoảng 8-10%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Cũng chú ý không kém, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 12.600 tỷ đồng trong năm 2020. Huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, tăng trưởng khoảng 14,5%; Tín dụng tăng trưởng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, khoảng 13%; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,6%...

Con trai bầu Hiển chi khoảng 233 tỷ đồng để gom cổ phiếu ngân hàng SHB

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa công bố giao dịch cổ phiếu của người có liên quan của người nội bộ.

Hàng loạt ngân hàng đua nhau báo lãi 'khủng', lộ tham vọng lợi nhuận chục nghìn tỷ - Ảnh 3
Ảnh minh họa.

Cụ thể, ông Đỗ Vinh Quang, con trai ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB đăng ký mua vào 35,9 triệu cổ phiếu ngân hàng SHB, tương đương với 2,98% vốn điều lệ nhằm mục đích đầu tư. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh vào thỏa thuận từ 13/1 đến 11/2.

Trước khi thực hiện giao dịch, ông Đỗ Vinh Quang không sở hữu cổ phiếu nào tại SHB. Trong khi đó, ông Đỗ Quang Hiển đang sở hữu hơn 33 triệu cổ phiếu tại ngân hàng, tương đương 2,742% vốn điều lệ.

Tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu SHB đang được giao dịch quanh mức 6.500 đồng/cổ phiếu. Với vùng giá này, ước tính con trai Chủ tịch SHB sẽ chi khoảng 233 tỷ đồng để gom cổ phiếu ngân hàng.

Trước đó, SHB thông báo sẽ phát hành 552,2 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 5.522 tỷ đồng theo mệnh giá, gồm 251,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức và phát hành 300,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 đầu năm, cổ đông của SHB đã chấp thuận kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 17.570 tỷ đồng, tương đương tăng thêm 5.534 tỷ đồng, từ việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu ra công chúng.

Trong đó, ngân hàng chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tổng tỷ lệ 21% gồm 10% cho năm 2017 và 11% cho năm 2018. Đồng thời, cổ đông cũng thông qua phương án chào bán 300,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ thực hiện quyền là 4:1 (cổ đông sở hữu 4 cổ phiếu sẽ được mua thêm 1 cổ phiếu mới).

Ngày 27/12/2019, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho SHB tăng vốn điều lệ từ 12.036 tỷ đồng lên hơn 14.550 tỷ đồng dưới hình thức chia cổ tức năm 2017 và 2018 bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại đến ngày 31/12/2018.

Như vậy, SHB sẽ phát hành hơn 251,4 triệu cổ phiếu (tương đương hơn 2.514 tỷ đồng tính theo mệnh giá) để chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20,9%.

Hà Phương (t/h)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục