Hàng loạt dự án bất động sản của Tập đoàn Bảo Việt “bỏ hoang” nhiều năm

Dù được giao nhiều khu đất với diện tích hàng nghìn m2, nhưng nhiều năm qua hàng loạt dự án bất động sản của Tập đoàn Bảo Việt bị bỏ hoang, chậm tiến độ gây lãng phí tài nguyên đất, lãng phí ngân sách Nhà nước, gây mất mỹ quan Thủ đô và làm mất cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư có năng lực.

 

Cận cảnh bên trong khu đất dự án nhà ở cao tầng 300 tỷ bỏ hoang nhiều năm chưa bị thu hồi của Tập đoàn Bảo Việt (Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội).
Cận cảnh bên trong khu đất dự án nhà ở cao tầng 300 tỷ bỏ hoang nhiều năm chưa bị thu hồi của Tập đoàn Bảo Việt (Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội).
 

Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, hiện nay hàng loạt dự án của Tập đoàn Bảo Việt làm chủ đầu tư bị bỏ hoang, chậm tiến độ trên địa bàn Thành phố Hà Nội bao gồm: Dự án Nhà ở cao tầng để bán thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì; Dự án Tháp tài chính quốc tế IFT số 220 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy; Dự án Văn phòng cho các Hiệp hội Hà Nội (tên thương mại Seven Star) tại lô đất D27 2,2ha quận Cầu Giấy.

Từ thực tế trên, dư luận đặt ra câu hỏi, liệu Tập đoàn Bảo Việt có “yếu kém” về năng lực tài chính, thiếu kinh nghiệm đầu tư trong lĩnh vực ngoài ngành (bất động sản...). Tại sao Tập đoàn Bảo Việt từ chỗ là Tập đoàn hàng đầu về kinh doanh bảo hiểm, nhưng sau đó đã lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác như: Ngân hàng, đầu tư, môi giới, quản lý quỹ, bất động sản để rồi dính nhiều tai tiếng. Liệu việc lựa chọn Bảo Việt là chủ đầu tư các dự án nói trên có là chủ trương đúng đắn, hợp lý hay không khi mà các dự án vào tay Bảo Việt đều “có vấn đề”?

Các chuyên gia đặt vấn đề, nếu những dự án trên được giao cho đơn vị có năng lực tốt hơn, kinh nghiệm và trình độ tốt hơn rất có thể sẽ được triển khai, đầu tư đúng tiến độ góp phần làm thay đổi bộ mặt Thủ đô, nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng, từ đó người dân, doanh nghiệp và Nhà nước đều được hưởng lợi từ chủ trương quy hoạch đúng đắn của thành phố.

Dự án Nhà ở cao tầng để bán (thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Dự án Nhà ở cao tầng để bán (thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội).
 

Tìm hiểu được biết, dự án nhà ở cao tầng Bảo Việt ở huyện Thanh Trì là một dự án kín tiếng, rất ít thông tin của Tập đoàn Bảo Việt. Chủ đầu tư của dự án này là Tập đoàn Bảo Việt - Công ty Cổ phần Đầu tư Bảo Việt – Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, dự án có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, quy mô xây dựng 32.973m2 tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì. Công trình gồm 29 tầng và 02 tầng hầm bố cục thành 3 phần, đế, thân và mái; trong đó tầng hầm 1 và 2 bố trí khu để xe và các phòng kỹ thuật; tầng 1 bố trí khu sảnh chính, văn phòng dịch vụ, tầng 2 bố trí khu dịch vụ, phòng sinh hoạt cộng đồng, nhà trẻ; từ tầng 3 đến tầng 29 bố trí 24.368 căn hộ với tổng diện tích sàn xây dựng 32.966m2.

Ghi nhận của phóng viên ngày 12/4, hiện dự án vẫn là bãi đất hoang. Bên trong khu đất cỏ mọc um tùm, trở thành nơi tập kết nhiều loại rác thải gây ô nhiễm. Người dân sống cạnh khu đất này cho biết, trong khu đất cỏ um tùm, nhiều vũng nước tụ đọng, ngoài ra còn nhiều căn nhà hoang chưa bị phá bỏ và rác thải bị vứt trộm khiến khu đất trở thành nơi sinh sôi của ruồi muỗi, côn trùng gây ô nhiễm và đe dọa sức khỏe người dân nhất là người cao tuổi và trẻ nhỏ.

Ngoài ra, dự án tại địa chỉ tại số 220 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự. Dự án có tên gọi là Tháp Tài chính Quốc Tế (IFT) do Tổng Công ty Bảo Việt nhân thọ làm chủ đầu tư.

Dự án Tháp Tài chính Quốc tế (IFT) của Tập đoàn Bảo Việt bỏ hoang tại số 220 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.
Dự án Tháp Tài chính Quốc tế (IFT) của Tập đoàn Bảo Việt bỏ hoang tại số 220 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.
 

Dự án này, có diện tích nghiên cứu quy hoạch 13.159m2, với quy mô công trình cao 34 tầng, chiều cao tối đa 150m. Được biết, ngày 29/12/2005, UBND Thành phố Hà Nội có Quyết định 8506/QĐ–UB phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất khi giao khu đất này cho Công ty Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở. Năm 2013, dự án Tháp Tài chính Quốc tế (IFT) được Sở Xây dựng Hà Nội cấp Giấy phép quy hoạch cho Chủ đầu tư là Tổng Công ty Bảo Việt nhân thọ.

Thế nhưng, sau nhiều năm dự án vẫn đang bị lãng quên, vẫn là bãi đất trống, là sự dở dang, chưa hề có dấu hiệu thi công xây dựng, cả khu vực hoang hóa, cỏ mọc um tùm, đến nay vẫn chưa rõ lý do vì sao dự án bị ngưng trệ.

Cận cảnh bên trong “bãi đất” nằm tại vị trí vàng, số 220 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.
Cận cảnh bên trong “bãi đất” nằm tại vị trí vàng, số 220 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.
 

Đặc biệt, dự án này nằm tiếp giáp với nhiều tuyến phố lớn tại quận Cầu Giấy nhưng, Dự án Tháp Tài chính Quốc tế IFT của Tập đoàn Bảo Việt lại “ngủ quên” cả một thời gian dài mà tới nay vẫn chưa có dấu hiệu được “đánh thức” bởi chủ đầu tư?

Cách dự án IFT không xa là Dự án Văn phòng cho các Hiệp hội Hà Nội (tên thương mại Seven Star) tại lô đất D27 2,2ha quận Cầu Giấy. Dự án Seven Star nằm trên ô đất D27, thuộc quận Cầu Giấy. Dự án được UBND TP.Hà Nội chỉ định cho liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Bảo Việt, Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long và Công ty Cổ phần đầu tư C.E.O làm chủ đầu tư, thực hiện theo hình thức BT. Dù có vị trí đắc địa, tiếp giáp với tòa nhà trụ sở chính Tập đoàn Viễn thông Viettel, tòa nhà Cung Tri Thức và Tòa án nhân dân Tối cao, bị bỏ hoang hơn 10 năm giữa khu Cầu Giấy (Hà Nội) nhưng vẫn chưa có dấu hiệu khởi công. Dự án có tổng điện tích 2.2ha; Tổng mức đầu tư hơn 4.436 tỷ đồng; Trong đó, tổng mức đầu tư dự án BT là hơn 1.090 tỷ đồng, tổng mức đầu tư các dự án đối ứng là khoảng 3.346 tỷ đồng. Mục đích ban đầu của dự án là xây văn phòng cho các Hiệp hội Hà Nội.

Dự án Seven Star được UBND Thành phố Hà Nội chỉ định cho liên danh thực hiện theo hình thức BT từ năm 2011 do liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Bảo Việt, Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long và Công ty Cổ phần đầu tư C.E.O làm chủ đầu tư.
Dự án Seven Star được UBND Thành phố Hà Nội chỉ định cho liên danh thực hiện theo hình thức BT từ năm 2011 do liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Bảo Việt, Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long và Công ty Cổ phần đầu tư C.E.O làm chủ đầu tư.
 

Lô đất thực hiện dự án được chia ra làm 4 tiểu lô. Phần BT là Tiểu lô D27.a được quy hoạch xây dựng Tòa nhà Văn phòng các Hội và hiệp hội; còn phần đối ứng tại các Tiểu lô D27.b, Tiểu lô D27.c, D27.d quy hoạch xây dựng dự án khu hỗn hợp, trường tiểu học và trường trung học cơ sở. Thế nhưng đến nay đã hơn 1 thập kỷ, dự án chưa triển khai đầu tư, xây dựng và đưa đất vào sử dụng.

Được biết, nhiều năm qua theo Báo cáo tài chính của C.E.O Group, dự án Seven Star luôn nằm ngoài danh mục các dự án được tập trung nguồn lực để đầu tư. Chính vì vậy nhiều người cho rằng dự án này có thể sẽ “nằm im bất động” thêm thời gian dài.

Ngoài ra, Tập đoàn Bảo Việt còn là chủ đầu tư dự án khu chung cư, biệt thự, nhà vườn, du lịch Quang Minh, huyện Mê Linh, Thành phố Hà Nội (trước đây thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Đơn vị thực hiện dự án là Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Long Việt được thành lập từ tháng 7/2008, Bảo Việt sở hữu 45% vốn. Dự án này từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm.

Để hiểu rõ lý do vì sao hàng loạt dự án của Bảo Việt chưa triển khai đầu tư, xây dựng, phóng viên đã đặt lịch và gửi nội dung tới Tập đoàn Bảo Việt, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội và UBND Thành phố Hà Nội. Tuy nhiên sau rất nhiều ngày, phóng viên không nhận được sự hồi âm của các cơ quan liên quan và sự im lặng đến khó hiểu của Tập đoàn Bảo Việt.

Đến nay, chưa thể hiểu rõ nguyên nhân vì sao Tập đoàn Bảo Việt lại được giao đầu tư hàng loạt dự án tại các vị trí đắc địa của Hà Nội, nhưng rồi lại để hoang hóa đến khó hiểu? Bảo Việt liệu có đi vào “vết xe đổ” của vấn đề đầu tư ngoài ngành mà nhiều “ông lớn” khác đã từng dính phải. Hay đơn giản là chủ trương ôm đất, chờ hạ tầng đồng bộ rồi mới triển khai? Gần đây, Hà Nội đang siết chặt các dự án bất động sản, dự án đầu tư xây dựng chậm đưa đất vào sử dụng. Đối với các dự án của Bảo Việt, liệu Hà Nội có thu hồi để giao cho nhà đầu tư có năng lực tốt hơn hay cứ để bỏ mặt cho chủ đầu tư “trây ì” như hiện nay.

Đề nghị UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng dự án bỏ hoang, sớm có giải pháp đưa đất vào sử dụng, ngăn chặn sự lãng phí tài nguyên và tăng thu ngân sách Nhà nước.

Đỗ Lê - Thảo Phương

Báo Xây dựng
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục