Việt Nam, Shopee và Lazada là hai trang thương mại điện tử dẫn dầu. Nếu Shopee tung tính năng giao hàng 4 giờ, đều đặn tặng mã giảm giá và mã giao hàng miễn phí cho người dùng. Lazada lại củng cố uy tín bằng cách ký nhiều hợp tác với các thương hiệu lớn trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, thời trang, mỹ phẩm... nhằm gia tăng sự hiện diện của hàng chính hãng.
Tuy nhiên, cả Shopee và Lazada đều bị khách hàng phản ánh, cụ thể trên các trang thương mại điện tử xuất hiện các mặt hàng giả, hàng nhái. Thậm chí, các mặt hàng này không xuất hiện đơn lẻ mà còn có cả hệ thống, chiếm số lượng áp đảo hàng chính hãng.
Hàng giả, hàng nhái lẫn lộn trên Lazada và Shopee
Khách hàng chỉ cần nhập từ khóa mỹ phẩm Hàn Quốc "Laneige" cả Shopee và Lazada đều trả về hàng chục kết quả với giá cả đa dạng chỉ từ 29.000 đồng đến tận vài triệu đồng.
Đều là mặt nạ ngủ Laneige nhưng trên trang thương mại điện tử lại có hai giá khác nhau với mức rẻ bèo.
Tương tự, với từ khóa giày thể thao "Nike", hệ thống của Lazada và Shopee cho ra kết quả tìm kiếm một hệ thống mặt hàng có giá vài trăm nghìn đồng, số lượng áp đảo hàng chính hãng.
Trên trang thương mại của Lazada xuất hiện nhiều giày thể thao của hãng Nike có giá không quá 600.000 đồng.
Thậm chí có trường hợp tiêu đề bài rao bán thương hiệu ghi "Nike" nhưng ở phần thương hiệu lại là "OEM" rất dễ gây nhầm lẫn cho người mua hàng.
Trên trang thương mại của Shopee cũng tương tự như vậy.
Hoặc mẫu đồng hồ Hublot trong làng đồng hồ xa xỉ có giá cao ngất ngưởng. Thế mà trên Lazada và Shopee lại bán với giá "siêu rẻ".
Cả hai trang thương mại điện tử đều có giá đồng hồ Hublot chỉ vài trăm nghìn đồng.
Ngoài hàng giả, Lazada cũng từng dính bê bối khi tiếp tay cho hàng cấm. Vào tháng 2/2019, nhiều khách hàng bất ngờ khi phát hiện trên trang thương mại điện tử Lazada.vn đăng thông tin rao bán thiết bị để lắp ráp súng, vũ khí dưới dạng đồ chơi.
Đáng nói, các thông tin này được rao bán công khai bởi nhiều shop khác nhau với quảng cáo xuất xứ từ Trung Quốc và Hồng Kông.
Dù không rao bán súng nguyên chiếc nhưng với những thiết bị, linh kiện bán rời, người có hiểu biết về vũ khí có thể tự lắp ráp thành một cây súng hoàn chỉnh, có thể bắn đạn bằng bi sắt hoặc bằng khí nén CO2 gây sát thương.
Khách hàng từng "kêu gào" vì giao hàng không đúng quảng cáo
Những phản ứng của khách hàng khi mua hàng trên Shoppe và Lazada. Ảnh chụp màn hình.
Cả Shopee và Lazada đều bị khách hàng phàn nàn như tự ý hủy đơn hàng, mua sản phẩm này giao sản phẩm khác, giao chậm, không trung thực với khách hàng.Thậm chí sản phẩm còn hàng nhái, kém chất lượng.
Ví dụ, một khách hàng chia sẻ trên mạng xã hội có mua điện thoại của Lazada phân phối, phía Lazada khẳng định chính hãng bảo hành 12 tháng. Nhưng khi nhận sản phẩm xong thì họ bảo khách hàng tự kích hoạt bảo hành vì họ chỉ hỗ trợ kích hoạt cho 2 hãng LG và Samsung mà thôi.
Chuyện tưởng như vậy là xong ai ngờ khi khách hàng gọi điện thoại lên hãng bảo hành thì họ bảo sản phẩm chỉ còn bảo hành đúng 4 tháng. Sau đó khách hàng gọi cho Lazada phản ánh thì họ chỉ dạ dạ để bên em xem lại rồi biệt vô âm tính.
Anh Thông bức xúc chia sẻ. (Ảnh chụp màn hình).
Hoặc trường hợp Anh Hoàng Nam (25 tuổi, nhân viên ngân hàng) bức xúc khi phải mua một cục sạc dự phòng điện thoại "rởm" từ một cửa hàng trên Lazada. Anh cho hay thấy được hình ảnh và thông tin giới thiệu của cửa hàng là sản phẩm của một thương hiệu nổi tiếng, giá giảm không quá nhiều nên mới chọn mua.
Anh Nam cũng cho biết thêm, trang thương mại điện tử này thường xuyên tự ý hủy đơn hàng, nhất là vào những dịp ưu đãi, giảm giá mạnh.
Tương tự, Chị Nguyễn Ngân (Long Biên- Hà Nội) cho hay, đầu năm 2018, chị có mua chiếc áo của Kiwi Shop trên Shopee. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận hàng, chị Ngân phát hiện chiếc áo có một lỗ thủng.
Chị liên hệ với người bán là Kiwi Shop, shop đề nghị chụp ảnh gửi lại và cam kết sẽ gửi lại chiếc áo lành. Tuy nhiên, sau đó bên bán hàng đã cắt đứt liên lạc.
Theo khách hàng này, chị đã không ít lần đặt hàng qua Shopee nhưng đã gặp một số lần hàng hóa không như mong muốn. Không chỉ phải nhận hàng lỗi, mà chị Ngân còn gặp áo có màu sắc không giống với hàng quảng cáo trên web, giao hàng chậm hơn thời gian cam kết.
Hay anh Nguyễn Văn Tiến phản ánh trên mạng xã hội có mua trên Shopee 2 máy điện thoại samsung bị lỗi không thể dùng, sau đó anh đã báo cho shopee máy mua về không sử dụng được, chỉ sau 5 đến 6 tiếng shopee tự huỷ đơn hàng.
Shopee trả lời khách là shop tự liên hệ với khách hàng nên không thể can thiệp được mong thông cảm. Và nói anh Tiến tự liên hệ shop để đổi lại. Đến nửa tháng sau anh Tiến vẫn chưa được giải quyết.
Có thể thấy, mỗi khi gặp hàng lỗi, hàng thiếu, người mua thường liên hệ trực tiếp với bên bán, vì thông tin tiếp nhận khiếu nại từ khách hàng của Shopee hay Lazada không được nhận biết dễ dàng. Phải chăng đây là cơ sở để Shopee và Lazada không phải nhận nhiều trách nhiệm về những sơ xuất của shop bán hàng trực thuộc.
Xu hướng mua hàng qua các trang thương mại điện tử ngày càng nhiều, đồng nghĩa các bức xúc của người tiêu dùng về các sản phẩm nhận được từ hình thức kinh doanh này cũng ngày một tăng.
Vì vậy, với tư cách quản lý các shop bán hàng này, Shopee và Lazada thực sự cần giám sát chặt chẽ hơn hoạt động kinh doanh của các shop để giữ uy tín với người tiêu dùng. Thực tê, rất nhiều phản ánh của khách hàng đã được công khai bằng nhiều hình thức, nhất là qua mạng xã hội.
Hà Phương