Nằm ở vị trí cửa ngõ giao thương hàng hóa từ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và các tỉnh Tây, Tây Nam (Trung Quốc) ra biển và với các nước ASEAN, Cao Bằng có tiềm năng về phát triển kinh tế cửa khẩu, nhất là thương mại và dịch vụ. Hiện nay, Cao Bằng có các cặp cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh - Long Bang; 3 cặp cửa khẩu chính (song phương): Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng (Quảng Hòa), Cửa khẩu Sóc Giang (Hà Quảng), Cửa khẩu Lý Vạn (Hạ Lang) cùng hàng chục cửa khẩu lớn nhỏ và lối mở thông quan hàng hóa trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước, tạo ra nhiều tiềm năng, lợi thế để trao đổi sản phẩm, hàng hóa, nhất là hàng nông sản…
Dự án tuyến đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (dự kiến hoàn thành trong năm 2025) và tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng (dự kiến đầu tư giai đoạn 2026 - 2030) được kỳ vọng sẽ mở cánh cửa giao thương sớm đưa Cao Bằng trở thành cửa ngõ kết nối các tỉnh phía Tây Nam (Trung Quốc) với các tỉnh lân cận.
Thông qua các tuyến cao tốc này, từ Cao Bằng dễ dàng kết nối đi Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng; Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang và các tỉnh phía Tây Bắc Việt Nam. Xa hơn, sẽ dần hình thành tuyến vận tải hướng Nam kết nối ASEAN đi Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Quý Châu (Trung Quốc) sang Trung Á và châu Âu. Đồng thời, đảm bảo giao thương thuận lợi.
Theo quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh sẽ có thêm 2 cửa khẩu quốc tế: Lý Vạn (Việt Nam) - Thạc Long (Trung Quốc), Tà Lùng (Việt Nam) - Thủy Khẩu (Trung Quốc).
Tiềm năng thu hút đầu tư đa lĩnh vực
Nắm vững cơ hội phát triển, với vai trò là đầu tàu kinh tế, chính trị của tỉnh Cao Bằng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Cao Bằng đang nỗ lực vượt qua thách thức, ra sức thi đua và phấn đấu xây dựng nơi đây trở thành thành phố du lịch, văn minh, hiện đại, năng động, phát triển bền vững.
Thời gian qua, thành phố có những bước phát triển vượt bậc, vững chắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là hạ tầng đô thị, du lịch, dịch vụ, thương mại, quản lý quy hoạch, xây dựng, đô thị… Đến nay, nhiều dự án phát triển đô thị đã lựa chọn được nhà đầu tư. Một số công trình bất động sản đô thị quy mô lớn được xây dựng và đưa vào sử dụng như: Khách sạn Mường Thanh (phố Kim Đồng), shophouse TNR Stars Centrer (khu trung tâm hành chính tỉnh), shophouse TNR Grand Palace Cao Bằng, Tổ hợp thương mại dịch vụ Hà Nội Phoenix Tower Cao Bằng (tại đầu cầu Bằng Giang)..., với tổng quy mô đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị quan trọng cho thành phố.
Cùng với việc các tuyến cao tốc hoàn thành, thành phố Cao Bằng đứng trước vận hội phát triển thuận lợi chưa từng có, đặc biệt là du lịch, dịch vụ thương mại, lưu trú, nhà hàng và giao thương kinh tế cửa khẩu. Việc phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại và kết nối giao thông thuận tiện không chỉ thu hút nhà đầu tư mà còn mở ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao đời sống nhân dân. Đây sẽ là lực đẩy giúp Cao Bằng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, biến nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và du khách, đồng thời góp phần vào việc xây dựng hình ảnh một thành phố năng động, hiện đại và phát triển bền vững.