Hà Nội: Thí điểm truy xuất nguồn gốc nông sản bằng điện thoại

(Kinhdoanhnet) - Chỉ bằng điện thoại thông minh, người tiêu dùng Hà Nội đã có thể truy xuất, tra cứu thông tin chi tiết về sản phẩm và biết được sản phẩm đó do cơ sở nào sản xuất, chế biến, đóng gói....

Theo thông tin trên Báo Kinh tế đô thị, chiều 5/8, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho cơ sở sản xuất và nông sản thực phẩm an toàn.

Hà Nội: Thí điểm truy xuất nguồn gốc nông sản bằng điện thoại - Ảnh 1
Nông sản thực phẩm được sẽ được dán mã QR code để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại thông minh.

Đây là dự án được Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội lên ý tưởng và bắt tay vào thực hiện từ hơn một năm nay nhằm đáp ứng nhu cầu minh bạch thông tin sản phẩm cho người tiêu dùng. 

Chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh (smartphone) chạy hệ điều hành IOS hoặc Android, người tiêu dùng có thể quét mã QR code trên sản phẩm để tra cứu thông tin chi tiết về sản phẩm, cơ sở sản xuất và cơ sở phân phối. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng thấy được các giấy tờ chứng nhận liên quan đến sản phẩm thông qua ứng dụng này và phản hồi ý kiến tới cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, việc ứng dụng hệ thống này sẽ giúp minh bạch thông tin sản phẩm, tăng cường công tác quản lý chất lượng nông sản và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái. 

Thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội sẽ phối hợp Hội liên hiệp Phụ nữ TP, Liên đoàn Lao động TP và các hội tiêu dùng tổ chức tập huấn cho người tiêu dùng về cách sử dụng điện thoại thông tin để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Dự kiến, ban đầu sẽ có 5 doanh nghiệp tham gia thí điểm với 350 dòng sản phẩm nông sản thực phẩm được ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử. Trong đó có 150 sản phẩm của Hà Nội và 200 sản phẩm của các tỉnh, TP phân phối tại Hà Nội.

Trước đó, trong tháng 7/2016, Sở Công thương HCM đã báo cáo UBND TP về giải pháp đảm bảo an toàn đối với thịt heo bằng ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là chương trình nằm trong đề án “Mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm” đang được triển khai. Hội công nghệ cao TP HCM là đơn vị được giao thực hiện chương trình này với các giải pháp dựa theo nền tảng “Te-card” của Châu Âu.

Nếu được triển khai sớm thì người dân TP HCM có thể thực hiện việc truy nguồn gốc thịt heo sau 3 tháng – thời điểm để một lứa heo xuất chuồng. Dự kiến chương trình này sẽ được triển khai thí điểm tại 12 lò mổ tập trung , 2 chợ bán sỉ là Hóc Môn và Bình Điền, 5 chợ bán lẻ là Bến Thành, Hòa Bình, Bàu Cát, Thái Bình và An Đông cùng các hệ thống siêu thị Co.oopmart, Vissan, Sagrifoods, Satra Foods.

Đánh giá về chương trình này ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó chủ tịch UBND TP HCM cho rằng đây sẽ là một trong những biện pháp quan trọng để đẩy lùi “thịt bẩn”, tạo điều kiện cho người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm an toàn.

Hoài Anh (T/h)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục