Năm 2011, gia đình ông Nguyễn Xuân Bách ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Dầu khí toàn cầu (GPBank) để vay số tiền hơn 3 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là nhà ở quận Tây Hồ, TP. Hà Nội (có giá trị 11 tỷ đồng). Hạn mức tín dụng tối đa là 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi thanh lý hợp đồng, chủ tài sản yêu cầu lấy lại sổ đỏ thì Ngân hàng thông báo căn nhà đang thế chấp thực hiện cho khoản vay khác là 3,5 tỷ đồng của gia đình ông Nguyễn Duy Án, bà Nguyễn Thị Hương.
Chủ tài sản rất hốt hoảng vì món nợ “từ trên trời rơi xuống”. Bên vay là gia đình ông Nguyễn Duy Án cùng chung tâm trạng trên. Là bên vay tiền nhưng thực tế, ông Án không trực tiếp nhận tiền và hiện tại phải gánh khoản nợ 10,2 tỷ đồng.
GPBank thừa nhận khi ký hợp đồng tín dụng thứ hai đã không thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo vì tài sản đã được đăng ký một lần trước đó
Ông Nguyễn Duy Án trình bày, năm 2011, ông được chị Phạm Minh Thủy nhờ đứng tên làm thủ tục. “Do nghĩ đơn giản là người trong gia đình nên tôi đã ký vào hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp. Khi ký hợp đồng, tôi không được gặp anh chị Bách, Tuyến. Tất cả hợp đồng đều được ký một lần tại phòng công chứng, mọi giấy tờ cũng không thể đọc hết được. Tôi chỉ ký vào những chỗ cán bộ tín dụng bảo”, ông Án cho biết.
Kết luận giám định xác nhận các chữ ký trong hồ sơ vay vốn là của ông Án và bà Hương. Ngoài lời khai, hai người không đưa ra được chứng cứ chứng minh khác.
Trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp và phụ lục hợp đồng khoản vay thứ 2 cũng thể hiện có chữ ký của chủ tài sản. Nhưng vợ chồng ông Nguyễn Xuân Bách cho rằng, họ đã bị lừa dối thông qua việc ký hợp đồng thứ nhất và các văn bản khác kèm theo. Chủ tài sản không được thông báo, không được nhận hồ sơ về việc bảo lãnh cho khoản vay của gia đình ông Nguyễn Duy Án.
Trong vụ việc này có 2 hợp đồng tín dụng, 2 đối tượng vay khác nhau nhưng cùng một tài sản đảm bảo. Bản chất của hợp đồng thứ 2 là bảo lãnh. Theo thông lệ, tài sản bảo lãnh phải được đăng ký giao dịch bảo đảm.
Song, GPBank thừa nhận khi ký hợp đồng tín dụng thứ 2 đã không thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo vì tài sản đã được đăng ký một lần trước đó. Ngân hàng căn cứ vào điều 23, Nghị định 83/201/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo đề nghị tòa án tuyên chấp nhận phụ lục hợp đồng thế chấp có hiệu lực. Quan điểm của Ngân hàng là tài sản không biến động, không cần đăng ký lại giao dịch đảm bảo.
Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cho rằng, tài liệu công an thu thập, lời khai của các đương sự thể hiện vợ chồng ông Bách bị lừa dối khi ký phụ lục hợp đồng thế chấp 01. Xác minh tại Phòng Tài nguyên môi trường quận Tây Hồ thể hiện, phụ lục hợp đồng 01 chưa được các bên đăng ký thế chấp bổ sung. Theo Nghị định 83, trong trường hợp có bổ sung giá trị, bên vay vốn phải thực hiện nghĩa vụ giao dịch bảo đảm bổ sung. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm có hiệu lực từ thời điểm đăng ký đến lúc xóa đăng ký theo đơn của người yêu cầu. Do phụ lục hợp đồng chưa đăng ký nên chưa phát sinh hiệu lực.
Mặt khác, khoản 9 Quyết định 271/QĐ-NH1 về quy chế thế chấp, cầm cố tài sản và bảo lãnh vay vốn ngân hàng nêu rõ: “Đối với những tài sản có đăng ký quyền sở hữu thì một tài sản có thể được dùng để thế chấp, cầm cố hoặc bảo lãnh cho một hoặc nhiều lần vay vốn tại một bên cho vay, mỗi lần thế chấp, cầm cố hoặc bảo lãnh phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tổng số tiền của các lần vay không vượt quá mức quy định tại Điều 12 Quy chế này”.
Sau khi xem xét, cấp phúc thẩm - Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên buộc Ngân hàng phải hoàn trả cho chủ tài sản giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Gia đình ông Án có nghĩa vụ thanh toán cho ngân hàng số tiền 10,2 tỷ đồng.
Điều 12, Nghị định 83 - Các trường hợp đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng ký.
Người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ đăng ký thay đổi khi có một trong các căn cứ sau đây:
1. Rút bớt, bổ sung hoặc thay thế bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm; thay đổi tên của bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm;
2. Rút bớt tài sản bảo đảm;
3. Bổ sung tài sản bảo đảm mà không ký kết hợp đồng bảo đảm mới;
4. Tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai đã hình thành, trừ trường hợp tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh hoặc tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai là phương tiện giao thông cơ giới đã ghi số khung khi đăng ký giao dịch bảo đảm;
5. Yêu cầu sửa chữa sai sót nội dung đã kê khai trong đơn yêu cầu đăng ký;
6. Thay đổi nội dung khác đã đăng ký.
|
Theo Hà Linh/Đầu tư chứng khoán