4 năm thay 4 CEO
Gojek ra mắt thị trường Việt Nam vào tháng 8/2018 với tên gọi GoViet cùng 2 dịch vụ GoBike (gọi xe máy) và GoSend (giao nhận). Chỉ 2 tháng sau, hãng này tiếp tục tung ra dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến GoFood.
Ngay khi "chào sân", GoViet đã tung hàng loạt chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm thu hút người dùng như đồng giá chuyến đi 1.000 đồng, 5.000 đồng...
Sau nửa năm xuất hiện tại Việt Nam (tháng 3/2019), cả Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc GoViet là Nguyễn Vũ Đức và Nguyễn Bảo Linh bất ngờ từ chức.
Ngay sau đó, GoViet công bố bổ nhiệm bà Lê Diệp Kiều Trang, cựu CEO Facebook Việt Nam giữ ghế Tổng giám đốc GoViet.
Dẫu vậy, chỉ sau 5 tháng giữ chức CEO GoViet, bà Lê Diệp Kiều Trang cũng xin từ chức sau đó.
Tháng 8/2020, thương hiệu GoViet chính thức bị xóa sổ. Công ty được đổi tên thành Gojek Việt Nam. Màu sắc nhận diện, trang phục của các tài xế đổi từ gam đỏ sang xanh lá cây, đen, trắng tương tự công ty mẹ.
Sau khi đổi tên, ông Phùng Tuấn Đức, trước đây là Giám đốc vận hành của GoViet được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của Gojek Việt Nam.
Tháng 1/2023, ông Phùng Tuấn Đức cũng đã quyết định rời Gojek Việt Nam để theo đuổi sự nghiệp riêng. Lúc này, ông Sumit Rathor, Giám đốc vùng của Gojek tại Indonesia, phụ trách các vùng lãnh thổ Trung và Đông Java Bali được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của Gojek tại Việt Nam.
Gojek kinh doanh ra sao tại Việt Nam?
Trong thông báo phát đi vào tối 4/9, Gojek tuyên bố sẽ dừng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ ngày 16/9/2024. Hãng nhấn mạnh đây là quyết định chiến lược nhằm cho phép công ty tập trung vào các hoạt động có thể mang đến tác động đáng kể lên thị trường một cách bền vững, phù hợp với cam kết của GoTo trong việc đạt được tăng trưởng kinh doanh bền vững trong dài hạn.
Quyết định rút khỏi Việt Nam không chỉ đến từ nhu cầu tập trung nguồn lực mà còn là dấu hiệu của sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường gọi xe tại thị trường này.
Theo dữ liệu từ Q&Me, chỉ 7% người tiêu dùng Việt Nam thường xuyên sử dụng Gojek, trong khi đó Grab và Be chiếm thị phần áp đảo với lần lượt 42% và 32%. Dù Gojek từng khá phổ biến trong quá khứ, nhưng nền tảng này dần mất lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thị trường thay đổi nhanh chóng.
Ngoài ra, theo Business Times, Gojek Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 1% tổng giá trị giao dịch của GoTo trong quý II/2024. Điều này chứng tỏ việc rút khỏi Việt Nam sẽ không ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của tập đoàn.
Riêng về mảng gọi xe, theo số liệu quý II/2024 của Decision Lab, tỷ lệ thâm nhập của Gojek chỉ chiếm 18%, giảm 4 điểm phần trăm so với quý trước đó. Từ quý II/2023 đến quý IV/2023, con số này cũng liên tiếp giảm.
So sánh với các đối thủ, tỷ lệ của Gojek thậm chí chỉ bằng một nửa so với Xanh SM - ứng dụng gọi xe mới gia nhập thị trường từ tháng 4/2023 và liên tiếp tăng trưởng qua mỗi quý.
Trước đó, Gojek đã rút khỏi Thái Lan vào năm 2021. GoTo hiện tập trung vào thị trường quê nhà và Singapore. Tại Indonesia, tổng giá trị các giao dịch (GTV) và số lượng đơn hàng hoàn thành tại Gojek vào quý II tăng lần lượt 18% và 24% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Dù sự rút lui của Gojek có thể làm giảm sự cạnh tranh trong ngắn hạn, nhưng thị trường gọi xe và giao đồ ăn tại Việt Nam vẫn tiếp tục là mảnh đất màu mỡ với tốc độ tăng trưởng ước tính 19,5% trong giai đoạn 2024-2029, theo nghiên cứu của Mordor Intelligence. Các đối thủ như Grab, Be, và Xanh SM hiện vẫn chiếm lĩnh thị trường và hứa hẹn mang đến nhiều sự đổi mới và cải tiến trong thời gian tới.
Theo báo cáo Mordor Intelligence thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam năm 2023 có quy mô 727,73 triệu USD, trong đó Grab chiếm đến 58,68% thị phần, gấp 6,4 lần thị phần của Be. Tuy nhiên, Q&Me đánh giá BE có tỷ lệ giữ chân khách hàng cao nhất trong các hãng gọi xe công nghệ.
Vietnamfinance
In bài viết