Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng: 26 dự án muốn vay khoảng 12.800 tỷ

Tính đến nay, có 9 tỉnh gửi văn bản công bố danh mục dự án tham gia Chương trình vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với 23 dự án và 1 tỉnh công bố trên Cổng thông tin điện tử với 3 dự án; tổng nhu cầu vay vốn của 26 dự án này là khoảng 12.800 tỷ đồng.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án có hiệu quả, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; hướng tín dụng vào đáp ứng các nhu cầu thiết thực của người dân về nhà ở.

Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng.

Ông Tú cũng cho biết NHNN đang quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết có 26 dự án muốn vay khoảng 12.800 tỷ trong gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết có 26 dự án muốn vay khoảng 12.800 tỷ trong gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Tính đến nay, có 9 tỉnh gửi văn bản công bố danh mục dự án tham gia Chương trình tới NHNN với 23 dự án và 1 tỉnh công bố trên Cổng thông tin điện tử với 3 dự án; tổng nhu cầu vay vốn của 26 dự án này là khoảng 12.800 tỷ đồng.

Về phía các ngân hàng, ngày 16/6/2023, BIDV đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 01 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ tham gia chương trình với số tiền cấp tín dụng khoảng 95 tỷ đồng và đã giải ngân 20,5 tỷ đồng. Agribank cũng đã cấp tín dụng đối với 01 dự án với số tiền cam kết cấp tín dụng là 950 tỷ đồng, dự kiến giải ngân trong quý 3. Đồng thời hiện nay, các ngân hàng thương mại đang chủ động tiếp cận với khoảng 16 dự án thuộc danh mục được công bố.

Từ những thực tế trên, Phó thống đốc NHNN kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư. Trong đó, các dự án được công bố phải đảm bảo đúng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn số 1551/BXD-QLN cả về nội dung và hình thức công bố tránh tình trạng như thời gian qua công bố dự án rất nhiều nhưng tỷ lệ giải ngân lại chưa được nhiều.

Kiến nghị Bộ Xây dựng tổng hợp, thông báo danh mục những dự án đủ điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại tra cứu, xem xét cho vay theo đúng quy định trên cơ sở danh mục do các tỉnh công bố. Các bộ, ngành rà soát, sửa đổi hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến vướng mắc hiện nay trong vấn đề pháp lý.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng cần có giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển, thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư vào thị trường bất động sản để giảm bớt áp lực đối với tín dụng ngắn hạn của ngân hàng cho thị trường bất động sản.

Dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản rất đa dạng như nguồn vốn FDI, vốn huy động trên thị trường quốc tế thông qua việc phát hành trái phiếu hoặc vay các tổ chức nước ngoài, nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp và nguồn vốn tự có, tự tích lũy của các tổ chức, cá nhân, trong đó vốn tín dụng cũng là một trong những nguồn vốn có đóng góp lớn đối với thị trường bất động sản.

Cuối cùng, ông Tú kiến nghị chính các doanh nghiệp, các doanh nghiệp bất động sản cũng phải khẩn trương cơ cấu lại sản phẩm của mình, nguồn hàng, nguồn lực, vấn đề vốn, thị trường. Đặc biệt, chia sẻ với những khó khăn của các lĩnh vực khác trong nền kinh tế bởi không chỉ riêng bất động sản khó khăn mà các lĩnh vực khác cũng đang rất khó khăn.

Hoàng Tư

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục