Gói 30.000 tỷ: Dân có dễ tiếp cận?

Mặc dù Thông tư 32/2014-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đã có hiệu lực từ ngày 25/11 hướng dẫn vay gói 30 nghìn tỷ giúp người vay tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn hỗ trợ. Tuy nhiên cho đến nay, những quy định của văn bản này vẫn chỉ nằm trên giấy tờ chưa đi vào thực tế cuộc sống bởi những rào cản mà chính các ngân hàng dựng lên.

Chờ hướng dẫn

Biết thông tin gói vay 30 nghìn tỷ không còn khống chế về diện tích và giá bán căn hộ, chị Thủy, công tác tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội tính mua căn hộ 60,7 m2 ở 136 Hồ Tùng Mậu. Căn hộ có giá gốc 15,5 triệu đồng/m2, nên trị giá theo hợp đồng sẽ dưới 1,05 tỷ, đủ điều kiện vay gói 30 nghìn tỷ theo Thông tư 32.

Gói 30.000 tỷ: Dân có dễ tiếp cận? - Ảnh 1
Những người có thu nhập trung bình, thấp rất khó tiếp cận gói vay ưu đãi vì các ngân hàng yêu cầu khá cao về phương án trả nợ.

Tuy nhiên, nhân viên tín dụng Ngân hàng BIDV cho chị Thủy biết, quy định mới chưa triển khai, nên hiện căn hộ của chị không đủ điều kiện vay gói 30 nghìn tỷ; hơn nữa chủ đầu tư của dự án này chưa ký hợp tác vay gói 30 nghìn tỷ với ngân hàng. "Họ tư vấn cho tôi vay gói của ngân hàng, lãi suất ưu đãi chỉ 5,95%", chị Thủy nói.

Dù mức lãi suất ngân hàng cũng khá hấp dẫn, nhưng chị Thủy lo ngại, lãi suất này chỉ áp dụng cho một thời hạn ngắn. Chị Thủy bèn tìm hiểu ở một vài ngân hàng khác và đều nhận được câu trả lời "đang chờ hướng dẫn" tương tự. "Khó khăn quá, hóa ra không phải căn hộ nào trị giá dưới 1,05 tỷ cũng thuộc diện vay gói 30 nghìn tỷ", chị Thủy cho biết.

Có mảnh đất 40m2 ở ngoại thành Hà Nội từ nhiều năm nay, anh Duy (ở Dịch Vọng, Cầu Giấy) phấn khởi tìm đến ngân hàng hỏi vay gói 30 nghìn tỷ đồng để xây nhà, nhưng chỉ nhận được câu trả lời "chưa vay được vì chưa có hướng dẫn".

Anh Duy kể: "Cả chục năm nay, gia đình bốn người chúng tôi vẫn ở chung với bố mẹ và vợ chồng cậu em trai trong căn nhà hơn 30m2. Tôi dành dụm, vay mượn mãi mới mua được miếng đất ở huyện Thanh Trì, nay thấy gói 30 nghìn tỷ lãi suất thấp mới dám vay xây nhà. Thế mà nhân viên ngân hàng cứ giới thiệu các gói vay khác, lãi suất lên tới 7,5-8% mà chỉ áp dụng cho 6-12 tháng đầu".

Nhập nhằng quy định "chứng minh thu nhập"

Anh Luân (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) là viên chức Nhà nước, có mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng; vợ anh mới xin vào bán hàng cho một siêu thị, lương khởi điểm ba triệu đồng/tháng. Anh Luân dự định vay 500 triệu đồng để mua căn hộ HH3 Linh Đàm, tuy nhiên hồ sơ đã bị trả về với lý do "thu nhập không chứng minh được khả năng trả nợ".

"Tôi có một con nhỏ nhưng đã gửi về quê cho ông bà nuôi giúp. Hiện, vợ chồng tôi ở nhờ nhà anh trai, chi tiêu tằn tiện chỉ hết khoảng năm triệu đồng/tháng. Tôi tính vay 500 triệu, mỗi tháng trả ngân hàng năm triệu trong 10 năm. Thế nhưng, phía ngân hàng yêu cầu phải chứng minh được thu nhập khoảng 17-18 triệu đồng/tháng", anh Luân cho hay.

Theo tư vấn của nhân viên tín dụng ngân hàng, muốn vay khoảng 300 triệu, khách hàng cần phải chứng minh thu nhập 15 triệu đồng/tháng; muốn vay 500 triệu đồng, cần có thu nhập 16-17 triệu đồng; vay 800 triệu đồng cần có thu nhập từ 20 triệu đồng trở lên... Đây thực sự là rào cản đối với công nhân viên chức, những người có thu nhập trung bình và thấp - nhóm đối tượng chính mà gói vay ưu đãi 30 nghìn tỷ hướng tới.

Với vướng mắc lớn nhất vẫn là chứng minh thu nhập, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh kiến nghị, hiện nay đã có Thông tư liên tịch số 01 của Ngân hàng Nhà nước - Bộ Xây dựng - Bộ Tư pháp - Bộ Tài nguyên môi trường về việc cho phép thế chấp bất động sản hình thành trong tương lai, thì ngân hàng cho vay nên bỏ thủ tục chứng minh thu nhập đối với khách vay.

Theo GTVT

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục