Gỡ khó cho thị trường BĐS cần khắc phục lệch pha cung - cầu

(Kinhdoanhnet) - Đố là khẳng định của Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc giữa Ban Kinh tế Trung ương và Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng, vừa diễn ra chiều 3/6 tại Hà Nội.

Gỡ khó cho thị trường BĐS cần khắc phục lệch pha cung - cầu - Ảnh 1
Gỡ khó cho thị trường BĐS cần khắc phục lệch pha cung - cầu

Theo Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, Một trong những vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay là phải khắc phục được sự lệch pha cung – cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa một cách hợp lý, sao cho các sản phẩm bất động sản chủ yếu phải phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của đại đa số người mua.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: trước tình trạng “đóng băng” của thị trường bất động sản, Bộ đã chủ động tổ chức làm việc với các bộ, ban, ngành đánh giá thực trạng thị trường. Một trong những vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là phải khắc phục được sự lệch pha cung – cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa một cách hợp lý, sao cho các sản phẩm bất động sản chủ yếu phải phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của đại đa số người mua.

Chính vì vậy, bộ Xây dựng xác định quan điểm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 nhằm đa dạng hóa sản phẩm bất động sản nhà ở, trong đó trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội, hướng tới người nghèo, để sản phẩm bất động sản đến với mọi đối tượng.

Trên cơ sở đó, Bộ đã đề xuất 6 nhóm giải pháp tháp gỡ khó khăn thị trường bất động sản, gồm cả giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài: hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước; bảo đảm thị trường phá triển ổn định theo quy hoạch, đảm bảo cân đối cung – cầu, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; rà soát, điều chỉnh cơ cấu các dự án bất động sản; giải quyết nợ xấu và hỗ trợ tín dụng; điều chỉnh chính sách thuế, tài khóa; các giải pháp cho doanh nghiệp bất động sản; cải cách thủ tục hành chính, tăng cường thông tin, củng niềm tin cho thị trường…

Trao đổi tại buổi làm việc, đồng chí Trương Quang Nghĩa, UVTW Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao những nỗ lực đổi mới của ngành Xây dựng thời gian qua .Đồng chí cho rằng những nỗ lực đó, nhất là việc cải cách hành chính đã được xã hội , được người dân ghi nhận.Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Xây dựng vẫn còn nhiều công việc cần phải tiếp tục như: nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về lĩnh vực quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng; nghiên cứu áp dụng các mô hình phát triển đô thị theo hướng tiết kiệm tài nguyên đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và các nguồn lực xã hội…

Bên cạnh đó, đồng chí Trương Quang Nghĩa cũng đề cập đến một số vấn đề trọng tâm của Ngành như: gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng cho xây dựng nhà ở xã hội ;vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước lĩnh vực Xây dựng ;Vấn đề triển khai phương thức BOT ; vấn đề quản lý đầu tư lĩnh vực xây dựng…

Hiện nay, cơ cấu hàng hóa BĐS, nhất là nhà ở, chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến lệch pha cung - cầu. Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu nhà ở bình dân, phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư.

Theo chuyên gia xây dựng Phạm Sỹ Liêm, đây là hệ quả bắt nguồn từ thời kỳ BĐS phát triển nóng, khi mà các chủ đầu tư chỉ chạy theo các dự án thương mại, có thể thu lời được nhiều nhất và nhanh nhất. Các cơ quan nhà nước cũng chưa quan tâm đến phân khúc nhà cho người thu nhập thấp, một thời gian dài “thả nổi” thị trường BĐS. Trong khi lẽ ra, nguồn cung hàng hóa BĐS phải do Nhà nước điều tiết thông qua việc quy hoạch phát triển, quy hoạch xây dựng đô thị, đặc biệt là nguồn cung thông qua việc giao đất, cho thuê đất… Đến khi thị trường đóng băng, những điểm yếu của thị trường lộ rõ với hàng loạt dự án đã hoàn thành mà không bán được vì giá quá cao.

Theo Chiến lược phát triển thị trường BĐS vừa được Bộ Xây dựng trình Chính phủ, tất cả các địa phương phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhằm minh bạch hóa, tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia thị trường. Bộ cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng, sớm triển khai các định chế tài chính phi ngân hàng như quỹ đầu tư BĐS, quỹ tín thác BĐS, quỹ tiết kiệm nhà ở...

Khi thị trường trầm lắng, các bên đều có thời gian nhìn nhận lại các sản phẩm hiện có của thị trường. Từ đó, Bộ Xây dựng đã đặt ra mục tiêu cần phải cơ cấu lại hàng hóa trên thị trường BĐS và coi đó là một trong những giải pháp căn cơ để phát triển thị trường bền vững. Theo đó, Nhà nước có các chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội (NOXH) cho người thu nhập thấp để bảo đảm an sinh xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, một nguyên tắc hết sức quan trọng của thị trường hiện nay là gắn việc tháo gỡ khó khăn của thị trường BĐS với thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia. Theo chiến lược này, mỗi năm sẽ đầu tư xây mới khoảng 100 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó tối thiểu khoảng 20% diện tích sàn trong các dự án phát triển nhà dành cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp. Điều này sẽ góp phần khắc phục một cách cơ bản sự chênh lệch trong cơ cấu sản phẩm hàng hóa trên thị trường BĐS hiện nay.

Để đạt được mục tiêu này, theo đại diện Bộ Xây dựng, công tác dự báo nhu cầu về nhà ở phải được nâng cao chất lượng; xây dựng kế hoạch phát triển BĐS thông qua các chương trình cụ thể như chương trình phát triển nhà ở, chương trình phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại; quy định về cơ cấu các loại nhà ở ngay từ khâu quy hoạch, phê duyệt dự án để bảo đảm thị trường phát triển cân đối giữa cung và cầu. Cùng với đó, Bộ sẽ tập trung đầu tư phát triển NOXH để đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở dạng này.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Diễn đàn Doanh nghiệp, Trí thức trẻ)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục