Giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn, ngân hàng MB không thuộc diện thanh tra

Dù không thuộc diện thanh tra nhưng ngân hàng MB đang nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn hơn cả TPBank, SHB,… chỉ đứng sau Techcombank.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong hệ thống. Hoạt động trên nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong các công điện về tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (TTGSNH) đã thanh tra đột xuất hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng tại 8 ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó có Techcombank, HDBank, TPBank, SHB, PVcomBank, VietBank, SeABank và BaovietBank.

Đến tháng 4, cơ quan thanh tra đã tiến hành thanh tra tại 7 ngân hàng, trừ Baoviet Bank, do Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra với nhà băng này.

Nắm giữ lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp, MB không thuộc diện thanh tra

Giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn, ngân hàng MB không thuộc diện thanh tra - Ảnh 1

Việc thanh tra diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng thường xuyên nằm trong nhóm doanh nghiệp có số dư phát hành và đầu tư trái phiếu lớn nhất thị trường.

Trong đó, tính đến 31/3/2022, Techcombank là ngân hàng nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất với 76.583 tỷ đồng, tăng 22% so với cuối năm 2021.

Mức tăng mạnh của trái phiếu doanh nghiệp  đã đẩy tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp trên tổng tín dụng của Techcombank tăng từ mức 15,3% cuối năm 2021 lên 17,4% cuối quý 1/2022 và đây là tỷ trọng cao nhất trong khối ngân hàng niêm yết.

Không chỉ năm 2022, Techcombank là cái tên nổi bật nhất trong các mảng mua trái phiếu và mảng dàn xếp, tư vấn phát hành trái phiếu cho các doanh nghiệp trong nhiều năm qua. Báo cáo tài chính của Techcombank cho thấy, chỉ sau 4 năm, dòng tiền đổ vào trái phiếu tăng gần gấp đôi.

Tương tự, lượng trái phiếu doanh nghiệp của TPBank tại thời điểm 31/3 là 27.589 tỷ đồng, tăng 49% so với hồi đầu năm. Như vậy, chỉ trong 3 tháng đầu năm, TPBank đã “ôm” thêm 9.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.

Tại SHB, lượng trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng này tính đến 31/3 tăng tới 169% so với đầu năm, ghi nhận 16.408 tỷ đồng.

Đáng chú ý, dù không trong diện thanh tra nhưng ngân hàng MB đang nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn hơn cả TPBank, SHB,…

Cụ thể, tính đến 31/3/2022, ngân hàng MB đang nắm giữ hơn 50.620 tỷ đồng chứng khoán nợ của tổ chức tín dụng, tăng 20% so với đầu năm.

Giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn, ngân hàng MB không thuộc diện thanh tra - Ảnh 2
Ngân hàng MB không thuộc diện thanh tra nhưng lại giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn trên thị trường chỉ sau Techcombank. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2022)
Ngân hàng MB không thuộc diện thanh tra nhưng lại giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn trên thị trường chỉ sau Techcombank. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 1/2022)

Trái phiếu doanh nghiệp là một trong các chủ đề nóng trên thị trường hiện nay. Theo số liệu của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VMBA), tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021 đạt xấp xỉ 660.000 tỷ đồng, tương đương khoảng hơn 10% GDP. Trong đó, các ngân hàng và công ty chứng khoán là hai nhóm mua vào lớn nhất trên thị trường.

Tại báo cáo của Ủy ban Kinh tế về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đến cuối tháng 3/2022, tổng số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng là 326.500 tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021. Một số ngân hàng thương mại tăng đầu tư trái phiếu trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến ngày 14/1/2022 trước thời điểm Thông tư 16 năm 2021 quy định việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp nhằm tránh những quy định chặt chẽ hơn tại Thông tư.

Theo báo cáo, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích xây dựng, kinh doanh bất động sản là 121.200 tỷ đồng, tăng 25,3% so với cuối năm 2021, chiếm 37% trong tổng số dư. Nếu tính cả đầu tư trái phiếu nhằm mục đích tăng quy mô vốn và cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản, tổng số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp liên quan của toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 160.600 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2021, chiếm tới 49% so với tổng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích tăng quy mô vốn của doanh nghiệp phát hành chiếm 31,6% trong tổng số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của toàn hệ thống, tăng 9,1% so với cuối năm 2021 nhưng lại khó xác định và giám sát được mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp phát hành.

 

Hà Phương

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục