Giao dịch bất động sản đang có dấu hiệu chững lại ?
Những tháng đầu tiên của năm 2015, theo thông tin các sàn giao dịch cho biết, mức giá căn hộ tại Hà Nội đã tăng khoảng từ 5 - 15% tùy từng dự án. Cá biệt ở một số dự án, các ông chủ đang muốn tăng giá bán căn hộ lên tới mức khá cao từ 5 - 10 triệu đồng/m2.
CBRE Việt Nam cũng cho biết, các dự án ở khu vực nội đô tiếp tục thu hút khách mua và giữ mức giá bán sơ cấp cao. Giá sơ cấp bình quân của các dự án tại các quận nội đô tăng khoảng 10% - 20% so với năm trước. Tại phân khúc bình dân, các căn hộ được mở bán mới, đặc biệt vào thời điểm cuối năm đã có mức giá chào bán cao hơn các căn hộ mở bán trước đó từ 5% - 10% tùy dự án và vị trí. Giá bán lại các căn hộ thứ cấp cũng tăng nhẹ khoảng 0,4% so với quý trước. Động thái này được cải thiện ở hầu hết các phân khúc, và mạnh nhất tại phân khúc cao cấp với mức tăng 2,2% so với 3 tháng cách đây.
Cũng theo CBRE, nếu tính theo năm, giá thứ cấp của phân khúc cao cấp và hạng sang cũng tăng mạnh hơn so với các phân khúc khác với mức tăng 4% và 6,7% tương ứng. Nhiều dự án căn hộ chung cư tại Hà Nội đang chào bán đã có giá tăng khoảng 10% so với đợt mở bán đầu tiên.
Theo anh Nguyễn Minh Long, một nhà đầu tư lâu năm nhận định, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, người có nhu cầu thực chưa có đủ điều kiện tài chính để mua nhà nên việc tăng giá vào thời điểm này là sai lầm. Nhà đầu tư dù đã bắt đầu quay trở lại với thị trường nhưng vẫn còn khá dè dặt và thận trọng, trong khi đó đại đa số người có nhu cầu mua thực chỉ có mức thu nhập trung bình, giá căn hộ hàng tỷ đồng đối với họ cũng đã là quá cao. Tính tới thời điểm này, khách hàng sau một thời gian dài chơi đợi quyết định quay lại với thị trường bởi nhận thấy giá BĐS đã giảm về mức khá tốt so với cách đây 4-5 năm. Nếu các dự án BĐS nhân cơ hội này lại tăng giá thì khả năng sẽ đẩy khách hàng ra xa hơn.
Bên cạnh đó, khá nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại BĐS có thể lại trở về giai đoạn khủng hoảng trước kia, nhất là vào thời điểm thị trường đang ở tình trạng hư hư thực thực như hiện nay. Việc tăng giá bán ngay sau khi thị trường vừa ổn định không khỏi khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Kinh tế liệu có thể khá lên nếu như không khống chế được giá BĐS? Việc để giá nhà chạy theo thị trường đã khiến nhu cầu sở hữu nhà ở của người dân ngày càng khó thực hiện, vì vậy có lẽ việc kiểm soát giá BĐS như cách nhà nước kiểm soát thị trường chứng khoán và vàng sẽ là điều cần thiết và nên làm vào thời điểm này.
Đại diện các doanh nghiệp BĐS đều ghi nhận giá BĐS tăng thời gian qua đã phần nào ảnh hưởng tới tâm lý người mua, khiến nhiều người hoang mang, cẩn trọng hơn, do đó thị trường giao dịch bị chững lại là điều khó tránh khỏi. Theo bà Trần Cẩm Vân, Giám đốc Công ty BĐS Kim Phá thì, việc lượng giao dịch BĐS giảm dần sau Tết là điều các doanh nghiệp đều đã dự báo trước. Đây vốn là chu kỳ phát triển thường niên của BĐS. Thời điểm trước và sau tết âm lịch 1 tháng, giao dịch nhà luôn rất sôi động do nhiều khách mua chốt hợp đồng để nhận nhiều ưu đãi, chiết khấu. Bước vào quý II, tự thị trường sẽ trở nên bình ổn và trầm lắng hơn. Tuy vậy, bà Vân cũng cho rằng việc tăng giá bán của hàng loạt dự án trong quý I vừa rồi đã ít nhiều gây ảnh hưởng đến giao dịch của BĐS.
“Tâm lý khách hàng hiện thời vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào thị trường, sự nghi ngại còn nhiều nên vào thời điểm này mà tăng giá trên diện rộng tất yếu sẽ gây ra tâm lý bài trừ, do dự. Nếu đà tăng giá không chậm lại thì rất dễ khiến khách hàng quay lưng. BĐS đã khởi sắc không có nghĩa là thị trường đã đủ tốt để nghĩ đến việc thu hồi lợi nhuận cao như trước kia, đi từng bước chậm mà chắc để thị trường ổn định dần mới là bước kinh doanh khôn ngoan”, bà Vân cho hay.
Còn theo ông Võ Hữu Khoa, P.TGĐ Công ty BĐS Cityland, việc tăng giá bán của hàng loạt doanh nghiệp thời gian qua là hành động nóng vội và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thị trường chưa thực sự chấp nhận một sự thay đổi chóng vánh và hàng loạt như vậy nên tâm lý sốc và quay lưng của người mua là lẽ đương nhiên.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, thanh khoản thị trường vẫn sẽ ổn định trong quý II này vì hiện tượng tăng giá ăn theo chỉ dừng lại ở một số doanh nghiệp. Khá nhiều chủ đầu tư không hề có ý định tăng giá bán ít nhất là trong thời điểm hiện tại nên tâm lý cho rằng BĐS đang tăng hàng loạt chưa thực sự chính xác. Tuy nhiên, ông Khoa cũng cho rằng, sở dĩ nhiều doanh nghiệp tự tin trong việc tăng giá bán một phần cũng phụ thuộc vào vị trí chiến lược của dự án và nguồn cầu tăng từ Việt kiều, ngoại kiều khiến đầu ra của sản phẩm khả quan hơn hẳn so với trước đây.
Giá BĐS luôn là vấn đề nhạy cảm và được người mua quan tâm hàng đầu. Nhu cầu của thị trường hiện nay lại là nhu cầu thực nên việc tăng giá dù chỉ 2% hay 3% cũng trở thành bài toán khó khăn với người mua. Hiện nay, bên cạnh những thông tin tích cực thì thị trường vẫn còn đó vô số những khó khăn chưa thể giải quyết triệt để. Vì thế, vào thời điểm thị trường đang dần khôi phục được niềm tin từ người mua, các doanh nghiệp cần thận trọng hơn trong việc đưa ra các chiến lược kinh doanh lâu dài để không khiến khách hàng lại một lần nữa quay lưng với BĐS.
Mai Hoa - (Tổng hợp theo Nhịp sống thời đại, Bizlive)