Giảm vay mượn, gửi tiền nhau ở khối ngân hàng

Năm nay, nhiều ông lớn đã giảm hàng chục nghìn tỷ đồng tiền gửi và chuyển sang cho vay liên ngân hàng.

Hết quý I, bảng cân đối tài sản của nhiều ngân hàng, dù là ông lớn, cũng bất ngờ ghi nhận tình trạng tài sản giảm, từ 3-5%. Ngoài việc quy mô cho vay bị thu hẹp do tín dụng kém, một trong những nguyên nhân khiến tổng tài sản vơi đi trên bảng cân đối còn do tài sản trên thị trường liên ngân hàng sụt giảm mạnh.

Giảm vay mượn, gửi tiền nhau ở khối ngân hàng - Ảnh 1
Thay đổi số dư tiền gửi, cho vay liên ngân hàng sau 3 tháng đầu 2014

Ngoài Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tăng 22% số dư tiền gửi, cho vay trên thị trường 2, khoảng chục nhà băng khác đều giảm mạnh loại tài sản này sau 3 tháng đầu năm. Trong đó, một nửa các đơn vị đã công bố báo cáo tài chính có số dư giảm trên 30%. Xét về quy mô, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm mạnh nhất với gần 40.000 tỷ đồng tài sản trên thị trường liên ngân hàng. Trong khi đó, xét về giá trị tương đối, Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) cũng giảm 62% quy mô hoạt động.

Giảm vay mượn, gửi tiền nhau ở khối ngân hàng - Ảnh 2
Ngân hàng nhỏ thì khôngcầnvay trong khi các ông lớn cũng chẳng mặn mà vì lãi suất thấp.

Không chỉ các ông lớn thờ ơ gửi tiền và cho vay, ngân hàng nhỏ cũng ngại đi vay hơn trước. Đơn cử như trường hợp của Ngân hàng Nam Việt (Navibank), cuối 2013 số dư đi vay các tổ chức tín dụng khác lên tới hơn 1.007 tỷ thì sau 3 tháng đầu 2013 giảm 84% xuống còn vỏn vẹn 165 tỷ đồng.

Lý giải về việc này, nhiều chuyên gia và giới ngân hàng cho rằng dư thừa vốn là nguyên nhân chính. Lãi suất huy động thời gian qua liên tục giảm nhưng lượng tiền gửi từ dân cư của hầu hết các ngân hàng vẫn tăng trưởng mạnh. Ngược lại, ở chiều cho vay, nhiều nơi còn ì ạch và chỉ một vài nhà băng tín dụng tăng trưởng được trên 2-3%.

Ông Lê Quang Trung - Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối nguồn vốn và ngoại hối của Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho biết các thành viên không có nhiều động lực khi tham gia vay mượn. "Trước, hoạt động trên liên ngân hàng rất mạnh vì tỷ lệ LDR (tỷ lệ cho vay trên vốn huy động từ thị trường dân cư) bị vống lên hơn 100%, ngân hàng phải đi vay ở thị trường 2 để bù đắp. Nay LDR rất thấp, ngân hàng không cần đi vay thêm do vẫn dư thừa vốn", ông Trung nói.

Thực tế, tỷ lệ LDR của các đơn vị cổ phần theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước hiện chỉ hơn 70% - thấp hơn rất nhiều so với trước. Như vậy, huy động từ dân cư 100 đồng, ngân hàng chỉ cần hơn 70 đồng để cho vay .

Lãi suất giảm cũng khiến các ngân hàng không còn hào hứng giao dịch trên thị trường 2 như trước. Lãi suất qua đêm và các kỳ ngắn ngày đều giảm mạnh, chỉ còn vài ba phần trăm.Ông Lê Trung Thành - Phó chủ nhiệm thường trực khoa Tài chính Ngân hàng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, lãi suất này thể hiện cầu thấp trong khi nguồn cung lại dồi dào. "Báo cáo tài chính nào cũng cho thấy thanh khoản của các ngân hàng tốt hơn hẳn, khác với trước đây khi hệ thống luôn chia làm 2 nhóm rõ rệt: ông lớn dư thừa vốn và các ngân hàng nhỏ luôn thiếu", ông Thành nói.

Không chỉ vì lãi suất thấp và dư vốn nhiều, ngân hàng không mấy mặn vì cácquy định đã siết chặt hơn trước. Thông tư 21 về hoạt động trên thị trường này yêu cầu, các khoản cho vay, gửi trên 3 tháng, ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro như những món thông thường. Còn với những ngân hàng nhỏ - khách hàng của các ông nhà giàu dư tiền, họ chỉ được đi vay nếu không có khoản nào trên thị trường 2 quá hạn trên 10 ngày... Những điều này vô hình trung đã làm giảm tương đối tính hấp dẫn của hoạt động cho vay.

Tỷ trọng tiền gửi, cho vay trên liên ngân hàng giảm trong cơ cấu tổng tài sản là một tín hiệu tốt cho thấy thanh khoản của hệ thống dồi dào, tình trạng vốn ảo cũng giảm bớt. Tuy nhiên, nhìn nhận dưới góc độ của người làm ngân hàng, chuyên gia Lê Trung Thành lo ngại tính sinh lời của hệ thống đang rất thấp. "Thử nhìn lại năm 2013, bao nhiêu ngân hàng chia cổ tức cho cổ đông? Thực lòng nếu làm ngân hàng, tôi cũng không cho vay trong bối cảnh này", ông Thành nói.

Thêm vào đó, một chuyên gia tài chính ngân hàng khác cũng cho rằng đây chưa hẳn là một tin vui. "Đây còn là dấu hiệu cho thấy tình trạng ứ vốn ở các ngân hàng đang quá nghiêm trọng. Ngân hàng từ nhỏ đến lớn đều đang thừa tiền trong khi doanh nghiệp thì vẫn khát vốn", vị này nói.

Theo VnExpress

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục