Giám đốc Công ty Khải Thái nhận lương cao nhưng…“chỉ biết ký”

Giám đốc Nguyễn Mạnh Linh của Công ty Khải Thái không hề có một chút nghiệp vụ nào về kinh tế, tài chính cũng chả biết gì về đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên Linh lại được Saga thuê làm Giám đốc, Linh không cần làm việc gì, chỉ có mỗi một nhiệm vụ là ký các giấy tờ của Công ty. Cũng chỉ có mỗi nhiệm vụ ký giấy tờ nên Linh không phải đến công ty vào giờ hành chính, chỉ được đến công ty khi có phiên dịch của Saga gọi.

Chiều 3/10, trước sự giám sát của đại diện Viện kiểm sát, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã mời cán bộ ngân hàng đến mở niêm phong, kiểm đếm toàn bộ số tiền thu được từ Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Khải Thái. Các đối tượng trong vụ án cũng được đưa đến xác nhận việc mở niêm phong. Việc kiểm đếm diễn ra từ chiều đến gần tối, tổng số tiền là khoảng 56 tỷ đồng, ngoài ra còn đô la và nhân dân tệ chưa kiểm đếm được.

Giám đốc Công ty Khải Thái nhận lương cao nhưng…“chỉ biết ký” - Ảnh 1

Bị tạm giữ hình sự chưa đến 2 ngày nhưng các đối tượng trong vụ án không ai còn “hoành tráng” như ở công ty từ cách ăn mặc đến nói năng. Tổng giám đốc Hsu Ming Jung (tên gọi tiếng Anh là Saga) trông thấp bé trong chiếc áo phông kẻ ngang, cảm giác giống như một sinh viên hơn là một ông chủ lớn, ở khách sạn 5 sao, đi xe Maybach. Nếu gặp ngoài đường, không ai nghĩ đây là đối tượng có thể kiếm trăm tỷ mỗi tháng. Saga cho biết, không thể nhớ được mình đã kiếm được bao nhiêu tiền, chỉ biết rằng toàn bộ số tiền nhà đầu tư ủy thác, hắn không hề đem đi đầu tư vào bất cứ lĩnh vực gì. Tiền để trả lãi cho nhà đầu tư cũng chính là tiền mà nhà đầu tư khác đã tin tưởng gửi vào công ty.

Từ Giám đốc “chỉ biết ký”…

Đối tượng Đoàn Thị Luyến, Giám đốc điều hành chi nhánh Cầu Giấy (trụ sở tại tầng 18 - 19, tòa nhà Chamvit ở 117 Trần Duy Hưng) khác hoàn toàn với hình ảnh bà chủ thành đạt xúng xính váy đắt tiền mà chúng tôi gặp hôm 1/10. Thời điểm đó, Luyến còn rất tin tưởng vào khả năng của bản thân, cho rằng, việc làm của cô ta và đồng bọn không có gì vi phạm. Thế nhưng, sau khi bị bắt, được cơ quan điều tra giải thích rõ chỉ có thành khẩn mới được hưởng khoan hồng, Luyến ngộ ra rằng, không thể biện minh cho hành vi tiếp tay cho đối tượng lừa đảo.

Giám đốc Công ty Khải Thái nhận lương cao nhưng…“chỉ biết ký” - Ảnh 2
Luyến cho biết, mặc dù là Giám đốc điều hành nhưng thực chất chỉ là Trưởng phòng marketing, chỉ có trách nhiệm môi giới cho khách hàng, còn mọi việc điều hành là do Saga chỉ đạo. Cô ta cho biết từng tốt nghiệp Đại học Kinh doanh và Công nghệ, đã làm việc tại Công ty Khải Thái được 2 năm, thu nhập chủ yếu dựa vào tiền hoa hồng hàng tháng. Theo lời của Luyến thì trước đây, mỗi tháng chi nhánh Cầu Giấy thu được khoảng 20 đến 30 tỷ, có tháng khoảng 40 tỷ đồng. Cao điểm nhất là tháng 9 vừa qua, chỉ riêng văn phòng này số tiền huy động đã lên tới 67 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền trên, các kế toán giao cho Saga mà không có giấy tờ ký nhận gì. Suốt cả buổi, Luyến băn khoăn về hành vi phạm tội của mình. Nghĩ đến con gái, Luyến sụt sịt khóc vì không biết sau khi mình bị bắt con gái sẽ ra sao.

Giám đốc của Nguyễn Mạnh Linh còn bi hài hơn. Linh chỉ học hết phổ thông trung học, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo của thị trấn Nho Quan, Ninh Bình, hiện tại đang thuê trọ ở Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội. Linh không hề có một chút nghiệp vụ nào về kinh tế, tài chính cũng chả biết gì về đầu tư kinh doanh. Được Saga thuê làm Giám đốc, Linh không cần làm việc gì, chỉ có mỗi một nhiệm vụ là ký các giấy tờ của Công ty. Cũng chỉ có mỗi nhiệm vụ ký giấy tờ nên Linh không phải đến công ty vào giờ hành chính, chỉ được đến công ty khi có phiên dịch của Saga gọi.

Việc “ký cót” của Linh cũng khá đặc biệt bởi đa số diễn ra vào buổi tối, khi các nhân viên kinh doanh, tư vấn nghỉ hết. Theo đó, lúc nào cần, Saga sẽ sai phiên dịch gọi Linh đến ký các loại giấy tờ, thậm chí ký khống cả chục quyển phiếu thu. Với nhiệm vụ như vậy, Saga trả cho Nguyễn Mạnh Linh mỗi tháng 8 triệu đồng, sau đó tăng lên 10 triệu, thời điểm hiện tại là 20 triệu đồng.

Số tiền cơ quan điều tra thu được chắc chắn chỉ là con số rất nhỏ so với tổng số tiền mà Công ty Khải Thái đã thu của các nhà đầu tư, bởi theo quy định của công ty này thì mỗi tháng mỗi chi nhánh phải huy động được 40 tỷ đồng. Như vậy, với 3 chi nhánh, nếu tính theo quy định trên thì mỗi tháng đã có ít nhất 120 tỷ đồng của nhà đầu tư nộp cho công ty. Nếu chỉ nhân một phần con số trên với thời gian từ khi công ty này thành lập (từ ngày 20/11/2011 đến nay) thì số tiền Khải Thái thu của nhà đầu tư chắc chắn không dưới nghìn tỷ đồng. Số tiền này không hề được đầu tư vào bất cứ việc gì. Tất cả các lĩnh vực mà chúng đưa ra như đầu tư tài chính, đầu tư sàn vàng, bất động sản… đều nhằm mục đích lừa đảo, kêu gọi các nhà đầu tư.

… đến những nhà đầu tư “vịt giời”

Sau khi “chóp bu” Công ty Khải Thái bị bắt, nhiều nhà đầu tư tìm đến Cục Cảnh sát hình sự để trình báo thông tin. Có người đầu tư vào Khải Thái tiền tỷ, thậm chí chục tỷ, người lâu nhất đầu tư từ khi Công ty Khải Thái mới thành lập, người mới nhất đầu tư vào cuối tháng 9, chưa được trả lãi lần nào. Trong số những nhà đầu tư, có nhiều người là công chức về hưu, cả đời dành dụm được vài trăm triệu, nghe lời các nhân viên tư vấn đã dồn hết gửi vào Khải Thái, thậm chí nhiều người vay thêm cả bạn bè, người thân để nộp vào đây.

Theo cách tính của họ, số tiền lãi từ 3 - 3,5% tháng, nếu đầu tư 1 tỷ đồng, mỗi tháng cũng có khoảng hơn 30 triệu tiền lãi. Số tiền ấy cả nhà có thể sinh sống dư dả mà không phải làm bất cứ việc gì, trong khi đó tiền gốc vẫn còn. Chính vì vậy, nhiều người đã giấu gia đình, thậm chí vay lãi suất cao để đầu tư vào Công ty Khải Thái. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi có biết Công ty Khải Thái đầu tư gì để có lãi suất lớn đến mức ấy hay không? Tất cả đều ngớ người ra vì chưa bao giờ tìm hiểu công ty trên thực tế làm gì, mà có muốn tìm hiểu cũng không được bởi chả biết phải hỏi ở đâu ngoài những lời tư vấn có cánh của các nhân viên.

Tỏ ra hiểu biết về kinh doanh, một phụ nữ to tiếng “đây là ủy thác cơ mà, công ty kinh doanh cái gì là tùy họ, miễn là trả tiền cho chúng tôi. Có phải công ty cổ phần đâu mà chúng tôi cần phải bàn bạc, tìm hiểu”… Dường như những người này không bao giờ muốn tin là hầu hết số tiền họ tin tưởng gửi vào Khải Thái đã bị chuyển ra nước ngoài trái phép. Họ cũng không muốn tin rằng, Tổng Giám đốc Saga chả dùng tiền của họ để đầu tư vào việc gì, chỉ dùng tiền của người trước trả lãi cho người sau, trong khi số lãi đó rất nhỏ so với số tiền họ đã đã gửi. Có lẽ, đối với người trên, khi Saga ôm toàn bộ tiền bỏ trốn khỏi Việt Nam, họ mới tỉnh ngộ.

Phải khẳng định rằng, lực lượng Công an khám phá vụ án trên, thu được hàng chục tỷ đồng của đối tượng không chỉ ngăn chặn được hành vi phạm tội; số tiền thu được dù không nhiều so với tổng tiền Công ty Khải Thái đã thu của nhà đầu tư nhưng cũng đã phần nào có thể giúp họ tránh khỏi tình trạng tan cửa nát nhà

Theo Báo Công An Nhân Dân

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục