Tọa đàm được tổ chức với mong muốn tạo ra những góc nhìn đa chiều, những kiến giải mới cho việc liên kết và thúc đẩy phát triển công trình xanh. Đồng thời hướng tới hình thành một thị trường bất động sản Việt Nam xanh và bền vững, văn minh, hiện đại.
Tại Tọa đàm nhiều chuyên gia khẳng định, nước và không khí ngày càng ô nhiễm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tâm lý của cư dân, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Đặc biệt là thời gian gần đây, người dân Hà Nội đang vô cùng hoang mang trước thực trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt do nồng độ hóa chất styren vượt 3.65 lần ngưỡng cho phép. Nhất là cư dân sinh sống tại khu vực các quận Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy… là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình trạng đáng báo động này.
Bên cạnh đó, chất lượng không khí liên tục được cho rằng vượt các ngưỡng chỉ tiêu, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM… đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tâm lý của cư dân. Chưa bao giờ những nguy cơ từ không khí và nước sạch lại được cảnh báo nhiều như vậy.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 13, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng - khẳng định, vấn đề về môi trường đang là vấn đề rất nóng và nổi cộm. Trong đó bức xúc lớn liên quan tới ô nhiễm đất, nước, không khí.
Theo bà An, có ba nguyên nhân dẫn đến chất lượng môi trường ngày càng xấu đi. Thứ nhất, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, sự phát triển công nghiệp lớn nhưng lại không đảm bảo tiêu chuẩn trong quá trình phát triển, dẫn đến ô nhiễm. Thứ hai, nước ta chưa có đủ điều kiện khoa học công nghệ. Từ năm 2000 – 2005, chúng ta đặc biệt quan tâm đến chất lượng nước, rác thải nhưng chưa quan tâm được đến chất lượng không khí.
Thứ ba là giai đoạn này dân số tăng đột biến. Nội thành Hà Nội hiện có đến 6 - 7 triệu người ở, lượng ô tô rất lớn. Nhiều làng nghề, cơ sở gây ô nhiễm vẫn đang hoạt động trong nội đô mà chưa được di dời. "Rõ ràng không khí ô nhiễm tăng lên và chất lượng môi trường đang xuống cấp", bà An nhận định.
Tọa đàm Café xanh số 3 và giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nước và không khí trong phát triển công trình xanh”.
Để giải quyết vấn nạn này, PGS. TS Bùi Thị An cho rằng cần có giải pháp đồng bộ từ chính sách, quy hoạch đến nhận thức của doanh nghiệp và cả người dân. Bản thân chủ DN phải nhận thức được vai trò của công trình xanh, có trách nhiệm xã hội, tạo căn hộ cho người dân là phải đảm bảo môi trường sống cho họ.
“Những DN đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn nhà nước mới cho phát triển, còn không phải dừng lại ngay. Có như vậy thì môi trường sống mới có thể trong sạch”, bà An nhấn mạnh.
Về vấn đề này, ông Trịnh Tùng Bách - Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển, Tập đoàn Capital House - cho rằng, công trình xanh ngày càng có ý nghĩa trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Theo ông Bách, cây xanh đem lại lợi ích lớn, trong đó chức năng giảm nhiệt được coi là chủ đạo. Chính vì vậy, Capital House luôn cố gắng phủ xanh tối đa dự án của mình.
Về nước, theo đại diện Tập đoàn Capital House, rõ ràng đây là vấn đề vô cùng quan trọng, do vậy mỗi dự án xây dựng DN đều phải xét nghiệm nước ở các dự án xung quanh và hỏi cư dân quanh đó xem có thắc mắc gì về chất lượng nước hay không.
Đối với Ecolife Capitol, ngay ban đầu chủ đầu tư đã lắp đặt màng lọc nước, ở lớp màng lọc thô có than hoạt tính, cát sỏi… Styren trong dầu có thể hấp thụ bởi than hoạt tính. Hệ thống lọc đó tiếp tục qua màng micro - màng siêu lọc - để đảm bảo chất lượng nước đầu ra.
Giá thành của hệ thống lọc nước không quá cao, khoảng 2 - 3 tỷ đồng cho 1.000 căn hộ - chia ra thì không hề đắt chút nào. Khi sự cố nguồn nước nhiễm dầu xảy ra như những ngày vừa qua thì cư dân mới thấy may mắn vì không bị chiu ảnh hưởng của sự cố. Chủ đầu tư cũng thấy mình đã sáng suốt khi lựa chọn phương án Xanh", ông Bách chia sẻ tại buổi tọa đàm.
Còn theo Nhà báo Phạm Nguyễn Toan - Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam thì việc phát triển công trình xanh sẽ là giải pháp bền vững để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống.
“Tuy nhiên muốn có công trình xanh, đô thị xanh thì chúng ta phải có con người xanh, chủ đầu tư xanh, chuyên gia xanh và đặc biệt là cư dân xanh. Mỗi cư dân phải trở thành những nhà tiêu dùng thông thái, biết lựa chọn và bảo vệ môi trường sống cho mình”, Nhà báo Phạm Nguyễn Toan bày tỏ quan điểm.
Hải Lan