Giải mã hiện tượng cổ phiếu ACB

(Kinhdoanhnet) – Chỉ trong vài phiên giao dịch, cổ phiếu Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã có những dấu hiệu tăng trưởng khá mạnh, điều này liên quan nhiều tới những thông tin tích cực về hoạt động của ngân hàng thời gian gần đây.

Giá trị vốn hoá ngân hàng tăng mạnh

Nếu như theo dõi cổ phiếu của ACB thì có thể thấy đã từ cuối tháng 7, giá cổ phiếu ACB luôn quanh quẩn ở mức 17.000 đồng/cổ phiếu. Thế nhưng khá bất ngờ khi mà chỉ vài phiên giao dịch gần đây, giá cổ phiếu ACB đã tăng khá nhanh và liên tục một mạnh lên 19.500 đồng/cổ phiếu vào phiên giao dịch ngày 5/10 và chốt phiên giao dịch vào cuối tuần vừa qua ngày 7/10, cổ phiếu ACB ghi nhận ở mức 19.000 đồng/cổ phiếu.

Việc cổ phiếu ACB tăng lên khá nhiều khiến giá trị vốn hoá của ngân hàng cũng tăng rất mạnh. Cụ thể, tại phiên giao dịch đầu tuần trước ngày 26/9, giá cổ phiếu ACB mới ở mức 17.200 tỷ đồng, tương đương tổng giá trị vốn hoá ngân hàng trên sàn chứng khoán ước đạt 15.416 tỷ đồng. Đến phiên giao dịch cuối tuần vừa qua ngày 7/10, giá cổ phiếu ACB đạt 19.000 đồng/cổ phiếu tương đương giá trị vốn hoá ngân hàng đã tăng hơn 1.613 tỷ đồng lên mức 17.029 tỷ đồng.

Con số này là rất lớn đối với một ngân hàng với quy mô vốn điều lệ chỉ vào khoảng 9.377 tỷ đồng như ACB. Nếu nhìn sang những ngân hàng với quy mô tương tự ACB như Eximbank hay SHB thì giá trị vốn hoá trên sàn chứng khoán của ACB lớn hơn rất nhiều so với hai ngân hàng này. Cụ thể, tại ngày 7/10, giá trị vốn hoá của Ngân hàng Eximbank đạt 12.786 tỷ đồng, trong khi giá trị vốn hoá của SHB tại ngày này cũng chỉ ghi nhận đạt vỏn vẹn hơn 4.646 tỷ đồng, con số quá nhỏ bé so với ACB.

 

Giải mã hiện tượng cổ phiếu ACB - Ảnh 1

Tổng giá trị vốn hoá của một số ngân hàng trên sàn giao dịch chứng khoán tại ngày 7/10/2016. Ảnh: QT.

Nếu như so sánh giá trị vốn hoá của ACB với hai ngân hàng Eximbank và ACB là không hợp lý vì từ trước đến nay giá trị vốn hoá của ACB đã luôn cao hơn rất nhiều so với 2 ngân hàng còn lại. Thì với tổng giá trị vốn hoá lên tới 17.029 tỷ đồng tại ngày 7/10 giá trị vốn hoá ACB đã xấp xỉ với Sacombank ngân hàng từ trước đến nay vẫn luôn ở thế cửa trên so với ACB về mọi mặt.

Cụ thể tại ngày 7/10, giá trị vốn hoá của Sacombank đạt mức 17.189 tỷ đồng, như vậy chỉ hơn ACB vỏn vẹn 160 tỷ đồng. Trước đó tại phiên giao dịch ngày 5/10, giá trị vốn hoá của ACB còn vượt mặt Sacombank tới hơn 600 tỷ đồng.

Dù đến chốt phiên giao dịch tuần vừa qua giá trị vốn hoá của Sacombank đã vượt qua ACB thế nhưng nếu so sánh giữa 2 ngân hàng từ tổng tài sản đến vốn điều lệ đến khối lượng cổ phiếu đang lưu hành thì việc giá trị vốn hoá của ACB xấp xỉ Sacombank là một điều khá bất ngờ.

Tới hết ngày 30/6/2016, tổng tài sản Sacombank đạt 312.374 tỷ đồng, vốn điều lệ ở mức 18.852 tỷ đồng; trong khi tổng tài sản ACB đạt 221.826 tỷ đồng, vốn điều lệ ngân hàng chỉ là 9.377 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa so với Sacombank.

Giải mã sự tăng trưởng bất ngờ

Cổ phiếu ACB ghi nhận một tuần tăng trưởng ấn tượng như vậy là do thời gian gần đây, ACB liên tiếp đón nhận những tin vui từ kết quả kinh doanh đến những khoản nợ và dự phòng trước đó.

Cụ thể, trong 2 quý đầu năm 2016, ACB ghi nhận sự tăng trưởng tích cực ở  hầu hết các chỉ số ngân hàng từ tổng tài sản đến huy động vốn và cho vay. Tính tới ngày 30/6/2016, tổng tài sản ACB đạt 221.8256 tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2015; cho vay khách hàng đạt 156.279 tỷ đồng, tăng 15%; huy động vốn đạt 190.503 tỷ đồng, tăng gần 9%. Tổng thu nhập lãi thuần ngân hàng đạt 3.289 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Lãi trước thuế ngân hàng đạt 828 tỷ đồng, và lãi cơ bản trên cổ phiếu ở mức 684 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra thông tin về các khoản tiền gửi của ACB tại 2 ngân hàng 0 đồng là GPBank và VNCB cũng đã có những tín hiệu tích cực. Theo BCTC hợp nhất giữ niên độ của ACB cho biết, 6 tháng đầu năm ACB đã giải quyết được 500 tỷ đồng trong tổng số 772 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng GPBank nhờ chuyển nhượng trái phiếu từ một công ty bất động sản với lãi trung bình 9,2%/năm nhưng đổi lại ACB sẽ không thu lại được bất kỳ đồng tiền lãi nào từ khoản tiền gửi này. Hiện ACB còn 252 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại GPBank đã được gia hạn, ACB đang trong quá trình thực hiện các thủ tục nhận chuyển nhượng bất động sản do GPBank nắm giữ để cấn trừ hoàn toàn số nợ lại.

Về khoản 400 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại VNCB đã quá hạn trước đó, và được ACB phân loại vào nợ Nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn. Tổng số tiền trích lập dự phòng cho khoản tiền gửi này tại ngày 30/6/2016 là 165,6 tỷ đồng. Trước đó, ACB đã có Công văn gửi NHNN đề nghị NHNN xem xét chấp thuận cho ACB điều chỉnh kỳ hạn thu hồi khoản tiền gửi này và các khoản lãi liên quan. NHNN sau đó đã có quyết định phê duyệt với đề nghị của ACB. Theo đó, khoản 400 tỷ đồng của ACB tại VNCB sẽ được thu hồi hàng năm theo lộ trình được phê duyệt cho đến 30/9/2020.

 

Giải mã hiện tượng cổ phiếu ACB - Ảnh 2

ACB có thể sẽ thu được khoản lợi nhuận tương đối lớn từ việc hoàn nhập dự phòng đã trích lập đối với các khoản tiền gửi tại GPBank và VNCB và dư nợ tại nhóm 6 công ty. Ảnh minh hoạ.

Các khoản dư nợ hàng nghìn tỷ đồng tại 6 công ty của bài Kiên cũng đã có những dấu hiệu tích cực. Theo đó, ACB đã được NHNN chấp thuận việc xem xét và phân loại nợ, điều chỉnh kế hoạch thu hồi nợ và trích lập dự phòng với số nợ của nhóm 6 công ty này. Theo lộ trình thu hồi nợ đã được phê duyệt, số dự nợ của nhóm 6 công ty sẽ được thu hồi hàng năm với số tiền lần lượt là 814 tỷ đồng, 2.220 tỷ đồng, 1.816 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng bắt đầu từ năm 2015 và kết thúc vào năm 2018. ACB tiếp tục phân loại nợ của nhóm 6 công ty này vào nợ Nhóm 2 – Nợ cần chú ý và trích lập dự phòng hàng năm cho toàn bộ số dư nợ không thu hồi được theo lộ trình mà NHNN phê duyệt trước đó.

Có thể thấy, ngoài kết quả kinh doanh đang có dấu hiệu khởi sắc thì những thông tin tốt đến từ những khoản đầu tư và khoản cho vay của ACB đã khiến những nhà đầu tư tự tin hơn rất nhiều khi đầu tư vào ACB.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục