Giai đoạn hai thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung sẽ có nhiều thách thức và kém rõ ràng hơn

Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một được mong đợi từ lâu với Trung Quốc vào ngày 15/1. Thỏa thuận sẽ làm giảm căng thẳng giữa hai “gã khổng lồ” về kinh tế.

Giai đoạn hai thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung sẽ có nhiều thách thức và kém rõ ràng hơn - Ảnh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bài viết trên tờ the Hill, khi Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một sau cuộc chiến thương mại kéo dài 18 tháng, giúp giảm bớt mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu, các nhà đầu tư hy vọng rằng việc tạm dừng cuộc chiến thương mại giữa hai bên sẽ được duy trì.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia thương mại tỏ ra khá thận trọng, đồng thời cho rằng giai đoạn hai của thỏa thuận sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và kém rõ ràng hơn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một được mong đợi từ lâu với Trung Quốc vào ngày 15/1. Thỏa thuận dự kiến sẽ làm giảm căng thẳng giữa hai “gã khổng lồ” về kinh tế.

Sự thiện chí của phía Washington được thể hiện qua việc ông Trump gần đây đã ngừng các kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, với lý do đàm phán cho thỏa thuận đang diễn ra tốt đẹp.

Văn bản cụ thể chưa được công khai nhưng đầu tháng này, hai bên cho biết Trung Quốc đã hứa sẽ tăng mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ, trong khi Mỹ rút lại một số biện pháp thuế quan.

Tuy nhiên, dư luận có vẻ không hoàn toàn lạc quan và vẫn có những hoài nghi về vấn đề này. Các chuyên gia kinh tế cho rằng thật khó để đưa ra những đánh giá thiết thực trước khi nhìn thấy các điều khoản cụ thể và về lâu dài, vẫn còn nhiều biến số trong quá trình phát triển quan hệ Mỹ-Trung.

Một trong những lý do là các tranh chấp chắc chắn sẽ phát sinh đối với các điều khoản cụ thể của thỏa thuận, đáng chú ý nhất là khối lượng hàng nông sản mà Trung Quốc sẽ mua từ Mỹ. Nếu như vậy, hai bên cần giải quyết các cơ chế thực thi trong các vòng đàm phán tiếp theo. Tuy nhiên, trong trường hợp hai bên không giải quyết được vấn đề trên, Mỹ có thể tái áp đặt thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc.

Lý do thứ hai là Mỹ và Trung Quốc mới đạt được phần dễ nhất của thỏa thuận thương mại và giờ mới là lúc tới phần “gai góc” nhất, bao gồm các vấn đề lâu dài liên quan đến vi phạm sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc của Trung Quốc cũng như trợ cấp cho các ngành công nghiệp Trung Quốc.

Các chiến thuật mà Chính phủ Mỹ theo đuổi nhằm thúc đẩy Trung Quốc về các vấn đề này sẽ dẫn đến sự ít phụ thuộc hơn vào các biện pháp thuế quan vốn là điểm mấu chốt của cuộc xung đột thương mại cho tới nay. Trong hai năm qua, Chính phủ Mỹ đã đặt nền tảng pháp lý và quy định cho giai đoạn tiếp theo.

Năm 2018, Quốc hội Mỹ đã ban hành luật nhằm tăng cường kiểm soát xuất khẩu công nghệ mới như robot tiên tiến và trí tuệ nhân tạo, cũng như củng cố các đánh giá về đầu tư nước ngoài tại Mỹ. Gần đây, Nhà Trắng và Quốc hội đã thực hiện các bước nhằm ngăn chặn các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông của Trung Quốc tại Mỹ và Huawei là trường hợp điển hình.

Chính quyền Tổng thống Trump cho rằng lợi nhuận giảm dần khi dựa vào các biện pháp thuế quan. Khi cuộc xung đột thương mại mở rộng trong năm vừa qua đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, kế hoạch ban đầu của Chính quyền Tổng thống Trump áp thuế đối với hàng hóa sản xuất chứ không phải hàng tiêu dùng đã thất bại. Điều này khiến các nhà đàm phán thương mại Mỹ lo ngại bởi nó có thể khiến các hộ gia đình Mỹ phản ứng dữ dội.

Ngoài ra Mỹ cũng phát hiện ra là áp đặt thuế quan càng lâu thì các doanh nghiệp càng phải thay đổi chuỗi cung ứng.

Một trong những ví dụ dễ thấy nhất là việc di dời các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nền kinh tế châu Á khác. Ngay cả khi đó, sự mất cân bằng thương mại song phương giữa Mỹ với Trung Quốc cũng tăng trong hai năm qua.

Trong thời gian tới, vấn đề khó giải quyết nhất liên quan đến trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc đối với các doanh nghiệp do nhà nước kiểm soát. Khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào cuối năm 2001, Chính phủ Mỹ đã hy vọng kinh tế Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế theo hướng thị trường hơn. Tuy nhiên, điều này bị cản trở bởi hai lý do trong thời gian đó.

Đầu tiên là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc đặt câu hỏi về mong muốn đi theo mô hình của các nền kinh tế phương Tây. Thứ hai là Chủ tịch Tập Cận Bình đã trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc vào năm 2012 và ông đã tích cực phục hồi vai trò của nhà nước trong nền kinh tế mặc dù nó kém hiệu quả hơn khu vực tư nhân.

Vẫn còn phải xem liệu Trung Quốc sẽ nhượng bộ về việc trợ cấp cho các doanh nghiệp do nhà nước kiểm soát hay không. Tuy nhiên, kết quả có thể sẽ là họ sẽ ít nhượng bộ bởi như Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer từng thừa nhận mọi công việc của thỏa thuận sẽ được quyết định bởi người đang đưa ra quyết định ở Trung Quốc chứ không phải là Mỹ.

Ông cho biết rằng Mỹ đang hy vọng vào các nhà cải cách hơn là những người theo đường lối cứng rắn ở vị trí có thể đưa ra quyết định. Do đó, các nhà đầu tư cần sẵn sàng cho khả năng hai bên sẽ rơi vào thế bế tắc. Nếu vậy, họ sẽ phải xác định thị trường sẽ phản ứng như thế nào.

Có khả năng Tổng thống Trump sẽ không phản ứng như ông đã làm vào cuối năm 2018 và mùa Hè vừa qua khiến cuộc chiến thương mại leo thang. Một phản ứng như vậy sẽ có nguy cơ làm suy yếu thỏa thuận giai đoạn một tại thời điểm cuộc bầu cử Mỹ đang tới gần.

Do đó, ông có thể đưa ra một phản ứng có sự cân nhắc hơn, không khiến các thị trường tài chính đổ vỡ. Điều này là có thể bởi vì rất khó để giám sát hiệu quả của các biện pháp phi thuế quan.

Thỏa thuận thương mại tự do giữa Mỹ, Mexico và Canada (USMCA) hiện đang chờ Quốc hội Mỹ thông qua giúp đưa ra cái nhìn sâu sắc về những gì có thể sẽ xảy ra trong tương lai.

Ví dụ, sau những cân nhắc và tranh luận nảy lửa về những hạn chế của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Nhà Trắng đã ký thỏa thuận thương mại tự do giữa Mỹ, Mexico và Canada (USMCA) vào giữa tháng 12/2019 và sau đó thỏa thuận này đã được Hạ viện Mỹ thông qua. Do đó, có thể thấy được nhiều khả năng sẽ có sự nhượng bộ ở hai bên trong đàm phán thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc./.

 

 

Theo Đặng Huyền (TTXVN tại Washington)/BNEWS

 

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục