Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tình trạng dưa hấu của nông dân tỉnh Quảng Ngãi không có đầu ra và sự vào cuộc “giải cứu dưa hấu” của một số đoàn thể, doanh nghiệp hỗ trợ nông dân tiêu thụ dưa hấu.
Chiến dịch “giải cứu dưa hấu”
Thực tế vào năm 2015, nông sản cũng rớt giá thê thảm và được cộng đồng cứu trợ song người nông dân thay vì nghiên cứu kĩ thị trường “thua keo này ta bày keo khác” thì lại tiếp tục “làm liều” khiến điệp khúc nông sản được mùa bị thương lái ép giá, nông dân tiếp tục “kêu cứu”. Cứ thế một vòng luẩn quẩn không biết bao giờ mới dứt. Tư duy tiểu nông với lối suy nghĩ “được ăn cả ngã về không” và lòng tốt của “hiệp sĩ cộng đồng” đang vô tình tạo ra sự chây lười và ỷ lại của một nền nông nghiệp.
Một bài toán đặt ra là làm sao để nông sản Việt ngừng kêu cứu, không còn tình trạng “ cung vượt cầu” như những năm gần đây?
Theo ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: “Trên cơ sở lợi thế của cây trồng đó, cần xây dựng lại các kế hoạch về chiến lược sản phẩm, phải gắn kết với thị trường, tạo mối liên kết giữa dân với hợp tác xã với doanh nghiệp. Bởi lẽ, doanh nghiệp là người khởi xướng, kết nối thị trường cho nông dân thông qua hợp tác xã”.
Cùng với đó, một số chuyên gia cho rằng cần có một giải pháp bài bản, khoa học, mang tính tầm nhìn. Đầu tiên là nghiên cứu về những loại nông sản mang lại giá trị kinh tế bền vững. Chúng ta cũng có thể chú trọng vào tìm hiểu những mô hình kinh tế thành công để nhân rộng. Sau đó là đối với vấn đề thị trường tiêu thụ nông sản. Chúng ta đang quá lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu trong khi đó bằng chứng cho thấy trong hai cuộc giải cứu vừa rồi nông sản tiêu thụ rất nhanh trong thị trường nội địa nếu như có kế hoạch hợp lí và khoa học.
Việt Chinh (Tổng hợp)