Giá xăng, dầu hôm nay dự kiến tăng vượt 31.000 đồng/lít

Do giá xăng dầu thế giới những ngày qua có xu hướng tăng nên giá xăng, dầu trong nước ở kỳ điều chỉnh giá ngày 1/6 cũng sẽ tăng theo giá xăng, dầu thế giới. Dự kiến, giá xăng trong nước tăng vượt 31.000 đồng/lít.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán các loại xăng dầu trong nước áp dụng mức điều chỉnh từ 15h ngày 23/5/2022.

Theo đó, giá xăng RON 95 tăng 670 đồng/lít, lên mức 30.650 đồng mỗi lít; Xăng E5 RON 92 tăng 680 đồng/lít, lên mức 29.630 đồng mỗi lít. Ghi nhận lần tăng thứ 4 liên tiếp.

Giá dầu DO 0,05s-II giảm 1.100 đồng/lít, xuống còn 25.550 đồng/lít; Dầu hoả giảm 660 đồng, xuống còn 24.400 đồng/lít.

Do giá xăng dầu thế giới những ngày qua có xu hướng tăng nên giá xăng, dầu trong nước ở kỳ điều chỉnh giá ngày 1/6 cũng sẽ tăng theo giá xăng, dầu thế giới.

Do đó, tại kỳ điều hành ngày 1/6, nếu cơ quan quản lý không trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu, mỗi lít xăng trong nước có thể tăng thêm khoảng 350-850 đồng. Theo đó, giá xăng RON 95 có thể vượt 31.000 đồng/lít. Còn giá dầu trong kỳ điều chỉnh ngày 1/6 cũng có thể tăng nhẹ.

Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 5 liên tiếp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giá dầu thế giới

Theo oilprice, lúc 6 giờ 10 phút ngày 1/6 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 6 được giao dịch ở mức 115,2 USD/thùng, tăng 0,48 USD, tương đương 0,42%.

Cùng thời điểm, giá dầu Brent giao tháng 7 "neo" mức 122,8 USD/thùng.

Giá dầu thô Brent đã tăng lên 124,64 USD/thùng, sau đó lùi dần về mức 122,84 USD/thùng sau thông báo của Liên minh châu Âu (EU) rằng tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường diễn ra ngày 31/5. Các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý về nguyên tắc cắt 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga - biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất của khối đối với Moscow kể từ khi nước này mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng hai. Thỏa thuận nói trên được cho là sẽ dọn đường để gói trừng phạt thứ 6 mà EU đề xuất áp dụng với Nga được thực thi.

Theo thỏa thuận này, lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga sẽ được áp dụng ngay đối với lượng dầu nhập khẩu qua đường biển (chiếm 2/3) còn lượng dầu nhập khẩu qua đường ống Druzhba (1/3) vẫn được bỏ ngỏ. Mức cấm vận sẽ tăng lên 90% khi Ba Lan và Đức-hai nước có kết nối với đường ống dẫn dầu Druzhba-ngừng nhập khẩu qua tuyến đường ống này vào cuối năm nay. 10% còn lại tạm thời được miễn cấm vận để Hungary cùng với Slovakia và Séc vẫn nhập khẩu được dầu thông qua tuyến đường ống vốn không dễ dàng thay thế này. Lệnh cấm vận miễn trừ đường ống dẫn dầu từ Nga được coi như một sự nhượng bộ cho Hungary.

Giá dầu cũng được hỗ trợ tăng khi trung tâm tài chính - thương mại Thượng Hải (Trung Quốc) tuyên bố chấm dứt các biện pháp phong tỏa vì Covid-19 và sẽ cho phép người dân ở thành phố lớn nhất Trung Quốc này ra khỏi nhà và lái xe từ 1/6 và sự kiện mùa lái xe mùa hè của Mỹ bắt đầu.

Theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ, sản lượng dầu thô của Mỹ trong tháng 3 đã tăng hơn 3% lên 11,7 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 11-2021. Tuy nhiên, sản lượng phục hồi chậm do tác động của đại dịch Covid-19 và vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức cao kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày đạt được năm 2019.

Trong khi đó, giá xăng bán lẻ của Mỹ cũng chạm mức trung bình kỷ lục trên toàn quốc là 4,622 USD/gallon.

Gia Linh

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục