Lý giải về tình trạng chênh lệch giá giữa vàng trong nước và vàng thế giới, theo Ts. Nguyễn Trí Hiếu, nguyên nhân chủ yếu là bởi lượng vàng trong dân vẫn còn rất lớn. Mặc dù Nhà nước đã có chủ trương giảm lượng vàng trong dân để triệt tiêu hiện tượng vàng hóa nền kinh tế, song số người dân Việt Nam giữ vàng vẫn không phải là con số nhỏ. Điều này dẫn tới cung - cầu trên thị trường vàng vẫn không thể cân bằng được. Cầu vẫn luôn lớn hơn cung nên giá vàng trong nước vẫn bị đẩy lên cao.
“Lệch” giá lớn, sẽ “buôn vàng”
“Trong khi đó, ngược lại với thói quen giữ vàng của người Việt Nam, người dân trên thế giới chỉ coi vàng là một phương tiện giao dịch, chứ không phải là tài sản tích trữ. Đây là khác biệt lớn khiến cho giá vàng trong và ngoài nước bị đẩy chênh xa”, ông Hiếu nói.
Vẫn theo ông Hiếu, để rút ngắn khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới, Nhà nước nên để một số tổ chức, đơn vị uy tín tham gia vào việc nhập khẩu vàng.
Cần có một thị trường mở hơn, ở đó, các công ty, doanh nghiệp lớn, uy tín có giấy phép cũng được tham gia nhập khẩu vàng để bảo đảm nguồn cung hợp lý và khi cung gặp cầu, giá vàng lúc đó sẽ tự điều chỉnh theo giá thị trường, giá thế giới.
Đồng thời, NHNN cần phải lập sàn giao dịch vàng do NHNN là cơ quan chủ quản. Có như vậy, mọi thông tin về giá vàng và mọi giao dịch mới được minh bạch, người dân có thể cập nhật được những biến chuyển về giá ở mọi thời điểm.
Tích trữ vàng là thói quen của người Việt Nam.
“Ở bất kỳ thị trường nào, không riêng thị trường vàng, khi mọi thông tin, vấn đề về giá được minh bạch, chắc chắn tự thân thị trường sẽ ổn định”, ông Hiếu chia sẻ.
Còn chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, đây là thời điểm thích hợp NHNN nên bắt đầu nghĩ đến việc làm thế nào giảm mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Bởi khoảng “lệch” về giá quá lớn sẽ tạo ra tâm lý “buôn vàng”.
Không thể phủ nhận, trong suốt năm 2013, NHNN đã sử dụng biện pháp đấu thầu vàng như là một công cụ chính yếu để thực hiện bình ổn thị trường này.
Qua 76 phiên đấu thầu trong cả năm 2013 đã đem lại những hiệu quả tích cực. Đó là đã kéo được giá vàng trong nước sát gần hơn với giá thế giới, thị trường ổn định hơn.
Song những ngày gần đây, mặc dù trên thực tế sức mua không tăng, giá vàng so với trước đây cũng không đến nỗi “sốt”, nhưng khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới lại đang giãn xa dần.
Cần sự ổn định về giá
Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng, không chỉ người dân, mà các nhà quản lý cũng đang rất thờ ơ với thị trường vàng, hay nói một cách khác, sau một thời gian thắt chặt, nhà quản lý lại “buông”?
Giới chuyên gia trong ngành cho rằng nếu tiếp tục buông và không đưa ra giải pháp bình ổn, giá vàng trong nước sẽ lại bỏ xa giá vàng thế giới. Mặc dù trong dư luận có luồng ý kiến cho rằng sự thờ ơ của người dân đối với thị trường vàng cho thấy đây không còn là sản phẩm thu hút giới đầu tư.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, nhà quản lý không nên chủ quan. Bởi, nếu cứ để khoảng cách giá vàng trong nước và quốc tế ngày một giãn xa hơn, sẽ khó tránh khỏi nguy cơ buôn lậu vàng gia tăng, tái phát tình trạng đầu cơ, bất ổn trên thị trường sẽ lại tái diễn.
Những nỗ lực của NHNN đã góp phần tích cực vào việc bình ổn tâm lý thị trường, đồng thời góp phần quan trọng vào việc tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, giảm hiện tượng vàng hóa nền kinh tế. Trong tương quan đó, việc đấu thầu vàng giữ cung cầu ổn định, nhưng đây chỉ là sự quân bình tạm thời, mới chỉ là một mặt của sự ổn định, cần có sự ổn định cả về giá.
“Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện vẫn lớn cho thấy chưa có sự quân bình, rủi ro lớn. Do vậy, ổn định thị trường vàng về lâu dài và toàn diện là giá phải ổn định, điều này thể hiện sự quân bình giữa cung và cầu”, ông Hiếu nêu quan điểm.
Theo Thời Báo Kinh Doanh