Vàng suy giảm trong bối cảnh đồng USD tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất trong 20 năm, làm giảm sức hút của vàng với vai trò “kênh đầu tư an toàn” bởi các nhà đầu tư đang “đặt cược” vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng mạnh lãi suất.
Kỳ vọng về mức tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Fed đã tăng lên 96%, theo công cụ theo dõi Fedwatch của CME. Mức tăng lãi suất đó sẽ là lớn nhất kể từ năm 1994, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng không sinh lời.
Ngoài ra, các dữ liệu khác cho thấy chỉ số giá sản xuất của Mỹ đã tăng 0,8% trong tháng 5/2022, sau khi tăng 0,4% trong tháng Tư, phù hợp với dự đoán.
Bên cạnh đó, các thị trường quan trọng khác ghi nhận giá dầu thô của giao dịch mức cao 122 USD/thùng, lãi suất trái phiếu Mỹ đạt khoảng 3,3% cũng tạo áp lực lên giá vàng.
Tại thị trường trong nước, giá vàng tiếp tục giảm so với phiên giao dịch trước đó.
Cụ thể, cập nhật lúc 8h30 ngày 15/6, Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng mua vào 67,50 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 68,30 triệu đồng/lượng, cùng giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá giữa 2 chiều duy trì ở mức 800.000 đồng/lượng.
Cũng sau phiên giao dịch 15/6, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 66,90 – 67,80 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng tại PNJ hiện đang niêm yết ở mức 67,60 - 68,40 triệu đồng/lượng tại 2 chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá mua – bán vàng tại PNJ ở mức 900.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 67,47- 68,23 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).