Từ đồng, thép cho đến ngô và gỗ xẻ, thị trường hàng hóa khởi động năm 2021 với 1 "cú nổ" lớn khi tăng vọt lên mức chưa từng thấy trong nhiều năm trở lại đây.
Giá của mọi loại nguyên vật liệu thô được sử dụng để sản xuất gần như mọi thứ đều đang tăng vọt, và tệ hơn là xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới dần quay trở lại với nhịp sống thường ngày.
Từ đồng, thép cho đến ngô và gỗ xẻ, thị trường hàng hóa khởi động năm 2021 với 1 "cú nổ" lớn khi tăng vọt lên mức chưa từng thấy trong nhiều năm trở lại đây. Điều này kéo theo giá của mọi sản phẩm đều tăng, từ bánh mì kẹp trong bữa trưa của bạn đến chi phí xây dựng những tòa nhà chọc trời tráng lệ. Kỳ vọng lạm phát tăng mạnh. Với nền kinh tế Mỹ ngập trong gói kích thích tài khóa khổng lồ và kinh tế châu Âu bắt đầu tái mở cửa sau khi triển khai chương trình tiêm vaccine, có rất ít lý do để hi vọng xu hướng lạm phát sẽ đổi chiều.
Trong báo cáo tuần này, JPMorgan Chase nhận định giá hàng hóa sẽ tiếp tục tăng và "các giao dịch đặt cược vào việc tái mở cửa và nền kinh tế phục hồi sẽ tiếp tục sôi nổi". Hơn nữa Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các NHTW khác vẫn đang tỏ ra không hề lo lắng trước lạm phát, đồng nghĩa nền kinh tế sẽ được phép "nóng".
"Những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy giá hàng hóa tăng là đà phục hồi của kinh tế toàn cầu và quá trình tái mở cửa được đẩy nhanh". Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích hàng hóa tại UBS nhận định. UBS dự báo giá hàng hóa sẽ tăng khoảng 10% trong năm tới.
Trung Quốc, nguồn cung và cũng là nguồn cầu quan trọng của thị trường hàng hóa, dĩ nhiên đang đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt khi mà chính phủ nước này đang cố gắng cắt giảm sản lượng sắt và thép như hiện nay. Trung Quốc còn là nước nhập khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Hiện giá ngũ cốc đang bị ảnh hưởng bởi thời tiết không thuận lợi ở những quốc gia xuất khẩu chính như Brazil và Pháp.
Trong lúc gần như mọi hàng hóa nguyên liệu cơ bản đều đang trở nên đắt đỏ hơn, dưới đây là cách đà tăng giá đang ảnh hưởng đến kinh tế thế giới cũng như đâu là kẻ thắng người thua trong bối cảnh hiện nay.
Xanh hóa
Giá đồng đã tăng không ngừng nghỉ trong hơn 1 năm trở lại đây vì các chính phủ cam kết tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và xe điện. Chủ trương này khiến nhiều loại công nghệ xanh phải phụ thuộc vào đồng cũng tăng giá.
Mạng lưới truyền tải điện là 1 ví dụ. Theo ước tính của BloombergNEF, để xây dựng các mạng lưới điện trong năm 2020, người ta đã sử dụng khoảng 1,9 triệu tấn đồng trong khi giá của kim loại này đã tăng hơn 90% trong năm vừa qua. Trong khi đó đến năm 2050 nhu cầu sử dụng đồng sẽ tăng gần gấp đôi so với hiện nay, với nhu cầu lớn từ những thứ như xe điện và tấm pin năng lượng mặt trời.
Người mua và người bán
Đối với các quốc gia, tác động của việc giá hàng hóa tăng phụ thuộc vào vị thế của nước đó là nhập khẩu hay xuất khẩu. Đối với những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu nguyên vật liệu thô, đây là tin tốt cho ngân sách trong lúc đại dịch đang tàn phá. Australia, Chile và Indonesia là những nước như vậy.
Giá đồng đã tăng 90% trong 12 tháng.
Trong khi đó những quốc gia đang muốn tái thiết cơ sở hạ tầng sẽ gặp đôi chút bất lợi. Kế hoạch 2.300 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden là 1 ví dụ. Đường sắt, mạng lưới điện, xây dựng lại các tòa nhà đều cần đến rất nhiều kim loại. Theo ước tính của công ty tư vấn CRU, mỗi năm Mỹ sẽ sử dụng thêm 5 triệu tấn thép (hiện đang dùng 80 triệu tấn). Nhu cầu đồng và nhôm cũng tăng lên tương tự.
Thịt
2020 là 1 năm chồng chất khó khăn đối với ngành thịt, từ đại dịch Covid-19 cho đến bệnh tả lợn đầy chết chóc đã càn quét từ châu Á sang châu Âu và giờ đang quay trở lại Trung Quốc.
Và khi giá ngũ cốc tăng mạnh như hiện nay, ngành chăn nuôi gia súc gia cầm là ngành đầu tiên bị ảnh hưởng. Chi phí mua ngô để chăn nuôi đã tăng gấp đôi trong năm qua, giá đậu tương cũng tăng 40%. Mặc dù một thời gian nữa các chuỗi burger hay cửa hàng bít tết mới cảm nhận được ảnh hưởng, đã có những dấu hiệu sớm cho thấy giá sẽ tăng cao.
Những nhà máy luyện thép
Các nhà sản xuất thép ở châu Âu và Mỹ đã có nhiều năm khó khăn vì giá bị đẩy xuống thấp do tình trạng dư cung trên toàn cầu. Các nhà máy phải rất gắng gượng để có thể kiếm tiền và giữ được việc làm. Hơn 85.000 việc làm đã mất đi ở châu Âu trong giai đoạn 2018-2019, theo Eurofer.
Giá thép tăng vọt vì nhu cầu tăng cao và Trung Quốc cắt giảm sản lượng.
Điều này sẽ nhanh chóng thay đổi vì giá thép tăng vọt. Giá thép tương lai ở Trung Quốc, nước sản xuất lớn nhất thế giới, đã phá kỷ lục, thậm chí tăng nhanh hơn cả giá quặng sắt sau khi chính phủ nước này áp dụng các biện pháp cắt giảm sản lượng. Kéo theo giá ở châu Âu và Mỹ cũng tăng cao, trong khi những nhà máy ở đây đang hoạt động hết công suất vì họ cố gắng đáp ứng nhu cầu bất ngờ tăng vọt.
Những bữa ăn sáng
Dù bạn thích latte hay espresso, không đường hay ngọt, những nguyên liệu chủ chốt để làm ra 1 cốc cà phê đều đã tăng giá, Giá cà phê Arabica tương lai tăng khoảng 33% trong năm qua, giá đường cũng tăng. Bánh mì cũng tăng giá khi mà giá lúa mì vừa chạm mốc cao nhất kể từ 2013.
Tất nhiên, mức tăng giá hàng hóa sẽ không ngay lập tức phản ánh trên các kệ siêu thị hay menu của quán café, bởi chúng chỉ chiếm một phần chi phí của nhà bán lẻ. Và các nhà bán lẻ có xu hướng chịu đựng mức tăng ban đầu để giữ chân khách hàng. Tất nhiên điều đó có giới hạn và cuối cùng thì người tiêu dùng sẽ cảm nhận được sức nóng tăng giá.
Tham khảo Bloomberg
Doanh nghiệp và Tiếp thị
In bài viết