G7 sẽ lên tiếng quan ngại về vấn đề biển Đông?

(Kinhdoanhnet) - Các lãnh đạo Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) sẽ bày tỏ mối quan ngại của họ về mọi hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng châu Á.

Tờ báo Yomiuri (Nhật Bản) số ra ngày 6/6/2015 cho biết, các lãnh đạo Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) sẽ nêu quan ngại trước mọi hành động đơn phương hòng thay đổi nguyên trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc với nhiều nước châu Á.

G7 sẽ lên tiếng quan ngại về vấn đề biển Đông? - Ảnh 1
Thượng đỉnh của nhóm G7 năm nay sẽ khai mạc ở Đức vào ngày 7/6/2015

Theo đó, vào cuối cuộc họp thượng đỉnh, sẽ diễn ra trong hai ngày 7 và 8/6/2015 tại Đức, các nhà lãnh đạo nhóm G-7, tức là nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu, sẽ ra một bản tuyên bố kêu gọi duy trì trật tự quốc tế ở các vùng biển, dựa trên pháp luật quốc tế. Nhưng bản tuyên bố của G-7 sẽ không nêu tên quốc gia nào.

Trung Quốc hiện đang bị quốc tế chỉ trích về các công trình xây dựng trái phép đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa.

Năm ngoái, các lãnh đạo G-7 đã bày tỏ quan ngại về quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc với một loạt nước châu Á liên quan tới các nguồn tài nguyên ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời cảnh báo không sử dụng vũ lực.

Hôm 15/4, Hội nghị Ngoại trưởng nhóm G7 ra tuyên bố bày tỏ quan ngại trước các hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng, làm gia tăng bầu không khí căng thẳng trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.

G7 sẽ lên tiếng quan ngại về vấn đề biển Đông? - Ảnh 2
Trung Quốc đang có hoạt động bồi đắp quy mô lớn trên Bãi Chữ Thập

Tuyên bố có đoạn: “Chúng tôi tiếp tục quan ngại về tình hình Biển Hoa Đông và Biển Đông, bày tỏ quan ngại đối với bất cứ hành vi đơn phương nào làm thay đổi hiện trạng và gia tăng tình hình căng thẳng tương tự như việc lấn biển xây đảo quy mô lớn.”

Đáp lại, ngày 17/4, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói Trung Quốc trước sau như một chủ trương tranh chấp liên quan cần phải do nước đương sự trực tiếp giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương.

Mong các nước liên quan tôn trọng đầy đủ những nỗ lực giữ gìn hoà bình và ổn định khu vực của các nước trong khu vực, làm nhiều việc có lợi cho hoà bình và ổn định của khu vực,” ông Hồng Lỗi tuyên bố.

Trâm Anh (TH)

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục