Khoản nợ “từ trên trời rơi xuống”
Theo thông tin chị T. phản ánh tới tòa soạn, cả tháng qua chị và người thân liên tục nhận những cuộc gọi và tin nhắn từ phía các nhân viên tín dụng của Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE CREDIT) để đòi một khoản nợ mà bản thân chị cũng không biết là từ đâu.
Sau những cuộc gọi bị làm phiền, chị T. đã nhiều lần yêu cầu nhân viên cung cấp thông tin về khoản vay tín dụng liên quan đến mình thì chỉ nhận được câu trả lời rất chung chung: Chị hãy gọi điện đến tổng đài để tra cứu thông tin hợp đồng tín dụng còn họ chỉ có nghĩ vụ thu hồi nợ theo thông tin chuyển qua.
Ngay sau đó, chị T. đã cố gắng liên hệ đến tổng đài của FE CREDIT để tra cứu thì được biết khoản nợ chị đang phải nhận là do chị đã tham gia gói bảo hiểm sức khỏe cá nhân trị giá 164,5 triệu đồng của Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (Bảo hiểm Bảo Minh)
Hồ sơ hợp đồng bảo hiểm chưa hề có chữ ký xác nhận của khách hàng
Cung cấp thông tin cho PV, chị T. cho biết, trước đó chị cũng nhận được một bộ hồ sơ được gửi qua đường bưu điện từ phía FE CREDIT gồm có: Giấy yêu cầu bảo hiểm, giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm sức khỏe cá nhân của bảo hiểm Bảo Minh và một số giấy tờ liên quan đến các mức đền bù bảo hiểm…Tất cả các giấy tờ trên đều chưa có chữ ký xác nhận của chị T.
Điều đáng nói là trước đó chị T. không hề biết đến công ty bảo hiểm này, và cũng chưa bao giờ yêu cầu tham gia loại bảo hiểm này. Vậy mà chị và người thân liên tục nhận được các cuộc gọi, tin nhắn đòi nợ, thậm chí là đe dọa gây khủng hoảng tinh thần.
Các số điện thoại lạ liên tục gọi đòi nợ gia đình chị T.
Nhận thấy sự việc có nhiều điểm nghi vấn. PV đã liên hệ với số điện thoại của một người tên Trần Thị Thùy Dương được ghi trên hồ sơ gửi đến cho chị T. Qua cuộc trao đổi thì được biết, chị Dương là nhân viên tư vấn của FE CREDIT và chính chị cũng là người tư vấn gói bảo hiểm cho khách hàng T.
Khi được hỏi về qua trình tư vấn cho khách hàng diễn ra như thế nào mà khách hàng không xác nhận cũng không biết gì về gói bảo hiểm thì chị Dương cho biết: “Bên em sẽ hỗ trợ cho khách hàng trả lời 3 câu hỏi về sức khỏe. Trong cuộc gọi, nếu khách hàng trả lời 3 câu hỏi đó thì thay cho chữ ký của mình rồi ạ. Và dùng 3 câu hỏi đó thay cho chữ ký của khách hàng trên hợp đồng bảo hiểm”;“Đây là chương trình kết hợp giữa công ty bảo hiểm Bảo Minh và FE CREDIT”
Một điểm đáng nghi vấn là chính nhân viên tư vấn này cho rằng không tìm thấy thông tin hồ sơ của chị T. trên hệ thống, nhưng tại sao các nhân viên tín dụng lại liên tục gọi điện, nhắn tin đòi nợ, khủng bố tinh thần của cá nhân và gia đình chị T. Và tại sao FE CREDIT lại có được thông tin của chị T và người thân của chị để thực hiện những hành vi không rõ ràng như vậy?
FE CREDIT và Bảo hiểm Bảo Minh “đá quả bóng” trách nhiệm cho nhau?
Để làm rõ thông tin, PV đã liên hệ với bà Na đại diện phía công ty Bảo Minh Gia Định (số điện thoại ***9958658 được ghi trên hợp đồng bảo hiểm).
Khi PV đặt ra những thắc mắc liên quan đến hợp đồng bảo hiểm của chị T. thì thật ngạc nhiên là người này vội vàng xin thông tin và nói sẽ báo hủy gói hợp đồng này cho chị T. PV đang chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì bà Na đã nhanh chóng đẩy toàn bộ trách nhiệm cho phía FE CREDIT: “Bên FE bán sản phẩm cho Bảo Minh, thắc mắc gì anh liên hệ với bên FE, các thủ tục bên FE làm ạ”
Bộ hồ sơ gửi cho khách hàng có đầy đủ hai chủ thể, nhưng không bên nào nhận trách nhiệm
Quá bất ngờ với những thông tin nhận được, PV trở lại liên hệ lên tổng đài của FE CREDIT thì lại nhận được lời cho rằng FE CREDIT không liên quan đến bảo hiểm này:“Bên FE CREDIT chỉ nhận cuộc gọi ghi âm bên Bảo Minh gửi qua. Bảo Minh sẽ chịu trách nhiệm gửi hồ sơ cho khách hàng… Nhân viên tư vấn và gửi hồ sơ là nhân viên của công ty Bảo Minh”
Đại diện phía FE CREDIT cũng liên tục khẳng định nhân viên của FE CREDIT không tư vấn cho bảo hiểm Bảo Minh “Nếu bên Bảo Minh báo toàn bộ bên hệ thống FE, khẳng định là người tư vấn của FE thì anh gửi thông tin vào mail banduanbaohiem@ fecredit.com.vn để có bằng chứng đối soát xử lý”
Trước những luồng thông tin mơ hồ, không rõ ràng từ cả hai phía FE CREDIT và công ty Bảo hiểm Bảo Minh, đặt ra rất nhiều nghi vấn về vai trò của hai chủ thể này trong những “thương vụ” có dấu hiệu lừa đảo khách hàng. Khi khách hàng yêu cầu cung cấp thông tin thì nói không có thông tin trên hệ thống nhưng vẫn gọi điện yêu cầu, thậm chí là đe dọa khách hàng để thu hồi khoản nợ không có thật. Sau đó khi có vấn đề thì đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Qua thực nếu khách hàng đồng ý tham gia gói bảo hiểm, nhưng với thái độ này của các bên, lúc khách hàng cần thì sẽ kêu cứu ai?
Chưa nói đến, thông tin khách hàng và cả người thân của họ các bên lấy từ đâu, liệu rằng có hành vi mua bán thông tin khách hàng để nhằm thực hiện hoạt động thu lợi bất chính không?
Trước những thắc mắc này, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để điều tra phương thức hoạt động của các doanh nghiệp đặc biệt là các chủ thể hoạt động cho vay tín dụng và mua bán bảo hiểm như FE CREDIT và công ty Cổ phần Bảo Minh để ngăn chặn những hành vi “giăng màng nhện” lừa đảo khách hàng. Tránh để các đối tượng lợi dụng lòng tin, đánh tráo khái niệm để thu lợi từ người dân.
Tháng 12/2019 Công an tỉnh Phú Thọ vừa tạm giữ hình sự 3 nhân viên ngân hàng BIDV và Sacombank để điều tra về hành vi bán thông tin của 50 công ty, doanh nghiệp trên địa bàn cả nước cho nhóm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, qua đó hưởng lợi tổng số tiền hơn 700 triệu đồng.
|
Theo Khoe365