FE Credit bên thềm thoái vốn của VPBank ra sao?

Tỷ lệ nợ xấu công ty tài chính FE Credit tăng mạnh trước kế hoạch tìm đối tác để bán cổ phần của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Cùng với đó, khi thông tư 18 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực cũng ảnh hưởng không hề nhỏ tới doanh nghiệp từng mệnh danh là “gà đẻ trứng vàng” của doanh nhân Ngô Chí Dũng.

"Hết thời đẻ trứng vàng"

Thương hiệu FE Credit có xuất phát điểm ban đầu là khối tín dụng tiêu dùng của VPBank được thành lập năm 2010 và hoạt động đến năm 2015. Sau khi VPBank mua lại Công ty tài chính Than Khoáng sản (quy mô vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng) đổi tên là Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng nhưng thương hiệu FE Credit vẫn được giữ nguyên và chuyển hoạt động của khối tiêu dùng sang công ty con vào năm 2015.

Trong nhiều năm liền, lợi nhuận của FE Credit đóng góp không nhỏ trong kết quả kinh doanh của VPBank. Trong giai đoạn 2015 - 2017 tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân 108%.

Tuy nhiên, theo số liệu từ báo cáo kiểm toán của công ty, lãi sau thuế năm 2019 đạt 3.590 tỷ đồng, cao hơn năm 2017 và 2018 lần lượt là 6,9% và 8,9%. Điều đó cho thấy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của công ty (phụ trách mảng tài chính tiêu dùng của VPBank) có xu hướng chững lại.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2017 - 2019, quy mô vốn chủ sở hữu của FE Credit tăng từ 8.435,8 tỷ đồng lên mức hơn 12.519,6 tỷ đồng. Điều này khiến chỉ số lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của FE Credit năm 2019 giảm xuống chỉ còn 28,68%, thấp hơn so với con số 32,67% của năm 2018 và 49,71% của năm 2017.

FE Credit bên thềm thoái vốn của VPBank ra sao? - Ảnh 1

Tỷ lệ nợ xấu tại FE Credit cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

Tháng 2/2020, Ngân hàng Nhà Nước có Văn bản số 762/NHNN-TTGSNH về việc chấp thuận chuyển đổi FE Credit từ mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang công ty cổ phần. Theo đó, Quy mô vốn điều lệ của FE Credit cũng được điều chỉnh tăng lên mức 7.333 tỷ đồng. Cùng với đó là thông tin về việc FE Credit có khả năng thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trong năm 2020, thông tin xuất hiện vào cuối năm 2019.

Xét về thực tế, việc chuyển đổi về mô hình công ty TNHH sang cổ phân hóa là bước đi cần thiết để FE Credit có thể đẩy nhanh thực hiện IPO tạo tiền đề trong lộ trình niêm yết của doanh nghiệp này, tạo sức bật mới cho thương hiệu từng làm mưa làm gió trên thị trường tín dụng tiêu dùng của VP Bank.

Trước thoái vốn FE Credit đang khó lại thêm khó

Việc VPBank đang lên kế hoạch, tạo sức bật mới cho FE Credit trong giai đoạn này, có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với thời điểm chuyển từ Khối tín dụng tiêu dùng sang mô hình Công ty.

Năm 2019, tỷ lệ nợ xấu của FE Credit khá cao, đã góp phần đẩy chỉ số này của VPBank lên mức 2,95%. Mặc dù vẫn trong mức cho phép (dưới 3% theo quy định của NHNN) nhưng cũng đủ đẩy VPBank lọt top những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao trong hệ thống.

Bước sang năm 2020, khi dịch Covid-19 trải qua, nền kinh tế sẽ bị tổn thương, hệ lụy là làn sóng cắt giảm lao động đang lan ra trong các nhiều ngành nghề như hàng không, du lịch, bán lẻ, giải trí, ăn uống... thu nhập của nhiều hộ gia đình và cá nhân sẽ suy giảm, kéo theo khó khăn lên việc chi trả các khoản nợ tiêu dùng đến hạn. 

Cụ thể, theo Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng của VPBank, công ty FE Credit đã giải ngân khoảng 45 nghìn tỷ đồng thấp hơn 10 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Cuối quý 3 năm 2020, tổng dư nợ của FE Credit là 64,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,4% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, gần 41.300 tỷ (64%) là dư nợ hiện hữu và 23.200 tỷ (36%) là dư nợ mới.

Về lợi nhuận, FE Credit lãi khoảng 788 tỷ đồng trong quý 3/2020, nâng tổng lợi nhuận 9 tháng lên 3.199 tỷ đồng, giảm khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng, FE Credit thu lãi 355 tỷ đồng.

Cũng theo, Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng của VPBank, cho thấy biên lãi ròng của FE Credit trong quý III là 26,7%, tiếp tục đi xuống so với 2 quý trước đó, và thấp hơn cùng kỳ. Và, đây là mức thấp nhất từ năm 2018 của doanh nghiệp này.

Mặt khác, bên cạnh sự chững lại của thị trường, FE Credit còn chịu sự cạnh tranh từ dòng vốn ngoại như Shinhan Finance Vietnam (mua lại Prudential Finance) và gần đây là Lotte Finance (mua lại công ty tài chính của Techcombank) hay Mirae Asset (Hàn Quốc) và không ít cái tên nội địa cũng tham gia vào thị trường nay như: SHB Finance (Ngân hàng SHB sở hữu 100% vốn), hay Vietcredit (thương hiệu của Công ty CP Tài chính Xi măng), Easy Credit (Tài chính Điện lực).

Đặc biệt, cuối năm 2019, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 18 điều chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, bao gồm những quy định an toàn hoạt động và những biện pháp liên quan đến việc thu hồi nợ của các công ty tài chính, vốn được phản ánh với nhiều câu chuyện tiêu cực trong thời gian qua của FE Credit.

Theo cơ cấu danh mục cho vay, FE Credit tập trung nhiều vào các khoản vay tiền mặt (76% cho vay tiền mặt, 8% cho vay mua xe máy, 4,7% cho vay điện máy và 11,4% cho vay thẻ tín dụng). Do đó, FE Credit vẫn là công ty chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ Thông tư này.

Mặc dù chưa tác động nhiều trong vòng 2 năm tới nhưng trong khoảng thời gian tiếp theo sẽ khó khăn hơn. Đây có thể chính là giai đoạn FE Credit chính thức trở thành doanh nghiệp đại chúng.

Theo Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiêp, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng có trụ sở tại: Tầng 2, Tòa nhà REE Tower, Số 9 đường Đoàn Văn Bơ, Phường 12, Quận 4, TPHCM, Việt Nam; Có một Chi nhánh tại Số 1, ngõ 1, phố Rạp Hát, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Và 19 Văn phòng đại diện dải rác các tỉnh thành khác.

Lê Hằng

KHDS
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục