Eximbank: Nhân sự chưa ổn định, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2016 đáng thất vọng trong khi nợ xấu tăng vọt

(Kinhdoanhnet) – Trong khi Eximbank vẫn còn đang loay hoay vì chưa tổ chức được ĐHĐCĐ bất thường năm 2016 để bầu bổ sung thành viên HĐQT, thì tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tính tới quý 2/2016 của ngân hàng đã tăng lên con số 5,3%.

Theo kế hoạch đưa ra trước đó, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2016 vào ngày 2/8/2016. Nhưng mới đây, Eximbank một lần nữa lại thông báo hoãn ĐHĐCĐ. Lý do mà phía Eximbank đưa ra là vì: Vào ngày 29/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chỉ đạo Eximbank kiểm tra, rà soát một số thông tin liên quan đến quyền đề cử và ứng cử của các nhóm cổ đông để báo cáo trước khi NHNN phê duyệt nhân sự được đề cử và ứng cử bổ sung thành viên HĐQT của ngân hàng.

Hội đồng quản trị của Eximbank hiện tại có 9 thành viên, bao gồm cả ông Cao Xuân Ninh tham gia HĐQT từ ngày 15/12/2015. Tuy ngày 24/3/2016, ông Cao Xuân Ninh có đơn đề nghị từ nhiệm vì lý do cá nhân và HĐQT Eximbank đã có nghị quyết chấp thuận nhưng việc từ nhiệm của ông Cao Xuân Ninh vẫn chưa được ĐHĐCĐ thông qua vì hai lần tổ chức đại hội thường niên trước đó của Eximbank đều bất thành. Lần gần nhất Eximbank tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2016 nhưng bất thành là vào ngày 24/5/2016 do biên bản đại hội chưa được cổ đông thông qua. Trước đó vào ngày 29/4/2016, ĐHĐCĐ thường niên 2016 của Eximbank cũng đã bị hoãn lại vì lý do chỉ có 51,19% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội trong khi yêu cầu để được phép tiến hành đại hội là phải có trên 65% cổ phần có quyền biểu quyết tham gia.

Như vậy, sau 3 trì hoãn với những lý do khác nhau, việc hoàn thiện nhân sự HĐQT nhiệm kỳ 2015 – 2020 của Eximbank vẫn chưa thể diễn ra. Tính tới ngày 14/7, Eximbank đã nhận được 8 hồ sơ ứng cử của 8 ứng viên dự kiến bổ sung vào hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Eximbank vừa mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2016. Theo đó, tính tới ngày 30/6, tổng tài sản ngân hàng giảm còn 121.682 tỷ đồng, giảm 3,3% so với đầu năm 2016, lỗ luỹ kế của Eximbank đến ngày 30/6/2016 là 756 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 2,33% đạt 100.728 tỷ đồng, trong khi dư nợ cho vay giảm 4,62% chỉ đạt 80.842 tỷ đồng so với đầu năm.

Thu nhập lãi thuần hợp nhất tính riêng trong quý 2/2016 của Eximbank đạt 743 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2015, tính gộp 6 tháng đầu năm 2016, thu nhập lãi thuần của Eximbank ước đạt hơn 1.665 tỷ đồng. Mặc dù thu nhập lãi thuần quý 2/2016 tăng, cùng với đó là chi phí hoạt động trong quý 2 giảm xuống còn 535 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế quý 2/2016 của ngân hàng cũng chỉ đạt gần 37 tỷ đồng. Nguyên nhân lợi nhuận sau thuế thấp là do Eximbank đã phải trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 2/2016 lên tới 324 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2015 (166 tỷ).

Tính trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Eximbank chỉ đạt vỏn vẹn hơn 79 tỷ đồng, con số vô cùng thất vọng so với gần 567 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2015. Kéo theo đó là lãi ròng 6 tháng đầu năm của ngân hàng cũng chỉ đạt gần 61 tỷ đồng, giảm tới 86% so với 6 tháng đầu năm 2015 (442 tỷ). Như vậy, nếu muốn đạt được con số 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2016 như kế hoạch (đang được điều chỉnh) đề ra, Eximbank sẽ phải cố gắng rất nhiều trong 6 tháng cuối năm 2016.

 

Eximbank: Nhân sự chưa ổn định, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2016 đáng thất vọng trong khi nợ xấu tăng vọt - Ảnh 1

Một số chỉ tiêu trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2016 của Eximbank. Ảnh: BCTC quý 2/2016, Ngân hàng Eximbank.

Đáng chú ý trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2016 của Eximbank là sự tăng vọt của nợ xấu. Tính tới ngày 30/6/2016, tổng nợ xấu của ngân hàng tăng lên mức 4.285 tỷ đồng, cuối năm 2015 con số này chỉ là 1.575 tỷ đồng. Như vậy, cho tới ngày 30/6/2016, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của Eximbank xấp xỉ 5,3%, trước đó vào cuối năm 2015 tỷ lệ này chỉ chưa đến 2%. Trong 3 nhóm nợ xấu, thì nợ xấu của Eximbank tăng tập trung vào các khoản nợ dưới tiêu chuẩn, vào thời điểm cuối năm 2015, nợ dưới tiêu chuẩn của ngân hàng chỉ đạt gần 182 tỷ đồng, nhưng tới ngày 30/6/2016, con số này đã tăng lên đạt gần 2.416 tỷ đồng như vậy là tăng hơn 13 lần chỉ trong vòng 6 tháng. Cùng với đó, nợ nghi ngờ sau 6 tháng đầu năm 2016 cũng tăng gần 34,8% so với cuối năm 2015 lên hơn 797 tỷ đồng, và nợ có khả năng mất vốn cũng tăng mạnh từ 802 tỷ đồng lên gần 1.074 tỷ đồng.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục