EU và gói cứu trợ kinh tế khổng lồ hậu Covid-19

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) kéo dài hơn dự kiến và vừa kết thúc với gói cứu trợ phục hồi kinh tế do khủng hoảng Covid-19 trị giá lên tới 750 tỷ euro.

EU và gói cứu trợ kinh tế khổng lồ hậu Covid-19 - Ảnh 1
Các nhà lãnh đạo EU bên lề cuộc họp thượng đỉnh. 
Ảnh: AP.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, nếu không là thời điểm lịch sử thì ít nhất đây cũng là một thời khắc then chốt đối với EU. Đây là khoản vay chung lớn nhất từng được EU đồng ý. Quỹ cứu trợ này bao gồm các khoản tài trợ và cho vay để chống lại tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với 27 thành viên của EU.

Cụ thể, gói cứu trợ tập trung vào chương trình tài trợ trị giá 390 tỷ euro cho các quốc gia thành viên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19. Trong đó, Italy và Tây Ban Nha dự kiến nằm trong số những nước nhận chính. Hơn 360 tỷ euro còn lại dành cho các khoản vay lãi suất thấp cho các thành viên của khối.

Để thực hiện được kế hoạch này, đích thân Ủy ban EU sẽ phải đi vay tín dụng trên các thị trường tài chính. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận đã có những thời điểm căng thẳng cao độ, song một thỏa thuận chung mang tính lịch sử cũng đạt được. Còn Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmès viết trên mạng xã hội Twitter: “Chưa bao giờ EU đầu tư vào tương lai như thế này”.

Ông Charles Michel cho biết khối đã “thể hiện trách nhiệm tập thể... và niềm tin của chúng tôi vào một tương lai chung”. Hơn nữa, thỏa thuận này gửi một tín hiệu cụ thể rằng châu Âu là một lực lượng hành động, là một khoảnh khắc quan trọng trong hành trình của châu Âu.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Chúng tôi đã đưa ra một phản ứng với cuộc khủng hoảng lớn nhất mà EU phải đối mặt”.

Ngoài gói cứu trợ chấn hưng kinh tế do khủng hoảng Covid-19, EU cũng vượt qua khác biệt để cùng đồng thuận về đề xuất ngân sách lớn chưa từng thấy, hơn 1.000 tỷ euro cho 7 năm tới hay trong tài khóa 2021 - 2027.

Theo đó, gần 1/3 số tiền được dành để chống biến đổi khí hậu và cùng với ngân sách 7.000 tỷ euro tiếp theo, sẽ tạo thành gói kích thích phát triển kinh tế xanh lớn nhất trong lịch sử. Tất cả chi tiêu phải phù hợp với mục tiêu của EU là cắt giảm khí thải nhà kính theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Đại dịch Covid-19 đến nay đã cướp đi sinh mạng của 135 nghìn công dân châu Âu và nhấn chìm nền kinh tế châu lục vào một cuộc suy thoái. Ủy ban EU dự đoán kinh tế khu vực Eurozone giảm 8,7% trong năm 2020; trong đó Pháp, Italy và Tây Ban Nha đều tăng trưởng âm hơn 10%. 

Theo Quốc Hưng/QNO

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục