Theo đó, EU đã đưa ra thời hạn mới cho hai nước này để đưa thâm hụt ngân sách xuống mức quy định của khối, tương đương 3% GDP, muộn nhất vào năm 2016 đối với Bồ Đào Nha và 2018 đối với Tây Ban Nha.
EU ra hạn chót Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha giảm thâm hụt ngân sách. Ảnh minh họa: Getty Images
Các mốc thời hạn trên do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất và được tất cả các quốc gia thành viên EU chính thức thông qua. Một báo cáo cụ thể về kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách sau đó sẽ được hai nước đưa ra vào ngày 15/10 tới.
Quyết định này được đưa ra hai tuần sau khi Uỷ ban châu Âu (EC) cũng thông qua đề xuất tương tự, theo đó nhất trí hủy bỏ mức phạt do vi phạm quy định về thâm hụt ngân sách, trên lý thuyết có thể lên tới 0,2% GDP, đối với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Trước đó, ngày 27/7, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố sẽ không áp đặt luật ngân sách hà khắc đối với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sau khi hai nước này đã để thâm hụt ngân sách cao hơn mức quy định của Liên minh châu Âu (EU).
Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis cho biết, 28 quốc gia thành viên EU đã nhất trí hủy bỏ trừng phạt đối với cả hai nước trên vì quan ngại nếu áp đặt sẽ càng kích động tư tưởng chống EU vốn gia tăng sau khi Anh bỏ phiếu rời khỏi liên minh này hồi cuối tháng 6.
Với việc gia hạn cho hai nước, EU đã đưa ra lộ trình ổn định ngân sách đáng tin cậy mới, sẽ góp phần củng cố nền kinh tế của hai quốc gia này và của cả khu vực đồng tiền chung Eurozone.
Theo số liệu thống kê, năm 2015, mức thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha là 4,4% GDP, trong khi Tây Ban Nha là 5,1% GDP, đều vượt quá xa so với quy định của EU.
Trâm Anh