Đây được xem là vụ việc điển hình cho hàng loạt dự án đang vướng mắc hiện nay: Chủ đầu tư chây ì, cạn kiệt tài chính, thiếu năng lực... dẫn tới dự án chậm tiến độ, trong khi khách hàng vẫn phải đóng tiền gốc, lãi vay ngân hàng. Trường hợp này, khách hàng cần làm gì?
"Đem con bỏ chợ"
Cách đây chưa lâu, khách hàng đã mua Dự án Eden – Thuận An (có tên thương mại là dự án Vista Riverside, tọa lạc tại đường 3 Tháng 2, phường Lái Thiêu, Tp. Thuận An, Bình Dương) phản ánh và treo băng rôn rằng “họ đang bị lừa”. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư là Công ty TNHH Kim Đại Dương (phòng 1901, Toà nhà Saigon Trade Center, 37 Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Q.1, Tp.HCM, người đại diện pháp luật – Giám đốc là ông Hoàng Đại Dương) ngừng ngay lập tức việc lừa dối cư dân, đặc biệt là “lừa dối thông tin sai sự thật về tiến độ và thu tiền từ cư dân khi dự án chưa hoàn thiện”.
Sở dĩ có vụ việc này là do chủ đầu tư đang "đắp chiếu" dự án Eden – Thuận An nhưng vẫn tìm cách thu tiền khách hàng, khiến họ bức xúc, cho rằng bị lừa đảo.
Ngoài việc dự án bị chậm tiến độ, chậm bàn giao nhà, khách hàng mua nhà tại dự án Eden – Thuận An còn bị kiện ra toà. Mới đây, bà Thái Vân Giang (SN: 1979, quận Gò Vấp, Tp.HCM) cho biết, đã nhận được Giấy triệu tập của TAND quận Gò Vấp để giải quyết liên quan đến vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”.
Trong đó, “tôi là bị đơn theo yêu cầu khởi kiện của ngân hàng cho khách hàng vay vốn mua dự án Eden - Thuận An) và buộc phải trả tổng số nợ gốc và lãi (tạm tính đến ngày 22/5/2023) là gần 321 triệu đồng và tiếp tục chịu lãi phát sinh từ ngày 23/5/2023 trở về sau”.
Bà Giang mua căn hộ diện tích hơn 39m2 (mã ký hiệu B-06-10) vào ngày 28/8/2020 theo Hợp đồng (số B-06-10/HĐMBEDEN/2020) về mua bán căn hộ chung cư (hình thành trong tương lai) tại dự án Khu nhà ở cao tầng Eden – Thuận An, giá là gần 766 triệu đồng, đã thanh toán tương đương 70% giá trị căn hộ. Theo điều khoản của Hợp đồng, thời gian hoàn thành dự án và bàn giao căn hộ là quý 2/2021 (đến nay đã trễ hạn hơn 2 năm)”.
Tuy nhiên, “dù đã trễ hạn bàn giao căn hộ hơn 2 năm, tôi đã nhiều lần liên hệ nhưng Công ty Kim Đại Dương "đem con bỏ chợ", đang có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tiền của tôi và nhiều khách hàng khác. Trong khi đó, ngân hàng vẫn tiếp tục tính lãi suất, nay lại còn khởi kiện ra toà, liệu có đúng hay không?", bà Giang nói.
Ai chịu trách nhiệm?
PV đã tìm nhiều cách liên lạc đến Công ty Kim Đại Dương nhưng chưa thể liên lạc được. Đồng thời, PV đã liên hệ đến một người từng làm việc tại Công ty Kim Đại Dương và người này nhận mình đang là một cổ đông nhỏ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông này cho hay: “Hiện tôi không tham gia vào Công ty này nữa, tôi cũng mong phóng viên vào cuộc, đăng tải thông tin chứ để Công ty làm ảnh hưởng đến khách hàng”.
Đại diện phía ngân hàng trả lời PV Tài chính doanh nghiệp rằng: "Ngân hàng có liên kết với chủ đầu tư để cho khách hàng của họ vay vốn, nếu có nhu cầu và đủ điều kiện. Còn ngân hàng không tài trợ cho dự án vay và cũng không bảo lãnh cho dự án về thanh toán. Vì vậy, 2 giao dịch (vay ngân hàng và mua nhà với chủ đầu tư) là độc lập với nhau. Việc chủ đầu tư bàn giao nhà chậm không liên quan gì đến giao dịch vay ngân hàng để mua căn hộ dự án cả".
Tuy nhiên, "nếu phát sinh tranh chấp, việc tiếp tục thu gốc và lãi của khách hàng khi ra Tòa án còn phải xem xét đến việc giải ngân của ngân hàng khi cho vay đã đúng quy định (thẩm định trước, trong và sau khi giải ngân) đối với khoản vay mà tài sản bảo đảm là nhà ở hình thành trong tương lai hay chưa?", Luật sư (LS) Nguyễn Thanh Trung, Đoàn Luật sư Tp.HCM, Điều hành Công ty Luật TNHH HT Legal VN cho biết.
Đồng thời, phân tích thêm về trường hợp "đem con bỏ chợ" này, LS Trung cho hay: "Thời gian dự kiến bàn giao căn hộ là quý 2/2021 nhưng đến nay, đã trễ hạn hơn 2 năm nhưng việc bàn giao căn hộ vẫn chưa được thực hiện. Do đó, chủ đầu tư đã vi phạm nghĩa vụ đã giao kết trong Hợp đồng mua bán. Vì vậy, khách hàng có thể dừng việc thanh toán số tiền mua căn hộ và điều này không bị xem là vi phạm Hợp đồng mua bán mà các bên đã ký kết. Bởi tại khoản 1 Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản quy định khi chưa bàn giao nhà cho khách hàng thì tổng số tiền thanh toán không quá 70% giá trị hợp đồng mà thực tế khách hàng đã đóng hơn 70% giá trị căn hộ rồi.
Hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng do bên bán chậm bàn giao căn hộ theo thỏa thuận trong Hợp đồng mua bán. Hoặc trường hợp khác, khách hàng có quyền tiếp tục thực hiện Hợp đồng này với điều kiện thỏa thuận bổ sung về thời điểm bàn giao mới và Bên bán phải thực hiện theo".
"Trong trường hợp khách hàng thực hiện một trong các cách trên mà xảy ra tranh chấp, trước hết gửi thông báo bằng văn bản cho bên kia về tranh chấp phát sinh để cùng bàn bạc giải quyết. Nếu tranh chấp vẫn không được giải quyết thì khách hàng có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của mình", LS Trung nói thêm.
Cũng theo chuyên gia về luật: Ngoài ra, cần xét thêm trường hợp ngân hàng giải ngân theo tiến độ của dự án nên khi giải ngân bắt buộc ngân hàng phải có trách nhiệm giám sát và thực hiện đầy đủ hết trách nhiệm của người cho vay để đảm bảo cho chủ đầu tư sử dụng vốn đúng mục đích, nhằm đảm bảo hoàn thành tiến độ dự án cho bên mua.
Nhưng theo phản ánh của khách hàng, thực tế dự án đã bị dừng nhưng ngân hàng lại tiếp tục giải ngân để người mua thanh toán tiếp cho chủ đầu tư là có thể đặt ra nhiều nghi vấn, liệu có sai phạm và làm trái quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và quy định về cho vay?. Trường hợp này, nếu Cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ mà xác định có sai phạm thì vẫn có thể đặt ra trách nhiệm liên đới của ngân hàng và chủ đầu tư".
Dự án khu nhà ở cao tầng Eden - Thuận An có tổng diện tích gần 4.000 m2, gồm 2 block với 528 căn hộ. Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, chủ đầu tư đã bị UBND Tp. Thuận An ban hành quyết định xử phạt về việc cho người dân vào ở chưa đúng quy định và bàn giao căn hộ chậm cho khách hàng. Trước đó, Công ty Kim Đại Dương tự ý cho cư dân vào sinh sống trong dự án khi chưa được nghiệm thu về PCCC và các yêu cầu khác là hoàn toàn trái pháp luật. PV sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này. |