Vấn đề xử lý nợ xấu sau hơn 1 năm thành lập VAMC cùng sự rốt ráo của NHNN được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá vẫn chậm và không căn cơ. Mặc dù các ngân hàng rất cố gắng trong việc ngăn ngừa và xử lý nợ xấu nhưng không thể phủ nhận rằng nợ xấu ngân hàng có xu hướng tăng lên.
Theo BCTC các TCTD 6 tháng đầu năm và số liệu của Cơ quan thanh tra giám sát NHNN., tính đến cuối tháng 6/2014, nợ xấu của toàn hệ thống là 160.940 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cuối tháng 5/2014 và tăng 38,2% so với cuối năm 2013. Cũng theo cơ quan này, đến cuối tháng 6/2014, số dư dự phòng còn lại của toàn hệ thống đạt mức 77.300 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cuối năm 2013.
Ngân hàng trích lập dự phòng chưa đủ
Ông Đào Quốc Tính, Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN cho biết: “nếu toàn bộ số dự phòng này được sử dụng để xử lý nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu của hệ thống sẽ giảm xuống còn khoảng 2,2%. Do vậy, vấn đề nợ xấu hiện nay cũng không đáng quan ngại và trong tầm kiểm soát vì quỹ dự phòng của các TCTD ở mức khá và tiếp tục có xu hướng tăng.”
Đã có không ít ý kiến bày tỏ quan ngại về đánh giá của Phó Chánh Thanh tra. Giả định toàn hệ thống ngân hàng dùng trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu thì nợ xấu khi đó chỉ còn 2,2% nhưng sau đó thì sao? Nếu đó là cách xử lý nợ xấu thì NHNN nên yêu cầu thậm chí buộc các TCTD trích lập đầy đủ để có thể giảm nợ xấu về 0% bởi hiện tại các NHTM vẫn lãi hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng sau trích lập
Xử lý nợ xấu không chỉ là việc trích lập dự phòng. Các TCTD đến hiện tại vẫn đang vật lộn trong xử lý những tài sản đảm bảo. Đối với Công ty quản lý tài sản các TCTD (VAMC) tốc độ mua nợ xấu dường như đang chậm lại và nhiều người thậm chí tỏ ra hoài nghi năng lực xử lý nợ xấu của tổ chức này do VAMC cũng đang rất khó khăn khi xử lý tài sản đảm bảo vì vướng vấn đề pháp lý.
Các TCTD vẫn đang ngóng chờ các cơ quan chức năng hỗ trợ xử lý nợ xấu bằng những biện pháp mang tính căn cơ, gốc rễ như hỗ trợ đẩy nhanh xử lý tài sản đảm bảo, xây dựng thị trường mua bán nợ hay ban hành quy định quản trị rủi ro cho TCTD chặt chẽ, minh bạch.
“Còn nếu xử lý nợ xấu dựa vào trích lập dự phòng thì có lẽ các TCTD xử lý còn nhanh hơn các cơ quan quản lý.” – một chuyên gia kinh tế bình luận.
Theo TS.Lê Xuân Nghĩa, cần trao thêm quyền lực cho VAMC. Đây không chỉ là cơ quan giải quyết nợ xấu không có tỳ vết gì về vấn đề pháp lý bởi những khoản nợ như vậy dành cho các NHTM tự xử lý được, mà VAMC cần được chủ động trong các thủ tục pháp lý, thủ tục mua những khoản nợ xấu có vướng mắc về pháp lý.
Thêm nữa cần phải có một nguồn tiền thực sự để mạnh tay tái cấp vốn cho NHTM nhất là thương mại quốc doanh, cho phép họ xóa những khoản nợ biết chắc là không thể thu hồi được ví dụ như nợ của DN Nhà nước do rủi ro thị trường hoặc nợ của người nông dân gặp thiên tai mất mùa, rủi ro thị trường. Nếu do nguyên nhân chủ quan thì phải xử lý theo nhiều cách như thu hồi, tái cơ cấu…
Quốc Hưng (Tổng hợp)