Bị xử phạt vì hàng loạt lỗi vi phạm, đang trong tầm kiểm soát của UBCKNN
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt với loạt vi phạm của Công ty cổ phần Chứng khoán Sen Vàng với tổng số tiền là 185 triệu đồng.
UBCKNN phạt Chứng khoán Sen Vàng 40 triệu vì tính đến thời điểm kiểm tra ngày 9/7/2019, số lượng nhân viên có chứng chỉ hành nghề của Công ty chưa đáp ứng điều kiện về nhân viên có chứng chỉ hành nghề cho mỗi nghiệp vụ được cấp phép. Hết năm 2018 tổng số cán bộ, nhân viên của Công ty chỉ có đúng 8 người.
Bên cạnh đó, Công ty còn không không thiết lập bộ phận kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro theo quy định pháp luật nên bị xử phạt 85 triệu đồng.
UBCKNN cũng phạt Chứng khoán Sen Vàng 60 triệu vì không tuân thủ quy định của Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và quy định pháp luật khác về quản trị, điều hành khi tới ngày 9/7 Công ty vẫn chưa tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019.
Tới tận ngày 19/8 vừa qua, Chứng khoán Sen Vàng mới tổ chức họp đại hội cổ đông thường niên 2019.
Theo tìm hiểu của người viết thì đây không phải là lần đầu tiên Chứng khoán Sen Vàng bị UBCKNN xử phạt mà trước đó Công ty đã bị xử phạt hai lần với các lỗi như: vi phạm quy định về hạn chế đầu tư của công ty chứng khoán, họp đại hội cổ đông thường niên 2018 không đúng thời hạn. Thậm chí Công ty bị đặt vào tình trạng kiểm soát từ ngày 29/10/2018 – 29/10/2019.
Từ ngày 29/10 – 28/12/2018 Chứng khoán Sen Vàng đã bị đình chỉ hoạt động tự doanh chứng khoán do không duy trì các điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Chứng khoán. Tới ngày 30/1/2019, UBCKNN đã ban hành quyết định rút hẳn nghiệp vụ tự doanh chứng khoán của Công ty.
Bất ngờ với những cái tên "khủng" của dàn cổ đông sáng lập
Chứng khoán Sen Vàng được cấp phép thành lập và hoạt động vào ngày 21/12/2007 với vốn điều lệ hiện là 135 tỷ đồng.
Khi thành lập Công ty gồm có 8 cổ đông sáng lập với các tên tuổi rất “khủng” như: CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC), CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Mã: TDH), CTCP Đồng Tâm Miền Trung của “bầu” Thắng, CTCP Ngoại Thương & Phát triển Đầu tư TP HCM, CTCP Vạn Phát Hưng (Mã: VPH), Tổng Công ty Vật liệu Xây dựng Số 1, Công ty TNHH Phú Mỹ Thuận, Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (nay đã được sáp nhập vào Ngân hàng BIDV).
Nguồn: Báo cáo thường niên 2018
Theo tổng hợp thì tại ngày 31/12/2018, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình đang là cổ đông lớn nhất nắm tới 42,53% vốn tại Chứng khoán Sen Vàng, cổ đông lớn thứ 2 là Nhà Thủ Đức với 22,49%.
Đáng chú ý, ông Lê Viết Hiếu – Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình đồng thời là con của ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Tập đoàn sở hữu 9,29% vốn tại Chứng khoán Sen Vàng.
Ông Lê Viết Hải hiện đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của Chứng khoán Sen Vàng bên cạnh ông Lê Viết Hiếu cũng đang làm thành viên HĐQT tại đây.
Không chỉ vậy, ông Phương Công Thắng – thành viên HĐQT của Hoà Bình cũng đang nằm trong HĐQT của Chứng khoán Sen Vàng. Đáng chú ý, tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra ngày 19/8 vừa qua, ông Trần Quang Đại – Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã được bầu vào HĐQT của Chứng khoán Sen Vàng nhiệm kỳ 2019 - 2023. Qua đó có thể thấy người của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình chiếm tới ½ HĐQT.
Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh – Phó Tổng giám đốc của Nhà Thủ Đức đang là Phó Chủ tịch của Chứng khoán Sen Vàng.
Kinh doanh bết bát, cổ đông chấp nhận lỗ nhưng vẫn không giải thể
Nguồn: HK tổng hợp qua các năm
Theo số liệu tổng hợp của người viết thì tình hình kinh doanh của Chứng khoán Sen Vàng rất bết bát. Giai đoạn 2015 đến nay Công ty liên tục thua lỗ, duy nhất năm 2017 lãi 19 tỷ đồng nhưng năm 2018 ghi nhận khoản lỗ lên tới 29 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm thu không đủ chi chưa kể lỗ đánh giá lại các tài sản khiến Công ty tiếp tục lỗ thêm 5 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6, tổng lỗ luỹ kế của Công ty đã lên tới 91 tỷ đồng khiến cho vốn chủ sở hữu chỉ còn gần 44 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hết quý II khoản đầu tư vào cổ phiếu của Chứng khoán Sen Vàng với giá gốc gần 58 tỷ đồng tuy nhiên giá trị hợp lý tại ngày 30/6 chỉ hơn 42 tỷ đồng. Chi tiết khoản đầu tư vào những cổ phiếu nào không được doanh nghiệp thuyết minh.
Công ty đã từng có ý định giải thể nhiều lần song đều liên tục huỷ bỏ. Trước đó vào cuối năm 2013, Hội đồng quản trị của Chứng khoán Sen Vàng đã họp bất thường để thông qua chủ trương thanh lý tài sản, giải thể Công ty. Tuy nhiên nửa năm sau đó Hội đồng quản trị lại huỷ các điều khoản giải thể.
Tới đại hội cổ đông thường niên 2016, cổ đông và ban lãnh đạo của Chứng khoán Sen Vàng lại tiếp tục thông qua việc giải thể nhưng chỉ được nửa năm ban lãnh đạo lại ra thông báo huỷ.
Tình hình kinh doanh kém khả quan, HĐQT và cổ đông từng nhiều lần muốn giải thể công ty nhưng có thể thấy nhiều năm qua dường như ban lãnh đạo vẫn không đưa ra được giải pháp nào để cải thiện tình hình thậm chí cổ đông lớn chấp nhận thua lỗ để duy trì hoạt động.
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý II của HBC và TDH
Tại ngày 30/6 theo báo cáo tài chính hợp nhất của Hòa Bình thì Tập đoàn đã lỗ lũy kế tới 22 tỷ đồng khi đầu tư vào Chứng khoán Sen Vàng còn khoản góp vốn của Nhà Thủ Đức tại đây ngày một teo tóp chỉ còn giá trị hơn 6 tỷ đồng hết quý II.
Căn cứ biên bản đại hội cổ đông thường niên diễn ra ngày 19/8 vừa qua, ông Trần Quang Đại – Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã đề xuất Chứng khoán Sen Vàng nghiên cứu và chuyển hướng chiến lược kinh doanh vào nghiệp vụ IB (tư vấn, môi giới đàu tư tài chính doanh nghiệp) trong thời gian tới với mong muốn cung cấp dịch vụ IB cho các công ty thành viên của các cổ đông lớn.
Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Chứng khoán Sen Vàng đã đồng ý và muốn các cổ đông có nhu cầu về vốn giới thiệu các hợp đồng cho Công ty.
Đại diện hai cổ đông lớn là Nhà Thủ Đức và CTCP Khu công nghiệp Long An đều bày tỏ hi vọng khi Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình về làm thành viên HĐQT sẽ hỗ trợ Chứng khoán Sen Vàng tìm kiếm được nhiều hợp đồng, cải thiện tình hình kinh doanh.
Qua đó có thể thấy các cổ đông lớn đang cố gắng vớt vát tình thế để cải thiện và tiếp tục duy trì hoạt động của Công ty.
Hoàng Kiều