Dự kiến một người không được sở hữu quá 3% vốn điều lệ ngân hàng

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định, một cổ đông là cá nhân không được được sở hữu vượt quá 3% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trong khi mức quy định hiện là 5%.

Ngân hàng Nhà nước hiện đang lấy ý kiến Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, một trong những nội dung đáng chú ý lần này là việc dự kiến siết chặt hơn giới hạn về cho vay và tỷ lệ sở hữu cổ phần của một hoặc một nhóm cổ đông tại ngân hàng.

Theo đó, tại Điều 126 về hạn chế cấp tín dụng, cơ quan soạn thảo đề xuất tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một đối tượng không được vượt quá 10% vốn tự có của nhà băng, trong khi tỷ lệ này hiện tại là 15%. Đồng thời, tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của nhà băng, giảm so với quy định hiện hành là 25%.

Ngân hàng Nhà nước muốn thắt chặt tình trạng sở hữu chéo và quản lý tỷ lệ cấp tín dụng cho một nhóm cổ đông tại các tổ chức tín dụng
Ngân hàng Nhà nước muốn thắt chặt tình trạng sở hữu chéo và quản lý tỷ lệ cấp tín dụng cho một nhóm cổ đông tại các tổ chức tín dụng

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước dự kiến một người sẽ không được sở hữu quá 3% vốn điều lệ một tổ chức tín dụng. Tỷ lệ này theo quy định hiện nay là 5%. Trong khi đó, cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, so với mức hiện tại là 15% (trừ ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc sở hữu của nhà nước tại ngân hàng). Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%.

Những dự thảo quy định mới này khiến giới nhà băn lo lắng vì cho rằng có thể làm giảm động lực phát triển của họ. Tuy nhiên theo Ngân hàng Nhà nước, điều này giúp tăng cường tính đại chúng của ngân hàng, chống sở hữu chéo, chống thao túng, hạn chế việc chi phối và thâu tóm ngân hàng. Các quy định này sẽ ngăn lạm dụng quyền quản trị, chống lạm quyền cấp tín dụng và gia tăng tiếp cận vốn ngân hàng cho người dân.

Trước đó, đại biểu quốc hội đoàn Đồng Nai từng bày tỏ lo ngại tình trạng sở hữu chéo, doanh nghiệp sân sau trong các ngân hàng thương mại cổ phần. Có những ngân hàng khi đọc tên thì ai cũng biết đứng đằng sau là doanh nghiệp, cá nhân nào.

Vân Anh (T/h)

Đời sống & Pháp luật
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục