Dự án Vạn Phúc Riverside: Hàng trăm nghìn m2 đất công “biến” thành đất xây nhà thương mại thế nào?

Được quy hoạch là đất phục vụ mục đích công cộng, xây dựng khu văn hóa giải trí. Tuy nhiên, sau “vòng quay” của việc điều chỉnh quy hoạch, hàng trăm nghìn m2 đất công đã rơi vào tay tư nhân và trở thành những dãy nhà phố thương mại đang được rao bán rầm rộ…

Dự án Vạn Phúc Riverside: Hàng trăm nghìn m2 đất công “biến” thành đất xây nhà thương mại thế nào? - Ảnh 1
Dãy shophouse được xây dựng trong khu đô thị Vạn Phúc Riverside.

Dự án Vạn Phúc Riverside có mặt tiền đường Quốc lộ 13, thuộc khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức do Tập đoàn Đại Phúc làm chủ đầu tư. Thông tin từ trang chủ của chủ đầu tư thì quy hoạch kiến trúc của dự án này, gồm: Công viên ven sông dài 3,4 km, Kênh đào xuyên tâm dẫn nước dài 1,5km, Công viên trung tâm hồ cảnh quan 21,5ha. Hiện sau khi xây dựng cơ sở hạ tầng, chủ đầu tư đang rầm rộ xây dựng các căn shophouse và được rao bán với mức giá từ 4,5 tỷ đồng/căn.

Tuy nhiên, dự án này sau khi về tay Tập đoàn Đại Phúc đã xảy ra khiếu kiện kéo dài do những mập mờ trong việc giao đất và thu hồi đất của người dân. Cũng chính do những mập mờ trong việc giao đất và thu hồi đất cho nên thời gian qua, người dân có đất tại Dự án Vạn Phúc Riverside đã liên tục khiếu kiện tới UBND TP.HCM về những vấn đề bất hợp lý trong việc đền bù giải tỏa dự án của UBND quận Thủ Đức và chủ đầu tư.

Theo những tài liệu BizLIVE có được, ban đầu đây là một dự án công, nhằm vụ vụ người dân địa phương. Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hàng trăm nghìn m2 đất vàng đã bị biến thành đất xây shophouse, biệt thự, nhà liền kề và thậm chí cả cao ốc để kiếm lời.

Tạo hàng loạt vỏ bọc để thâu tóm "đất vàng"?

Theo tìm hiểu, Dự án Vạn Phúc Riverside được Kiến trúc sư trưởng TP.HCM có Quyết định 4919/KTS-QH phê duyệt quy hoạch chi tiết khu văn hóa giải trí, thể dục thể thao, sân golf cây xanh thuộc xã Hiệp Bình Phước, huyện Thủ Đức (nay là quận Thủ Đức) với tổng diện tích 200 ha vào năm 1994. Tuy nhiên, sau đó dự án sau đó rơi vào quên lãng.

Đến năm 2001, UBND TP.HCM có Quyết định 8237/QĐ-UB về việc giao 5.084 m2 đất tại dự án này cho Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Sài Gòn thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cho cán bộ - công chức thuộc Văn phòng Chính phủ.

Sau đó, ngày 20/1/2004, UBND TP.HCM lại có Quyết định 256/QĐ-UB thu hồi hơn 177 ha đất (gồm cả 5.084 m2 thuộc dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cho cán bộ - công chức thuộc Văn phòng Chính phủ) và giao hơn 198 ha đất cho Công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6 (Công ty quận 6) để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức).

Theo quyết định này, sau khi xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị Hiệp Bình Phước, Công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6 phải bàn giao toàn bộ diện tích trên cho UBND Thành phố để quyết định việc giao đất, cho thuê đất đối với các dự án thành phần quy hoạch được duyệt và theo quy định của pháp luật đất đai. Công ty quận 6 chịu trách nhiệm về nguồn vốn đầu tư và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả của dự án.

Dự án Vạn Phúc Riverside: Hàng trăm nghìn m2 đất công “biến” thành đất xây nhà thương mại thế nào? - Ảnh 2
Phối cảnh tổng thể khu đô thị Vạn Phúc Riverside. 
Ngay sau đó, UBND quận Thủ Đức có Quyết định 184/QĐ-UB ngày 17/3/2004 về việc điều chỉnh, di chuyển các hộ dân cư, cơ quan, đơn vị khác và bồi thường hỗ trợ thiệt hại trong dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị Hiệp Bình Phước.

Trong tháng 3/2004, Hội đồng bồi thường được thành lập và ngày 18/10/2004, Hội đồng ban hành Phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư trong dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị Hiệp Bình Phước số 1500/PABT.

Phương án số 1500/PABT quy định: “Dự toán kinh phí bồi thường là 357.9995.329.888 đồng. Nguồn vốn đầu tư là vốn thực hiện dự án do các doanh nghiệp tham gia các dự án thành phần đóng góp toàn bộ chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính. Công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6 và chủ đầu tư các dự án thành phần có trách nhiệm thực hiện đúng theo các nội dung quy định của UBND Thành phố tại các công văn số 938/VP-ĐT ngày 29/6/2000; số 68/TB-VP ngày 21/5/2001 và số 1127/VP-ĐT ngày 26/6/2001 của Văn phòng UBND Thành phố”.

Việc này đã dẫn đến nhiều thắc mắc của người dân, tại sao Công ty quận 6 được quyền thu tiền các dự án thành phần, trong khi UBND Thành phố chưa lựa chọn và giao đất cho ai.

Đến ngày 27/12/2004, UBND TP.HCM giao 3 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở. Trong đó, giao một dự án cho Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh dịch vụ xuất nhập khẩu quận 1 (theo Quyết định 6492/QĐ - UB); giao 2 dự án cho Công ty quận 6 (Quyết định 6496/QĐ - UB).

Đến ngày 24/10/2005, UBND TP.HCM bất ngờ ban hành Quyết định 5458/QĐ - UBND để điều chỉnh Quyết định 6492/QĐ - UB, theo đó, điều chỉnh, bổ sung “Chủ đầu tư: Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Vạn Phúc”.

Chưa hết, ngày 15/11/2006, UBND TP.HCM tiếp tục có Quyết định 5222/QĐ - UBND điều chỉnh, bổ sung 3 quyết định định trước đó là Quyết định 256/QĐ - UB, Quyết định 6495/QĐ - UB, Quyết định 6496/QĐ-UB với nội dung: “Giao Công ty TNHH Vạn Phúc tổ chức xây dựng hạ tầng chung dự án và thực hiện dự án thành phần tại khu đất trước kia đã giao cho Công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6”.

Như vậy, với đường đi lòng vòng của các văn bản, cuối cùng, người dân quanh dự án này cho rằng, Công ty quận 6 chỉ là một vỏ bọc cho một nhóm Công ty Vạn Phúc thâu tóm quỹ đất này?

Cần thanh tra làm rõ

Trao đổi với BizLIVE về dự án này, luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, nếu nhìn vào đích cuối và kết quả hiện nay của các dự án, người dân hoàn toàn có quyền đặt ra câu hỏi liệu có không việc tạo “vỏ bọc” để Vạn Phúc thâu tóm đất vàng?. 

Theo luật sư Phượng, nếu việc giao dự án và thay thế chủ đầu tư cho đến việc thu hồi, giao đất đúng quy định pháp luật và công khai minh bạch thì chắc chắn dư luận không nói như thế. Tuy nhiên, ở đây do thông tin các văn bản chưa công khai ngay từ đầu năm 2004 và việc giải quyết mang tính cắt khúc nên không trả lời được câu hỏi đó. 

“Ở góc độ cá nhân, dư luận có sự nghi ngờ là có căn cứ của họ, vấn đề không nêu là do việc đó nằm trong giới hạn thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước và quyền lợi của người dân bị thu hồi đất”, luật sư Phượng cho biết.

Đề cập đến phương án bồi thường được Hội đồng bồi thường đưa ra, luật sư Phượng cho rằng, phương án bồi thường 15000/PABT có nhiều điểm không phù hợp, về chủ thể tiến hành bồi thường, tài chính thực hiện việc bồi thường nên trên thực tế triển khai công tác bồi thường là chủ đầu tư thỏa thuận với người dân (như dự án nhà ở thương mại). Mặt khác, việc này sau đó đã phải điều chỉnh mức bồi thường cho người dân nên tạo sự không giống nhau giữa những người dân có đất và còn gây khó cho cơ quan thực hiện công tác bồi thường. 

Với nội dung tài chính cho việc bồi thường của dự án do ai đóng góp thì có thể phía sau còn nhiều vấn đề chưa được nêu ra, đặc biệt chắc chắn ai bỏ tiền ra bồi thường thì họ sẽ phải có quyền, thủ tục để doanh nghiệp đó thu lại lợi ích được thực hiện như thế nào.

“Nếu có dấu hiệu sai, thì trách nhiệm cơ quan nhà nước (địa phương và trung ương) cần vào cuộc thanh tra về dự án”, luật sư Phượng nêu quan điểm.

 

Thời gian gần đây dư luận xôn xao trước việc Thành ủy TP.HCM yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận hủy hợp đồng chuyển nhượng phần diện tích đất đã đền bù tại Khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) cho QCG hơn 30 ha với giá 1.29 triệu đồng/m2. 

Lý do dẫn đến việc Thành ủy TP.HCM yêu cầu hủy hợp đồng là do Ban Thường vụ Thành ủy nhận thấy việc ký kết hợp đồng này không đúng theo Quyết định số 1087 ngày 31/03/2009 của Ban Thường vụ Thành ủy về ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty TNHH một thành viên thuộc Đảng bộ Thành phố. 

Vì vậy, Ban Thường vụ Thành ủy không đồng ý việc bán chỉ định đối với dự án này và yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận phải đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng. Đồng thời, Thường vụ Thành ủy chỉ đạo xem xét giải quyết việc thực hiện chuyển nhượng đúng quy định của pháp luật.

Sau sự việc trên, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khẩn trương tổ chức kiểm tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật và quy định của Thành ủy về quản lý các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Thành ủy trong việc chuyển nhượng đất đai.

Bí thư Thành ủy TP. HCM yêu cầu làm rõ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả các vi phạm; trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan đến cuộc chuyển nhượng trên và báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy trước ngày 8/5/2018.

 

 

Vạn Xuân / Bizlive

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục