Một trong những dự án chậm triển khai tại Hà Nội có thể kể đến, dự án tháp tài chính IFT. Chủ đầu tư là Tổng công ty Bảo Việt nhân thọ, tọa lạc tại khu đất có vị trí "vàng" trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Theo quy hoạch, dự án có diện tích 13.159 m2, với một công trình cao 34 tầng.
Năm 2013, Sở Quy hoạch, Kiến trúc Hà Nội có văn bản chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, chủ đầu tư không triển khai xây dựng dự án này, khiến khu đất vàng bị bỏ hoang suốt nhiều năm qua.
Dự án Tháp tài chính bỏ hoang nhiều năm. (Ảnh: Báo xây dựng).
Một dự án khác nằm trên khu "đất vàng" bên cạnh toà Keangnam là Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (Vicem Tower) có tổng mức đầu tư khoảng 2.743 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành sau ba năm, nhưng đến nay, công trình Dự án Vicem Tower mới chỉ xong phần xây thô. Đến thời điểm hiện tại, công trường dự án vẫn không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào, cỏ hoang mọc ở nhiều nơi, hàng rào bao quanh đã xuống cấp.
Hậu quả của dự án treo để lại vô cùng lớn. Theo một số chuyên gia, để tồn tại các dự án treo như hiện nay cho thấy sự phá vỡ tổng thể về quy hoạch, kiến trúc và hạ tầng.
Nhiều mảnh đất công đem cho tư nhân thuê và sử dụng với nhiều mục đích khác nhau sẽ tạo ra một sự lộn xộn trong phát triển, dẫn đến lãng phí, thậm chí dẫn đến sự bất bình cho những người dân trước bị thu hồi đất để thực hiện dự án nhưng rồi lại không thấy dự án đâu.
Ở một góc độ khác, Gs. Đặng Hùng Võ cho biết, trước đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đôn đốc thu hồi lại các dự án "treo" nhưng thời gian qua, dường như số các dự án "treo" lại nhiều lên.
Việc thu hồi lại dự án bỏ hoang trên đất công được nhiều chuyên gia cho rằng hoàn toàn đúng đắn và cần phải thực hiện nghiêm khắc nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia trong việc sử dụng tài nguyên phát triển các dự án, đặc biệt là bất động sản.
Một số ý kiến cho rằng nên thu hồi những dự án đã đắp chiếu 10 – 20 năm thay vì thu hồi những dự án đang được đầu tư vốn để tái khởi động lại. Như vậy, phương án nào để thu hồi dự án sai phạm nhưng vẫn đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp đang là câu hỏi được đặt ra.
Theo Gs. Đặng Hùng Võ, để xử lý đối với trường hợp này, nhất là các dự án treo, các địa phương cần có chế tài phù hợp và kiên quyết. Sau một thời gian dài chạy theo sự phát triển, chắc chắn sẽ có những dự án gặp sai sót về thủ tục đầu tư. Việc rà soát lại sẽ có thể phát hiện ra dấu hiệu của tham nhũng.
Đối với trường hợp dự án sai phạm nhưng đang hình thành tài sản trên đất, theo quy định về thời hạn là 24 tháng không sử dụng đất, dự án sẽ bị thu hồi đất.
Còn trường hợp trên đất bỏ hoang đã có tài sản được hình thành hợp pháp, Nhà nước có thể thu hồi đất nhưng không thể tịch thu tài sản đầu tư trên đất vì như vậy sẽ trái với pháp luật và không đúng với Hiến pháp. Cơ quan quản lý có thể xử phạt nặng với chủ đầu tư, nếu chủ đầu tư không nộp bồi thường vào ngân sách có thể chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư khác.
Đối với dự án sang tên đổi chủ nhiều lần, cơ quan quản lý cần rà soát triệt để xem sai ở khâu nào, căn cứ theo pháp luật đều có phương án xử lý thích hợp. Có như vậy, thị trường mới trở nên minh bạch, môi trường đầu tư mới công bằng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, đánh giá việc thu hồi các dự án treo là không hề dễ dàng. Các cơ quan chức năng cần có thái độ quyết liệt trong việc xử lý các chủ đầu tư chậm triển khai và làm rõ nguyên nhân.
"Nếu lỗi không phải do năng lực doanh nghiệp thì cần phải xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Còn nếu chủ đầu tư không đáp ứng được năng lực thực hiện dự án, cố tình chây ỳ, không thực hiện, tìm cách chuyển nhượng hay muốn chuyển đổi mục đích sử dụng ban đầu thì phải kiên quyết thu hồi", ông Đính nói.
Theo ông Đính, cộng đồng xã hội sẽ đồng tình với việc xử lý các nhà phát triển chưa hiệu quả, có nhiều sai sót trong quá trình xây dựng dự án, không có năng lực triển khai dẫn đến chậm trễ dự án, thậm chí chỉ chú trọng vào việc chuyển nhượng mà không có mục tiêu phát triển.
Nguồn: VTC