Dòng tiền thuần tại CII 'âm nặng', hơn 139 tỷ đồng nợ xấu

Nửa đầu năm 2022, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE: CII) bất ngờ báo lãi tăng đột biến gấp 6 lần cùng kỳ. Về tình hình tài chính...

 

Dòng tiền thuần tại CII 'âm nặng', hơn 139 tỷ đồng nợ xấu - Ảnh 1

Lợi nhuận tại CII không đến từ kinh doanh chính

Trong quý 2/2022, CII ghi nhận doanh thu đạt hơn 948 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt gần 127 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp tăng từ 35,9% lên 47,8%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 26% so với cùng kỳ lên 453 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 40%, chỉ thu về gần 200 tỷ đồng;

Các loại chi phí giảm so với cùng kỳ như chi phí tài chính giảm 18% về 321 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 22% còn 18,7 tỷ đồng và quản lý doanh nghiệp giảm 26% còn 106 tỷ đồng, các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Đáng nói, xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý 2/2022, Công ty ghi nhận lãi 6,93 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 200,83 tỷ đồng. Như vậy, hoạt động kinh doanh cốt lõi đóng góp không đáng kể, lợi nhuận Công ty chủ yếu đến từ doanh thu tài chính.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022 tại CII
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022 tại CII

Nửa đầu năm, doanh thu thuần của CII đạt 1.660 tỷ đồng, giảm 16%. Trong đó, nguồn thu chính là từ thu phí giao thông đạt 706 tỷ đồng, tăng 27%. Song doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 667 tỷ đồng, giảm gần 40% kéo tổng doanh thu thuần giảm

Bên cạnh đó, CII cũng có doanh thu 1.116 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, tăng 114%, phần lớn đến từ lợi nhuận thoái vốn Năm Bảy Bảy (NBB) từ công ty con thành công ty liên kết.

Lợi nhuận sau thuế đạt 812 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần. Lãi ròng đạt gần 721 tỷ đồng, gấp gần 23 lần. So với kế hoạch năm với tổng doanh thu hơn 8.010 tỷ đồng, lãi ròng mục tiêu gần 757 tỷ đồng, CII mới thực hiện được 21% doanh thu và đạt tới 95% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Từ tháng 10 đến nay, CII liên tục thông báo thoái vốn Năm Bảy Bảy (Mã: NBB) để cân đối tài chính. Riêng 2021, CII công bố thu về hơn về hơn 1.000 tỷ đồng từ việc thoái 25,4 triệu cổ phiếu NBB. Tuy nhiên, do lúc đó Năm Bảy Bảy vẫn là công ty con nên khoản lợi nhuận này được ghi nhận vào lợi nhuận chưa phân phối mà không được hạch toán vào lợi nhuận hợp nhất, dẫn đến tình trạng CII lỗ ròng hơn 240 tỷ đồng, lần đầu tiên từ khi niêm yết.

Riêng nửa đầu năm nay, việc thoái vốn NBB đã đem về cho CII số tiền 794 tỷ đồng. Mới đây, CII vừa đăng ký bán 10 triệu cổ phiếu NBB trong thời gian từ ngày 7/7 đến ngày 5/8, nhằm giảm tỷ lệ sở hữu từ 47,51% về 37,52%.

Dòng tiền thuần tại CII 'âm nặng', hơn 139 tỷ đồng nợ xấu - Ảnh 2

Dù lợi nhuận tăng trưởng đột biến song dòng tiền thuần trong kỳ tại CII lại đang ở trạng thái âm.

Cụ thể, theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù dòng tiền kinh doanh và đầu tư đều có giá trị dương nhưng công ty đã chi hơn 3.615 tỷ đồng để trả nợ gốc vay kéo dòng tiền thuần trong kỳ âm hơn 277 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 chỉ âm hơn 42 tỷ đồng.

CII đi vay gần 15.000 tỷ đồng, nợ xấu hơn 139 tỷ đồng

Tính đến cuối quý 2/2022, CII ghi nhận 30.193 tỷ đồng tổng tài sản, giảm 2% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn hơn 2.981 tỷ đồng, giảm 15%, chiếm 10% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn đạt 6.601 tỷ đồng, chiếm 22% tổng tài sản; hàng tồn kho đạt 4.051 tỷ đồng, chiếm 13% tổng tài sản;…

Đáng chú ý, hơn 4.051 tỷ đồng hàng tồn kho tại CII chủ yếu là bất động sản dở dang (bao gồm chi phí đầu tư và phát triển) lên tới hơn 3.356 tỷ đồng tập trung ở dự án khu nhà ở chung cư tại lô 3,15 (2.685 tỷ đồng) và dự án cao ốc 152 Điện Biên Phủ (651 tỷ đồng).

Đặc biệt, tính đến cuối quý 2/2022, CII có hơn 139 tỷ đồng nợ xấu nhưng giá trị có thể thu hồi là 37 tỷ đồng. Ngoài ra, CII đang dành ra 2.422 tỷ để rót vốn vào các công ty liên doanh liên kết và các thành viên khác, tăng thêm 900 tỷ so với ngày đầu năm.

BCTC hợp nhất quý 2/2022 tại CII
BCTC hợp nhất quý 2/2022 tại CII

Xét về tình hình nợ vay, tại thời điểm 30/6/2022, tổng dư nợ vay tại CII hơn 15.000 tỷ đồng, gần 73% là nợ vay dài hạn. Trong đó, dư nợ trái phiếu tại CII tính đến cuối quý 2/2022 là 4.384 tỷ đồng, chiếm khoảng 29% tổng nợ vay, các lô trái phiếu có lãi suất từ 10% đến 11%.  Như vậy, CII đang đi vay với số tiền bằng một nửa tổng tài sản.

Trong nửa đầu năm, CII thu về 284 tỷ đồng lãi tiền gửi, trái phiếu và tiền cho vay. Chi phí lãi vay phải trả trong cùng thời gian là 556 tỷ đồng.   

Về nợ vay ngắn hạn, CII đang vay nhiều nhất tại Công ty TNHH City Garden Thủ Thiêm hơn 690 tỷ đồng. Được biết, năm 2020, CII chuyển nhượng 80% vốn góp trong Dự án Thủ Thiêm River Park (TTRVP) cho City Garden (CG) - thành viên của CTCP Phát Triển và Tài Trợ Địa Ốc R.C (Refico). Do đó, BĐS Thủ Thiêm River Park không còn là công ty liên kết của CII.

Ngoài ra, CII còn hơn 2.019 tỷ đồng trái phiếu đến hạn trả.

Về khoản nợ vay dài hạn, ngân hàng Vietinbank đang là chủ nợ lớn nhất, với gần 4.258 tỷ đồng.

Dòng tiền thuần tại CII 'âm nặng', hơn 139 tỷ đồng nợ xấu - Ảnh 3
Dòng tiền thuần tại CII 'âm nặng', hơn 139 tỷ đồng nợ xấu - Ảnh 4
Dòng tiền thuần tại CII 'âm nặng', hơn 139 tỷ đồng nợ xấu - Ảnh 5
Chi tiết nợ vay tại CII (nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022)
Chi tiết nợ vay tại CII (nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2022)

Cách đây không lâu, doanh nghiệp cho biết hoạt động thu phí giao thông bước vào giai đoạn ổn định (sau khi gián đoạn vì COVID-19) và dự án cao ốc văn phòng 152 Điện Biên Phủ đi vào khai thác nên doanh thu CII đã tăng trưởng trở lại.

CII cho biết, đối với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, CII dự kiến bắt đầu thu phí hoàn vốn trong quý III sắp tới. Các dự án bất động sản đang trong giai đoạn hoàn thiện và dự kiến ghi nhận doanh thu trong 6 tháng cuối năm. Còn việc giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty con và thu hồi vốn đầu tư đang được diễn ra đúng kế hoạch.

Cập nhật về tình hình trả nợ trái phiếu của công ty mẹ, CII cho biết các dự án BOT Xa lộ Hà Nội và Cao ốc 152 Điện Biên Phủ đã đi vào khai thác đã đem lại dòng tiền cho công ty. Công ty mẹ đã thanh toán 350 tỷ đồng tiền lãi trái tức và 870 tỷ tiền nợ gốc trái phiếu, đưa tổng số dư nợ trái phiếu về khoảng 6.470 tỷ đồng tính đến cuối quý II. Trước đó, công ty đã đề ra mục tiêu đến cuối năm sẽ giảm dư nợ trái phiếu về khoảng 6.000 tỷ đồng.

Trong 6 tháng cuối năm, nghĩa vụ nợ gốc trái phiếu đến hạn đối với công ty mẹ CII còn 200 tỷ đồng. CII tự tin sẽ thanh toán đầy đủ nghĩa vụ trái phiếu đến hạn trong năm nay và dự kiến sẽ thanh toán trước hạn khoảng 2.800 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu đáo hạn trong năm 2023. Dự kiến số dư trái phiếu tới cuối quý I/2023 sẽ còn 3.700 tỷ.

Trước đó vào đầu năm, lãnh đạo CII đã trấn an cổ đông rằng rằng các khó khăn trong hoạt động kinh doanh của CII chỉ tạm thời trong ngắn hạn, khi COVID-19 được kiểm soát, các dự án bất động sản sắp hoàn thành dự kiến sẽ bàn giao trong năm 2022, các dự án BOT trọng điểm đã và sẽ được đưa vào khai thác bắt đầu từ cuối năm 2021 và năm 2022 sẽ cải thiện đáng kể tình hình tài chính của CII.

Hà Phương

Sở hữu trí tuệ
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục