Đồng nhân dân tệ vẫn chưa thể vươn tầm quốc tế

Theo như phát biểu của cựu chủ tịch Fed thì đồng tiền này của Trung Quốc muốn vươn xa để đạt được tầm quốc tế thì cần phải có nhiều thứ hơn chứ không chỉ là có một nền kinh tế mạnh.

Đó là lời của cựu chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ben Bernanke, mặc dù Bắc Kinh đã có những nỗ lực lớn trong việc biến đồng tiền của mình thành một trong những đồng tiền dự trữ quốc tế.

Phát biểu hôm thứ ba vừa qua tại Hong Kong, cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke cho rằng để đạt được tầm như thế cần phải có nhiều thứ hơn chứ không chỉ là có một nền kinh tế mạnh. “Để đi theo hướng đó, Trung Quốc sẽ phải tiếp tục tự do hóa tài khoản vốn, chế độ giao dịch hiện tại của họ, và củng cố sâu rộng hơn nữa các thị trường trái phiếu cũng như các thị trường tài sản khác,” ông nói.

Trung Quốc lâu nay vẫn kiểm soát rất chặt đồng tiền của mình nhằm bảo đảm một tỉ giá có lợi cho các lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất của họ. Nhưng chính phủ Mỹ và các quốc gia khác lại chỉ trích rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang giữ đồng nhân dân tệ ở mức thấp giả tạo.

Hiện tại Bắc Kinh vẫn tiếp tục ấn định tỉ giá hối đoái hàng ngày, chỉ cho phép đồng nhân dân tệ thay đổi trong một biên độ nhất định, dù rằng chính phủ nước này đã bắt đầu nới lỏng hơn. Năm ngoái, ngân hàng trung ương nước này đã tăng gấp đôi biên độ giao dịch cho phép đối với đồng nhân dân tệ và ngay sau đó đồng nhân dân tệ đã tăng khoảng 0,5% so với đồng USD trong năm ngoái.

Mức tăng đó là đủ để Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tuần trước đưa ra công bố rằng đồng nhân dân tệ “không còn bị định giá thấp nữa”, tạo sự thay đổi tâm lý đáng kể của mọi người đối với đồng tiền này. Tuy nhiên IMF vẫn hối thúc Trung Quốc tiến hành nhiều cải cách hơn nữa và hướng tới việc thả nổi tỉ giá.

Bắc Kinh đưa ra thông điệp rõ ràng rằng họ muốn đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền chuẩn trên toàn cầu, thậm chí là hối thúc IMF thêm đồng tiền này vào nhóm có thể quyết định giá trị dự trữ. Nhóm này hiện đang gồm đồng USD, đồng euro, đồng yen Nhật và đồng bảng Anh.

Nhưng ông Bernanke cảnh báo rằng việc biến đồng nhân dân tệ thành một đồng tiền dự trữ toàn cầu sẽ không phải là “mục tiêu cuối cùng” của Bắc Kinh.

“Mục tiêu cuối cùng của họ là có một nền kinh tế năng suất hơn và mạnh hơn,” ông cho biết, đồng thời đưa ra lời khuyên dành cho quốc gia này: “Trung Quốc nên tập trung vào những cải cách sâu rộng hơn vì như thế mới dẫn đến tăng trưởng lâu dài hơn và bền vững hơn.”

Ông Bernanke cũng công nhận rằng một trong những động cơ nhằm nâng cao vị thế của đồng nhân dân tệ là có liên quan đến lòng tự hào dân tộc: “Ở một mức độ nào đó, đây là một vấn đề liên quan đến uy tín quốc gia. Vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

Theo Tri Thức Trẻ

   

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục