Doanh thu VNPT giảm hàng nghìn tỷ, đầu tư ra ngoài lỗ đậm

Năm 2021, VNPT ghi nhận doanh thu gần 40.750 tỷ đồng, giảm 3.378 tỷ đồng so với năm 2020. Tập đoàn này đầu tư gần 7.000 tỷ đồng vào 59 công ty, liên kết nhưng nhiều đơn vị thua lỗ, 8 đơn vị chưa gửi báo cáo kinh doanh năm 2021.

Doanh thu giảm nghìn tỷ

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có báo cáo giám sát tài chính công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) gửi tới Bộ Tài chính.

Theo kết quả giám sát, doanh thu năm 2021 của VNPT là 40.748 tỷ đồng, đạt 90,22% so với kế hoạch được Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao, bằng 91,6% so với năm 2020 (tương ứng giảm 3.378 tỷ đồng).

Trong đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của VNPT là 36.811 tỷ đồng; doanh thu hoạt động tài chính là 2.740 tỷ đồng; thu nhập khác đạt 1.197 tỷ đồng...

Kết quả giám sát cũng cho thấy lợi nhuận sau thuế của VNPT năm 2021 đạt khoảng 4.073 tỷ đồng, bằng 95,05% so với kế hoạch. Lợi nhuận thực hiện năm 2021 hoàn thành thấp hơn được lý giải là do VNPT tính vào chi phí sản xuất kinh doanh khoản 400 tỷ đồng ủng hộ quỹ vaccine phòng chống Covid-19.

Doanh thu VNPT giảm hàng nghìn tỷ, đầu tư thua lỗ, cổ phần hóa chậm chạp.
Doanh thu VNPT giảm hàng nghìn tỷ, đầu tư thua lỗ, cổ phần hóa chậm chạp.

Ngoài ra, nộp ngân sách Nhà nước của VNPT năm 2021 đạt 4.501 tỷ đồng, bằng 110% kế hoạch đề ra.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của VNPT trong năm 2021 là 6,1%, nếu loại trừ số tiền ủng hộ quỹ vắc xin trong năm, tỷ lệ này tăng lên 6,6%. 

Vốn chủ sở hữu nhà nước tại VNPT cuối năm 2021 đạt 67.595 tỷ đồng, tăng 1.221 tỷ đồng so với hồi đầu năm, hệ số bảo toàn vốn của công ty mẹ VNPT tăng 1,84%.

Mạnh tay đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, VNPT thu lợi nhuận bao nhiêu?

Theo báo cáo, cuối 2021, tổng giá trị vốn VNPT đầu tư ra ngoài doanh nghiệp khoảng 6.962 tỷ đồng, tương ứng với 59 khoản đầu tư vào 24 công ty con, 27 công ty liên kết và 8 khoản đầu tư tài chính khác.

Trong đó có khoảng 4.606 tỷ đồng đầu tư vào 3 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trực thuộc: Tổng công ty Dịch vụ viễn thông - VNPT VinaPhone, Tổng công ty Truyền thông - VNPT Media, và Công ty TNHH MTV Cáp quang - FOCAL. Tổng lợi nhuận trước thuế 3 công ty đạt khoảng 2.230 tỷ đồng, VNPT thu về lợi nhuận khoảng 920 tỷ đồng, giảm 175 tỷ đồng so với năm 2020.

Các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, đầu tư dài hạn khác với tổng số vốn 1.103 tỷ đồng, kết quả ghi nhận 22 đơn vị có kết quả kinh doanh có lãi, 5 đơn vị có kết quả kinh doanh lỗ và 8 đơn vị chưa gửi báo cáo tình hình kinh doanh năm 2021.

Một số doanh nghiệp VNPT góp vốn đầu tư đang thua lỗ như Công ty Stream Net (VNPT góp 72% vốn) lỗ 189 triệu đồng, Công ty TNHH VKX (VNPT góp 50% vốn) lỗ 10,6 tỉ đồng, Liên doanh cáp đồng Lào Việt (VNPT góp 50% vốn) lỗ 1,1 tỷ đồng, Công ty CP Phát triển dịch vụ học tập và giải trí trực tuyến (góp 42,93% vốn) lỗ 3 tỷ đồng..,

Trong đó, Công ty CP truyền thông VMG (vốn góp 28,3%) lỗ 581,9 tỷ đồng. Năm 2020, 2021 lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này âm dẫn tới lỗ lũy kế phát sinh đến cuối năm 2021 là trên 711 tỷ đồng.

Trong số 5 khoản đầu tư ra nước ngoài của VNPT, khoản đầu tư vào Liên doanh cáp đồng Việt Lào đang lỗ lũy kế 1,18 triệu USD. Liên danh LVCC được đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt.

Khoản đầu tư vào Công ty Stream Net tại Myanmar khoảng 10,28 triệu USD, hiện đang lỗ lũy kế 4,61 triệu USD.

Để cắt lỗ, VNPT đang lên kế hoạch thoái vốn khỏi hai công ty này.

Bộ Tài chính yêu cầu 2024 VNPT hoàn thành cổ    phần hóa

Cuối năm 2021, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước năm 2021, dự kiến năm 2022 và giải pháp giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ Tài chính nêu rõ, công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp trong năm 2021 không triển khai được do nhiều đơn vị vẫn chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi cổ phần hóa theo quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính phải xử lý.

Việc rà soát để điều chỉnh kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 2/7/2021 còn chậm..

Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Tài chính cho rằng, công tác cổ phần hóa phải được quan tâm, chỉ đạo triển khai tập trung, trọng điểm, tránh dàn trải, hoàn thành đúng tiến độ, đúng mục tiêu đối với từng doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa.

Vì vậy, Bộ Tài chính kiến nghị, ưu tiên triển khai cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp thua lỗ, kinh doanh không hiệu quả theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong giai đoạn 2023- 2024, triển khai và hoàn thành công tác cổ phần hóa Công ty mẹ-Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam.

Hoàng Nhung

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục