Doanh nghiệp vốn 144.000 tỷ đồng: Cán bộ đăng ký kinh doanh thấy “bất thường”, doanh nghiệp khẳng định “không nhầm”

Để thực hiện đầy đủ thủ tục góp vốn trong thời gian quy định, trung bình mỗi ngày doanh nghiệp bất động sản với vốn đăng ký 144.000 tỷ đồng phải nộp khoảng 1.600 tỷ đồng.

Như BizLIVE đã đưa tin, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch Đầu tư ghi nhận một doanh nghiệp mới thành lập hơn 1 tháng - CTCP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC với số vốn đăng ký “khổng lồ” lên đến 144.000 tỷ đồng.

Số vốn đăng ký của doanh nghiệp mới thành lập này vượt xa nhiều doanh nghiệp “tên tuổi” như PVEP, Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Tập đoàn Cao su, BIDV, Vietinbank, Techcombank, Vingroup, VinHomes…, thậm chí vượt cả Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), chỉ xếp sau Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, khi cấp giấy chứng nhận, cán bộ đăng ký kinh doanh đã thấy bất thường. Vì doanh nghiệp đăng ký qua mạng nên cán bộ đã gọi trực tiếp cho doanh nghiệp xem họ có ghi nhầm không. "Tuy nhiên họ khẳng định là không nhầm. Chúng tôi cũng giải thích họ phải góp đủ số vốn điều lệ này trong vòng 90 ngày, nếu không sẽ bị xử phạt. Trong Nghị định 50 có quy định về mức xử phạt này với mức phạt khoảng vài triệu đồng”, vị này cho biết.

Doanh nghiệp vốn 144.000 tỷ đồng: Cán bộ đăng ký kinh doanh thấy “bất thường”, doanh nghiệp khẳng định “không nhầm” - Ảnh 1
CTCP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco) có địa chỉ tại số 10, ngõ 234 đường Thôn Lai Xá, Xã Kim Chung, Huyện Hoài Đức 


Pháp nhân đăng ký số vốn lên đến 144.000 tỷ đồng nói trên là CTCP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco), ngành nghề chính là Bất động sản. Công ty có 3 cổ đông bao gồm ông Trần Gia Phong và bà Kim Thị Phương mỗi người góp 30%, tương ứng 43.200 tỷ đồng cùng ông Nguyễn Hoàn Sơn góp 40%, tương ứng 57.600 tỷ đồng.

Trên thực tế, dù không phải doanh nghiệp nào cũng góp đủ vốn ngay từ khi thành lập tuy nhiên việc vốn đăng ký lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng cũng làm dấy lên hoài nghi về tính khả thi trong việc góp vốn thực tế.

Theo khoản 1 điều 112 Luật Doanh nghiệp năm 2014, đối với công ty cổ phần, các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn.

Như vậy, để thực hiện đầy đủ thủ tục góp vốn trong thời gian quy định, trung bình mỗi ngày doanh nghiệp này phải nộp khoảng 1.600 tỷ đồng. Nếu sau 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua, thì thực hiện theo quy định sau đây:

a) Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;

b) Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;

c) Số cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán;

d) Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại khoản 1 Điều này.

 

 

Theo Thanh Hà/Bizlive

 

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục