Ngân hàng cần DN nhiều hơn là DN cần ngân hàng
Tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM chiều 13-10, ông Nguyễn Phước Hưng, Tổng thư ký Hiệp hội DN TP.HCM chia sẻ, chưa bao giờ DN thờ ơ với việc vay vốn như hiện nay. Trong các cuộc họp, Hiệp hội DN đều phát phiếu khảo sát về nhu cầu vay vốn cho DN, nhưng chỉ thu về được vài ba phiếu từ hàng trăm phiếu phát ra. Theo ông Hưng, ngân hàng tung ra các gói cho vay với lãi suất 6 – 7%, nhưng thực tế DN rất khó tiếp cận mức lãi suất này, nếu có cũng chỉ trong vài ba tháng đầu, sau đó lại trở về mức lãi suất cao trên 10%. Bên cạnh đó, DN hiện vẫn gặp khó về vấn đề tài sản thế chấp, trong khi quỹ bảo lãnh tín dụng vẫn chủ yếu chỉ tư vấn chứ chưa làm được vai trò bảo lãnh, khiến việc vay vốn của DN gặp khó khăn.
Ông Lê Tùng, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thương mại Sài Gòn lại chỉ ra rằng, hiện nhiều DN vay vốn không biết để làm gì vì sức mua của thị trường quá yếu. Trước đây một DN sản xuất đường khi bán mỗi kg đường có lãi 200 - 300 đồng, nhưng nay chỉ còn 20 - 30 đồng. Con số này không đủ trang trải chi phí lãi vay. Doanh số 9 tháng năm 2014 của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn cũng chỉ ở mức tương đương với năm 2013.
Các ngân hàng có mặt tại buổi làm việc đều cho biết, ngân hàng hiện không dám cho vay lãi suất cao, thậm chí phải cạnh tranh gay gắt để giữ chân khách hàng. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB chia sẻ, hiện tại ngân hàng cần DN nhiều hơn là DN cần ngân hàng. Các DN tốt, có thể cho vay thì ngân hàng đều đã lùng sục hết. Điều này được thể hiện qua mức tăng trưởng tín dụng khối khách hàng DN của ACB trong 9 tháng năm 2014 chỉ đạt 2%. Ông Đỗ Duy Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt cũng cho hay, tại Bản Việt vẫn còn 2.450 tỷ đồng hạn mức tín dụng cấp cho DN nhưng DN không sử dụng hết. Ông Hưng cho biết, đối với những DN có quan hệ lâu năm, hoạt động tốt, ngân hàng luôn tạo điều kiện hỗ trợ tối đa và đưa ra mức lãi suất thấp để giữ chân.
Tương tự, ông Nguyễn Quang Triết, Phó Tổng giám đốc Eximbank cũng chia sẻ, tại Eximbank có những hạn mức lên đến 20.000 tỷ đồng cấp cho DN nhưng không sử dụng. “Dù Eximbank đeo bám khách hàng quyết liệt, tiếp cận liên tục để hễ khách hàng có nhu cầu là cho vay ngay, nhưng việc cho vay vẫn rất khó khăn” - ông Triết phát biểu.
Tại Ngân hàng Đông Á, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó Tổng Giám đốc cũng cho biết, hiện Đông Á chủ yếu tập trung cho vay các DN cũ, còn các DN mới dù chào mời rất nhiều nhưng số lượng tăng lên cũng chỉ ở mức khiêm tốn. Hiện tại, nhiều khách hàng của Đông Á vay với lãi suất chỉ 7%/năm, thậm chí dưới 7%/năm nhằm giữ chân khách hàng. Ngân hàng có giao chỉ tiêu tín dụng cho nhân viên, nhưng việc thực hiện rất chật vật.
Còn nhiều điểm nghẽn
Trên thực tế, đã có nhiều DN thoát khỏi giai đoạn khó khăn, phục hồi sản xuất nhờ được cơ cấu lại nợ và các chính sách tín dụng của ngân hàng. Đơn cử như tại Công ty Thủy đặc sản Seaprimex, ông Đỗ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc cho biết, trong năm 2011, công ty phải trả tới 33 tỷ đồng lãi vay ngân hàng. Nhưng đến nay, chi phí này giảm xuống còn khoảng 10 tỷ đồng. Nhờ đó, tình hình sản xuất kinh doanh của DN đã hồi phục trở lại.
Tuy nhiên, nhu cầu vốn của hầu hết DN là trung và dài hạn, song việc cho vay trung và dài hạn còn gặp một số khó khăn do quy định cơ cấu sử dụng vốn của ngân hàng chỉ được phép dùng 30% vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn. Trong khi đó, phần lớn nguồn vốn các ngân hàng huy động đều là ngắn hạn. Cụ thể, ACB có 85% vốn huy động ngắn hạn, Ngân hàng Đông Á cũng có trên 70% vốn huy động có kỳ hạn dưới 3 tháng… Điều này khiến lượng vốn các ngân hàng được phép cho vay tại các kỳ hạn trung, dài hạn bị hạn chế rất nhiều.
Một điểm nghẽn khác khiến tín dụng tăng chậm theo lý giải của các ngân hàng chính là vấn đề nợ xấu. Ông Đỗ Minh Toàn chia sẻ, tại ACB, nhân viên nào để xảy ra nợ quá hạn thì sẽ bị ngưng hoạt động cho vay để tập trung xử lý nợ. Trong khi đó, công tác xử lý nợ hiện rất chậm do việc thi hành án kéo dài đã gây ra ức chế không nhỏ về tâm lý cho các cán bộ tín dụng của ngân hàng, buộc việc thẩm định, xét duyệt hồ sơ vay phải thận trọng hơn. Ông Nguyễn Tiến Vĩnh, Phó giám đốc Ngân hàng VietinBank chi nhánh TP.HCM chỉ ra rằng, khó khăn lớn nhất trong việc xử lý nợ xấu vẫn chính là xử lý tài sản thế chấp. Theo quy định, ngân hàng có quyền xử lý tài sản thế chấp của DN, song trên thực tế lại không thể thực hiện được nếu DN không đồng ý. Lúc này ngân hàng buộc khởi kiện ra toà, kéo theo đó là hàng loạt thủ tục tố tụng phức tạp, sau đó quá trình thi hành án cũng kéo dài rất lâu. Có những vụ việc cách đây hàng chục năm, nhưng đến nay ngân hàng vẫn chưa xử lý được tài sản.
Theo Báo Hải Quan