Doanh nghiệp ồ ạt chuyển hướng sang làm nông nghiệp
Theo thống kê chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2014 đã có khoảng 70 doanh nghiệp đăng ký thành lập để hoạt động sản xuất - kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp.
Trước thực trạng thị trường bất động sản “đóng băng” không có mấy dấu hiệu lạc quan như hiện nay, Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức đã quyết định chọn hướng kinh doanh mới là ngành nông lâm sản và phân bón để bổ trợ cho lĩnh vực kinh doanh chính. Dự kiến trong năm nay, Công ty sẽ ký nhiều hợp đồng xuất khẩu mặt hàng lâm sản, mỗi hợp đồng trị giá trên 10 triệu USD".
Vài năm trở lại đây, Tập đoàn Tân Tạo cũng đã bắt đầu chú trọng tới lĩnh vực nông nghiệp. Tân Tạo đã thành lập nên Cty chuyên nghiên cứu và sản xuất gạo thơm, tiến hành nghiên cứu giống lúa, đầu tư vốn và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Hiện nay, nhiều sản phẩm của tập đoàn này như: Nàng Yến, Nàng Đào, Nàng Nga... đang thu hút được sự chú ý của nhiều người tiêu dùng.
Một tập đoàn lớn nữa phải kể đến là Hoàng Anh Gia Lai, tập đoàn này đã từng nổi danh trong giới bất động sản tại Việt Nam. Tuy nhiên khi thị trường bất động sản bị ngưng trệ, HAGL quyết định từ bỏ bất động sản chuyển trọng tâm kinh doanh sang lĩnh vực nông nghiệp.
Chưa hết bất ngờ vì sự phát triển trong mảng cao su và mía đường, giới đầu tư lại một lần nữa xôn xao tin "bầu Đức đi chăn bò" khi tập đoàn này công bố chi hàng nghìn tỷ đồng cho dự án nuôi hơn trăm ngàn con bò sữa.
Tương tự như vậy một tập đoàn khác là Tập đoàn Hưng Thuận, được biết đến là chủ đầu tư các dự án bất động sản và khu công nghiệp, vừa qua cũng thành lập Công ty Đầu tư sinh thái Vina Yến để đầu tư nuôi yến, trồng lan và nuôi cá tại tỉnh Long An.
Công ty Đầu tư Thương mại bất động sản An Dương Thảo Điền cũng đã chuyển hướng sang nông nghiệp khi tiến hành tham gia góp vốn thành lập Công ty CP Đầu tư và Thương mại Ascentro để kinh doanh nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống.
Không chỉ có doanh nghiệp trong nước, một số DN sản xuất - kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, như: Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH Japfa, Công ty TNHH Emivest Việt Nam... cũng liên kết với nông dân trong tỉnh để mở rộng chăn nuôi gia công heo, gà. Tại Đồng Nai mới đây đã có thêm một doanh nghiệp của Hàn Quốc tham gia đầu tư vào chăn nuôi gà với tổng đàn khá lớn
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực đánh bắt và chế biến cá ngừ đại dương.
Bộ Nông nghiệp hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực đánh bắt và chế biến cá ngừ đại dương.
Cơ hội
Việt Nam là một nước có thế mạnh về nông nghiệp, đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng về vùng miền, điều kiện sinh thái khác nhau, vừa có khí hậu nhiệt đới điển hình (từ Đèo Hải Vân trở vào, khí hậu á nhiệt đới; có vụ Đông điển hình (ở vùng đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc) mà các nước khác không có.
Mặt khác các chủng loại sản phẩm từ cây trồng, vật nuôi, nông-lâm, thủy sản... cũng khá đa dạng và phong phú.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, có thể thấy so với bất động sản, nông nghiệp có lợi nhuận thấp hơn khá nhiều. Tuy nhiên lĩnh vực này lại cần ít vốn, mức độ rủi ro thấp hơn nhiều so với đầu tư vào bất động sản và nếu "ăn chắc mặc bền" thì đảm bảo sẽ có lợi nhuận.
Hiện tại nước ta đang có 6-7 mặt hàng nông sản đứng nhất nhì trên thế giới cả về số lượng và năng suất. Hơn nữa nguồn nhân lực cho lĩnh vực này lại khá dồi dào có tới gần 70% dân số sống tại các vùng nông thôn từ trước tới giờ đã khá quen với việc làm nông nghiệp.
Bên cạnh đó chính trị tại Việt Nam khá ổn định, cơ chế thị trường ngày càng được mở rộng, đã khiến cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hứng khởi hơn trong việc đầu tư vào nông nghiệp ở Việt Nam.
Thách thức
Tuy ngành nông nghiệp có khá nhiều cơ hội tốt để các doanh nghiệp phát triển những kèm theo đó cũng là không ít những khó khăn, thách thức.
Cụ thể, chỉ phát triển của ngành nông nghiệp nước ta còn chạy theo số lượng còn chất lượng sản phẩm lại khá thấp, công nghệ đa phần còn lạc hậu, tổ chức sản xuất kém, nguyên liệu đầu vào phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, vốn đầu tư cho nông nghiệp còn thấp...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với nhiều vấn đề như thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường... khi đầu tư vào phát triển nông nghiệp.
Mặt khác hầu như các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn khá e dè sợ sệt, chỉ dám đầu tư với quy mô nhỏ, lẻ, manh mún; quá nhiều chủng loại sản phẩm.
Đối với đội ngũ lao động trong lĩnh vực này ở nông thôn chủ yếu là người già và trẻ em, thiếu đội ngũ công nhân nông nghiệp lành nghề.
Doanh nghiệp khó tìm được diện tích đất với quy mô lớn.
Tuy nhiên nói đi thì cũng cần phải nhìn lại, hiện nay chính sách ruộng đất tại Việt Nam còn khá nhiều điều bất cập. Việc tìm ra những khu đất có diện tích lớn để phát triển nông nghiệp quy mô lớn là hoàn toàn không đơn giản đối với các doanh nghiệp. Vì rất khó để có thể kiếm được vài chục hecta đất sạch.
"Tại VN, khó khăn nhất vẫn là không có quỹ đất quy mô lớn, rất khó để cơ giới hóa, nên từ ba năm trước, Tập đoàn Thành Thành Công đã chuyển hướng đầu tư cho nông dân tỉnh Svey Rieng, Campuchia phát triển hơn 5.000 ha mía nguyên liệu" _Bà Huỳnh Thị Bích Ngọc - Chủ tịch Cty Thành Thành Công đã chia sẻ.
Mặc dù Nhà nước cũng đã rất quan tâm chú trọng tới lĩnh vực này, triển khai khá nhiều các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên một số chính sách còn xa rời với thực tế, không đi vào cuộc sống. Có thể dẫn chứng như Nhà nước ban hành chính sách đất đai, dồn điền đổi thửa nhưng chưa mang lại hiệu quả. Chính sách vốn đầu tư, tín dụng vẫn còn nhiều bất cập. Không có các bộ luật, những quy định riêng dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp…..
Hoàng Công (Tổng hợp)